Kinh tế

Trung Quốc gây biến động, vạn gia đình Việt bất an

Thị trường chính Trung Quốc có nhiều thay đổi về chính sách nhập khẩu khiến nhiều thế mạnh nông sản gặp khó, hàng vạn gia đình nông dân Việt bất an vì đầu ra bế tắc.

Báo cáo của Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, kết thúc quý I năm 2019, trong 10 năm mặt nông sản nằm trong top mặt hàng xuất khẩu tỷ USD thì chỉ 2 mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng là thủy sản và lâm sản. Trong đó, thủy sản xuất khẩu tăng nhưng vẫn chưa đạt được chỉ tiêu của quý I mà ngành đề ra.

Còn lại, hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đang lao dốc. Trong đó, mặt hàng gạo xuất khẩu - một thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam - đang giảm mạnh khi khối lượng xuất khẩu gạo chỉ đạt 1,43 triệu tấn, giá trị đạt 593 triệu USD, giảm 3,5% về khối lượng và giảm 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2019 đạt 404 USD/tấn, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu gạo giảm mạnh trong quý I/2019

Đáng chú ý, thay vì Trung Quốc, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 40,2% thị phần. Ngoài ra, các thi ̣trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Angola (gấp 9,5 lần); Bờ Biển Ngà (gấp 6,1 lần); Hồng Kông, Nam Phi và Úc gấp hơn 2 lần.

Tương tự, rau quả xuất khẩu là mặt hàng thế mạnh, có sự tăng trưởng thần kỳ trong những năm gần đây, thế nhưng quý I/2019 lại ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng. Hết quý I, giá trị xuất khẩu rau quả chỉ đạt 879 triệu USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Dù vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt với 73,1% thị phần, song xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ đạt gần 428,04 triệu USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Cục chế biến và Phát triển nông sản cũng cho biết, 3 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang các thị trường chính đều tăng mạnh. Duy chỉ có thị trường Trung Quốc là giảm. Theo đó, dù vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt với 73,1% thị phần, song xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ đạt gần 428,04 triệu USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Chờ thị trường Trung Quốc "cứu"

Trao đổi với báo chí về nguyên nhân dẫn giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đồng loạt lao dốc thời gian qua, nhất là mặt hàng gạo và rau quả, ông Lê Thành Hòa - Phó cục trưởng Cục chế và Phát triển thị trường nông sản - cho biết, về rau quả, do thị trường chính Trung Quốc có một số thay đổi về chính sách nhập khẩu kéo theo xuất khẩu mặt hàng này quý I sụt giảm mạnh sau một thời gian dài tăng trưởng bền vững.

Sau thời gian tăng trưởng thần kỳ, xuất khẩu rau quả sụt giảm mạnh trong quý I

Tuy nhiên, Cục Bảo vệ thực vật đã tích cực thực hiện cấp mã số vùng trồng, hỗ trợ các nhà đóng gói, cơ bản đáp ứng được các quy định. Trung Quốc yêu cầu từ 1/5 áp dụng quy định mới liên quan đến việc gắn tem mác, vật lót, bao bì với dưa hấu, chuối, mít. Theo đề nghị của Hải quan Nam Ninh, Cục sẽ cử đoàn công tác sang giải quyết những vướng mắc.

Còn về xuất khẩu gạo, vì là quý đầu tiên của năm, mới trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên đơn hàng chưa được triển khai.

Thêm vào đó, những doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào Trung Quốc đang có những lo ngại. Ông cho hay, vừa qua Cục Bảo vệ thực vật đã có báo cáo đánh giá năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gửi cho phía hải quan Trung quốc, cũng như xem xét lại việc giám sát với 3 doanh nghiệp bị cấm do hạt cỏ.

“Thời điểm này chúng tôi vẫn chờ hải quan Trung Quốc thông qua danh sách các doanh nghiệp được xuất khẩu gạo trở lại vào thị trường này”, ông nói.

Song, ông Hòa cũng nhận định, năm nay sẽ làm năm khó khăn khi xuất khẩu vào Trung Quốc. Bởi, dù Trung Quốc dự kiến nhập khẩu tới 5,3 triệu tấn gạo nhưng họ sẽ xả kho dự trữ.

Theo ông Hòa, xuất khẩu gạo chất lượng cao của Việt Nam vào Trung Quốc vẫn tiếp tục kỳ vọng sẽ tăng trở lại sau khi Trung Quốc công bố 22 doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào thị trường này. Khi đó, xuất khẩu toàn ngành gạo sẽ tăng trưởng và ổn định trong thời gian tới.

Ngoài việc chờ đợi tín hiệu từ thị trường trung Quốc, lãnh đạo Cục này cũng cho biết, sắp tới, Bộ Công Thương sẽ đàm phán hạn ngạch xuất khẩu gạo vào Hàn Quốc. Thị trường Indonesia sẽ tăng nhập khẩu gạo vào quý 3 và 4. Philippines đã mở các cuộc đàm phán về hợp đồng nhập khẩu... Khi ấy, hy vọng việc xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc hơn.

Tác giả: Tâm An

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP