Giải thích yêu cầu Grab ngừng hoạt động dịch vụ này, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, yêu cầu này dựa trên kiến nghị của Sở GTVT và Hiệp hội Taxi TP.HCM, cũng như quy định pháp luật hiện hành.
Theo ông Ngọc, bộ hiểu được lợi ích của việc đi chung xe, như chi phí rẻ, giảm số xe chạy trên đường khi sử dụng dịch vụ đi chung xe... Tuy nhiên, do pháp luật hiện hành chưa cho phép một xe ký hai hợp đồng nên các đơn vị vận tải cần tuân thủ. Việc này cũng nhằm giảm thiểu rủi ro khi khách đi chung xe.
“Cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu để bổ sung quy định pháp lý khi có những vấn đề mới phát sinh từ thực tế”, ông Ngọc cho biết.
Trước thông tin này, nhiều độc giả bày tỏ quan điểm ủng hộ quyết định của Bộ GTVT. Bạn đọc Lê Hoài Anh (Đà Nẵng) cho rằng: “Nếu muốn áp dụng dịch vụ mới, Grab phải đăng ký ngay từ khi lập đề án thí điểm. Phải được phép mới triển khai”.
Bạn đọc Lý Huỳnh Vy (TP.HCM) cho biết: “Tôi đi thử Grabshare một lần, thấy rẻ nhưng cũng lạnh người khi ngồi chung xe với 2 thanh niên lạ, xăm trổ phía sau. Thực sự cũng chưa quen lắm. Nếu họ trêu đùa hay chòng ghẹo chắc tôi phải xuống xe giữa đường”.
Tuy nhiên, nhiều bạn đọc khác lại tỏ ra thất vọng, bạn Vĩ An (Hà Nội) cho rằng: “Nhiều nước quy định giờ tan tầm không được đi ô tô chỉ có một người vào trung tâm thành phố để giảm tắc nghẽn. Giờ có dịch vụ đi chung xe vừa giảm chi phí, vừa đỡ tắc đường, không có lý gì để ngăn cản. Tôi và rất nhiều bạn thích đi chung xe”.
Bạn đọc Thùy Chi (du học sinh) đề xuất: “Việt Nam nên mở cửa chính sách quản lý, đưa hết taxi, xe khách cố định, xe khách hợp đồng vào quản lý bằng ứng dụng như Grab, Uber. Không cần phân biệt quá nhiều loại hình vận tải. Chỉ cần sử dụng công nghệ để quản được số khách, số ghế, doanh thu, hành trình lẫn việc chấm điểm tài xế, điểm an toàn. Đó mới là hướng quản lý mới cần ứng dụng và tạo đột phá cho vận tải phát triển. Giờ này còn giao quyền cho công an, thanh tra chạy ra đường bắt xe thì quá lạc hậu”.
Nguồn tin: Báo Giao thông