Du lịch

6 đặc sản Cao Bằng khiến thực khách ăn một lần là nhớ mãi

Cùng với cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, ẩm thực cũng là điểm cộng giúp thực khách thêm yêu mến và thích thú khi ghé thăm Cao Bằng.

Cao Bằng là tỉnh miền núi nằm ở vùng Đông Bắc có đường biên giới kéo dài hơn 300km và giáp Trung Quốc. Dù địa thế hiểm trở nhưng nơi đây được thiên nhiên ưu đãi cho cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có cả núi non, hệ thống hang động và hồ nước,...

Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nơi đây còn sở hữu nét văn hóa ẩm thực độc đáo với những món đặc sản trứ danh như vịt quay, phở thịt quay, khâu nhục, bánh cuốn, hạt dẻ,…khiến thực khách ăn một lần là nhớ mãi.

Vịt quay 7 vị

Vịt quay 7 vị từ lâu đã trở thành đặc sản của vùng đất Cao Bằng khiến bất cứ du khách nào cũng muốn được thưởng thức khi có dịp ghé đến nơi đây.

Để có món vịt quay 7 vị Cao Bằng ngon, vịt được chọn phải là vịt cỏ có cân nặng từ 2,7kg - 3kg. Vịt sau khi được làm sạch sẽ được cho 7 gia vị gồm: gừng, tỏi, hành khô, hạt tiêu, mật ong, đinh hương, quả mắc mật khô băm nhỏ, trộn đều rồi rót từ từ vào bụng vịt để gia vị ngấm sâu vào từng thớ thịt.

Sau đó rưới mật ong và quét dấm lên khắp thân vịt, cách làm này khiến cho thịt vịt vừa mềm,vừa có vị đậm của mật ngọt, lại không bị khô da khi nướng trên than hồng. Khi vịt chín sẽ có lớp da vàng bóng, mùi thơm đặc trưng của các loại gia vị kích thích vị giác của tất cả thực khách.

Bánh áp chao

Bánh áp chao (hay còn gọi bánh vịt chao) có vẻ ngoài giống bánh rán nhưng phần nhân được làm từ thịt vịt thái miếng. Cũng bởi nguyên liệu độc đáo này mà bánh áp chao Cao Bằng có hương vị đặc trưng riêng, khác hẳn so với các món bánh rán nhân mặn làm từ thịt lợn xay và mộc nhĩ, miến.

Các thành phần nguyên liệu làm nên món bánh áp chao khá đơn giản, dễ tìm nhưng phải trải qua quá trình chọn lọc kỹ càng. Vỏ bánh được làm từ bột gạo nếp, bột gạo tẻ và đỗ tương. Gạo phải chọn loại mới thu hoạch, hạt mẩy, ngâm nước sạch khoảng 8 tiếng. Đỗ tương cũng được chọn từ đỗ Quảng Uyên lòng vàng

Sau khi hoàn thành, món bánh có lớp vỏ ngoài giòn trong mềm khá giống bánh rán mặn nhưng dậy vị thơm ngon đậm đà của thịt vịt. Những chiếc bánh nóng hổi chấm với nước mắm chua ngọt, ăn kèm rau xanh và đu đủ bào sợi giúp thực khách ăn nhiều cũng không bị ngấy.

Bánh Coóng Phù

Bánh Coóng Phù là một dạng bánh trôi đặc sắc của vùng Cao Bằng. Món bánh này được làm từ các nguyên liệu gạo nếp, đường, đậu phộng, mè và gừng tươi, với cách làm tương tự như làm bánh trôi bình thường nhưng không có nhân bánh và có nhiều màu. Một bát bánh Coóng Phù ấm nóng sẽ là lựa chọn lý tưởng cho du khách khi du lịch đến Cao Bằng.

Bánh cuốn Cao Bằng

Bánh cuốn của người Cao Bằng được làm từ gạo tẻ Đoàn Kết và được làm tại chỗ trên những chiếc nồi gang có khuôn lớn, miệng nồi được làm bằng những cật tre già. Nhân bánh có thể gồm trứng gà, thịt băm, chả giò hay mộc nhĩ...

Điều đặc biệt là người Cao Bằng ăn bánh cuốn cùng một bát nước xương ngọt thanh, ấm nóng chứ không ăn cùng nước mắm như các tỉnh thành khác. Khi ăn, họ hông chấm từng miếng mà cho tất cả bánh vào bát nước xương ấy. Có lẽ vì vậy mà món này còn có tên gọi khác là bánh cuốn canh Cao Bằng.

Bánh trứng kiến

Loại bánh đặc biệt này được coi là đặc sản của người Tày ở vùng Cao Bằng, Bắc Kạn. Nguyên liệu chính của bánh chính là loại trứng kiến. Vì phụ thuộc vào nguyên liệu đặc biệt này nên hàng năm chỉ có thể làm bánh từ đầu tháng 4 cho đến cuối tháng 5 Dương lịch, tương đương từ cuối tháng 2 đến hết tháng 3 Âm lịch. Đây là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng.

Trứng kiến sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch, mang đi xào lăn, rồi đem rắc lên phần lớp bột được cán mỏng trên lá vả và mang đi hấp. Bánh mang hương vị bùi béo, thơm ngon đậm chất núi rừng, sẽ là trải nghiệm thú vị về ẩm thực cho du khách.

Phở chua Cao Bằng

Phở chua là một món ăn được chế biến khá cầu kỳ. Nguyên liệu chính là bánh phở, nhưng phải là bánh tráng xong để nguội, vừa dẻo vừa dai, không nát. Thịt lợn phải là thịt ba chỉ, sau khi tẩm ướp, rán giòn, có màu vàng sậm. Riêng vịt quay, phải chọn những con vịt béo tròn, cho các gia vị như lá hoặc quả mắc mật, hạt dổi... vào trong bụng rồi khâu lại, sau đó xoa mật ong lên lớp da, quay trên than hồng cho thật vàng.

Tiếp đến là miến dong, miến làm phở chua là miến có màu hơi sậm (chưa tẩy trắng) chao qua mỡ cho giòn. Một nguyên liệu không thể thiếu là khoai tàu, người Tày ở Cao Bằng gọi là “phước hom” (củ to, bở và ngọt ) thái chỉ, chao qua mỡ cho thật vàng và giòn. Gan lợn thái mỏng, rán sém mặt; dạ dày lợn làm sạch, luộc qua rồi đem rán. Ngoài các nguyên liệu chính nói trên, món phở chua còn có các gia vị khác như lạc rang, các loại rau thơm như húng, mùi; hành, dưa chuột thái mỏng...

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến phần nước sốt với nguyên liệu chính là dấm, theo tiếng dân tộc còn gọi là “lủ”. Một nồi nước lủ tròn vị thường có vị chua ngọt vừa vặn và có độ sánh nhất định. Khi quay vịt cùng lá mắc mật, người ta sẽ lấy phần nước tiết ra trong bụng con vịt, sau khi phi hành tỏi thơm lừng thì cho vào đó dấm, nước mắm, đường… để có phần nước sốt như ý.

Khi ăn, người ta sẽ cho tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị vào một bát lớn, sau đó rưới nước sốt chua ngọt. Chỉ cần trộn cho các nguyên liệu hòa quyện vào nhau và thấm vị đậm đà là bạn có thể thưởng thức một tô phở chua Cao Bằng.

Tác giả: Minh Hoa (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP