Các nhà cung cấp Trung Quốc đã chào bán carfentanil công khai trực tuyến, để xuất khẩu ra toàn thế giới, theo một cuộc điều tra của AP. Hãng tin xác định được 12 doanh nghiệp Trung Quốc nói rằng họ sẽ xuất khẩu carfentanil đến Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Bỉ và Australia với giá ít nhất là 2.750 USD/kg.
"Chúng tôi chắc chắn có thể cung cấp carfentanil", một nhân viên bán hàng từ công ty xuất nhập khẩu Jilin Tely viết bằng tiếng Anh trong một email vào tháng 9. "Và đó là sản phẩm bán chạy hàng đầu của chúng tôi".
Carfentanil là một trong các loại opioid (ma túy tổng hợp có thể được sử dụng làm thuốc giảm đau trong y tế) mạnh nhất đang được lưu thông, độc hại đến mức một lượng nhỏ hơn hạt giống cũng có thể gây chết người. Hóa chất này chủ yếu được biết với công dụng gây mê voi, hoặc sử dụng như vũ khí hóa học.
Carfentanil trở thành tâm điểm chú ý trong mùa hè này khi việc lạm dụng opioid đã giết chết hàng chục nghìn người chỉ tại Mỹ. Tính riêng khu vực Detroit, đã có 19 trường hợp tử vong liên quan đến carfentanil từ tháng 7.
Tại Trung Quốc, carfentanil không phải là một chất bị kiểm soát. Chính phủ Mỹ đã thúc giục Trung Quốc đưa chất này vào danh sách đen, nhưng Bắc Kinh vẫn chưa hành động.
Bộ Công an Trung Quốc từ chối yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Trong nhiều thập kỷ trước khi được những tay buôn ma túy phát hiện ra, carfentanil và các chất tương tự được Mỹ, Anh, Nga, Israel, Trung Quốc, Cộng hòa Séc và Ấn Độ nghiên cứu như một loại vũ khí hóa học, theo tài liệu được công bố công khai. Chúng bị cấm sử dụng tại chiến trường theo Công ước Vũ khí Hóa học.
"Nó là một loại vũ khí", Andrew Weber, quan chức Mỹ phụ trách chương trình quốc phòng hóa học và sinh học năm 2009 - 2014, cho biết. "Không phải ai cũng bán chất này được".
Carfentanil mạnh hơn 100 lần so với fentanyl, loại chất mạnh gấp heroin 50 lần. Mossad, viện tình báo và hoạt động đặc biệt của Israel, được cho là đã dùng fentanyl trong một nỗ lực ám sát bất thành một nhà lãnh đạo Hamas tại Jordan năm 1997.
Các nhà khoa học của chính phủ Anh xác định đặc nhiệm Nga đã phun Carfentanil trong cuộc đột kích chống lại phiến quân Chechnya, nhóm khống chế hàng trăm con tin tại một nhà hát ở Moscow năm 2002.
Tất cả 40 kẻ khủng bố và khoảng 130 con tin đã thiệt mạng trong và sau cuộc đột kích. Theo bác sĩ Andrei Seltsovsky, chủ tịch Ủy ban y tế của Moscow, chỉ một con tin chết do trúng đạn, tất cả những người còn lại đều thiệt mạng do tác động của hóa chất.
Cuộc bao vây nhà hát khiến Mỹ phát triển các chiến lược để đối phó với khả năng carfentanil được sử dụng như một công cụ chiến tranh hay khủng bố, ông Weber nói.
"Các quốc gia khiến chúng tôi lo ngại quan tâm đến việc sử dụng nó cho mục đích tấn công", ông nói. "Chúng tôi cũng lo ngại rằng các nhóm như Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể đặt mua chúng".
Tác giả bài viết: Phương Vũ