Giếng trời là gì?
Giếng trời là một cấu trúc được xây dựng trong nhà để tận dụng ánh sáng tự nhiên và gió. Nó thường được thiết kế dưới dạng một lỗ hổng hoặc khe hở trong mái nhà, cho phép ánh sáng mặt trời và không khí từ bên ngoài thẩm thấu vào không gian sống bên trong.
![]() |
(Ảnh minh họa) |
Giếng trời giúp cung cấp ánh sáng tự nhiên cho các khu vực trong nhà mà không cần sử dụng đèn điện, từ đó giúp tiết kiệm năng lượng và tạo ra môi trường sống thoáng đãng và thoải mái. Ngoài ra, giếng trời cũng có thể được thiết kế để tạo ra luồng gió tự nhiên, giúp thông thoáng và làm mát không gian sống.
Đối với các ngôi nhà phố hoặc những ngôi nhà được xây dựng ở nơi chật hẹp, 3 mặt đều có nhà bao quanh và không mở được cửa sổ, những tác dụng của giếng trời càng trở nên rõ rệt và quan trọng hơn.
3 tác dụng của giếng trời trong thiết kế nhà cửa
Đem lại ánh sáng và vẻ đẹp tự nhiên cho ngôi nhà
Thay vì phải sử dụng đèn điện suốt ngày, chúng ta có thể tận dụng ánh sáng tự nhiên từ giếng trời để chiếu sáng cho các không gian trong nhà. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm đáng kể tiền điện, mà việc sử dụng ánh sáng tự nhiên từ giếng trời còn mang lại nhiều lợi ích khác.
![]() |
Giếng trời giúp đem lại ánh sáng và vẻ đẹp cho ngôi nhà. (Ảnh ST) |
Ánh sáng tự nhiên được coi là tốt cho sức khỏe và tâm trạng của con người. Nó có khả năng cải thiện tinh thần, tăng cường hiệu suất làm việc và giảm căng thẳng. Do đó, việc có ánh sáng tự nhiên trong nhà thông qua giếng trời không chỉ mang lại lợi ích về mặt tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, mà còn tạo ra một môi trường sống thoải mái và lành mạnh.
Khi được thiết kế khéo léo cùng cây cối, hồ nước, giếng trời còn làm tăng vẻ thẩm mỹ cho không gian sống trong nhà.
Tạo luồng gió tự nhiên, giúp thông thoáng và làm mát không gian sống
Giếng trời cho phép không khí tươi thẩm thấu vào căn nhà, mang lại không gian sống thoáng đãng. Vì thế, có thể tận dụng giếng trời để làm mát cho ngôi nhà trong những ngày trời nóng nực.
![]() |
Thiết kế giếng trời để làm mát cho ngôi nhà, nhất là vào mùa hè. |
Đặc biệt, đối với những ngôi nhà mái tôn thì giếng trời là giải pháp làm mát hoàn hảo, giúp khắc phục những ngôi nhà có 3 bên đều là tường nhà hàng xóm, không mở được nhiều cửa sổ. Vật liệu thường sử dụng cho giếng trời đó là kính cường lực hoặc tấm lấy sáng Polycarbonate - chúng đều có khả năng kháng lại tia UV.
Tác dụng phong thủy cho ngôi nhà
Trong khoa học phong thủy, giếng trời sẽ đem lại sự hài hòa và cân bằng về trường khí nội thất, mang lại sự cân bằng sinh khí cho không gian, giúp mang lại tài lộc, sức khỏe cho gia chủ.
Theo chia sẻ của chuyên gia phong thủy Tuấn Thịnh trên báo Vietnamnet, với vai trò phân bố ánh sáng và thông thoáng cho nhà, giếng trời thường được bố trí tại trung tâm của mặt bằng nhà (còn gọi là trung cung).
Đây là khu vực mang đặc tính của hành Thổ, cân bằng với các hành khác theo nguyên tắc Hỏa thăng - Thủy giáng - Thổ bình hòa hoặc Mộc chuyển - Kim ẩn - Thổ trung dung.
Bốn hành còn lại trong ngũ hành đều lấy Thổ làm cầu nối để tăng giảm, qua lại tương tác với nhau thông qua vật liệu, màu sắc, đường nét của những không gian trống mà giếng trời là đặc trưng.
![]() |
Giếng trời thường đặt ở trung cung. |
Một giếng trời hợp phong thủy là phải được đặt ở những cung tốt, ví dụ như cung Tài lộc, Thiên mạng. Giếng trời thì không có hướng cụ thể tuy nhiên, khi đặt giếng trời người ta kiêng không đặt hướng Bắc của ngôi nhà.
Nhìn chung trong phong thủy của giếng trời thì 4 hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa đều lấy Thổ làm cầu nối để có thể tăng giảm hay tương tác với nhau thông qua các yếu tố: màu sắc, kiểu dáng, vật liệu mà tạo nên một không gian cân bằng sinh khí tốt nhất cho gia chủ.
Ngoài ra, làm giếng trời và phong thủy cho nhà méo nên đặt vào các góc méo nhọn thuộc Hành hỏa để tạo ra sự vuông vức cho không gian, đúng quy luật ngũ hành Hỏa sinh Thổ.
Đối với giếng trời nhỏ, tiết kiệm diện tích có thể đặt kết hợp ô trống giữa hoặc cạnh cầu thang theo dạng góc chéo (hành Hỏa) cũng giúp không khí luân chuyển tốt, Hỏa sinh Thổ và trang trí vách cầu thang thành điểm nhấn thẩm mỹ.
Nếu như vị trí của giếng trời không đặt ở trung cung thì có thể đặt ở vị trí khác cho hợp phong thủy và mặt bằng.
Tác giả: Gia Linh (Tổng hợp)
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn