Trong nước

Tổng bí thư: ‘Vẫn còn tình trạng áp đặt hoặc né tránh, sợ trách nhiệm'

Trong rất nhiều tồn tại được chỉ ra trong hoạt động của hệ thống chính trị, Tổng bí thư cho rằng vẫn còn tình trạng bao biện, áp đặt, làm thay hoặc né tránh, sợ trách nhiệm.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 diễn ra sáng 3/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát nhiều nội dung quan trọng mà Trung ương sẽ bàn thảo và đưa ra quyết sách. Trong đó có tình hình kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022 và kế hoạch năm 2023 cùng nhiều đề án lớn, quan trọng khác.

Đối phó tiêu cực bên ngoài, xử lý yếu kém bên trong
Đề cập đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội năm 2022-2023, Tổng bí thư nhắc đến bối cảnh, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, khó lường, chưa có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các nước và tổ chức quốc tế.

Theo Tổng bí thư, điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của nước ta.

Nguy cơ suy thoái của kinh tế thế giới là thách thức lớn nhất đối với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng bí thư lưu ý cần chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm; dự báo những khả năng sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2022 và 2023.

“Phải vừa phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và tạo tiền đề cho phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm sắp tới”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Lưu ý trước mắt có thể phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức, Tổng bí thư cho rằng vừa phải tiếp tục ứng phó với những tác động tiêu cực từ bên ngoài, vừa đẩy nhanh tiến độ xử lý những hạn chế, yếu kém và những khó khăn, thách thức từ nội tại của nền kinh tế.

“Áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá và nguy cơ suy thoái của kinh tế thế giới vẫn là thách thức lớn nhất đối với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế nước ta”, theo lời Tổng bí thư.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi, còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, biến động mạnh giá vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao và thị trường xuất, nhập khẩu bị thu hẹp.

Đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, tỷ lệ giải ngân chưa có chuyển biến đáng kể, trong khi thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 6. Ảnh: Nguyên Phúc.

Về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tổng bí thư nhận định đây là nhiệm vụ lần đầu tiên thực hiện, rất mới, rất khó, chưa có kinh nghiệm, song rất quan trọng và cấp thiết, các bộ, các ngành, các địa phương trong cả nước đang rất mong đợi.

Nhắc đến nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng bí thư khẳng định đây là chủ trương lớn, là nhiệm vụ chiến lược, nhiệm vụ trung tâm, quan trọng hàng đầu.

Hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm qua (2011-2020), Tổng bí thư nhắc đến nhiều kết quả quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17% mỗi năm.

Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỷ trọng đóng góp của công nghiệp và dịch vụ vào GDP đạt khoảng 72,7% năm 2020, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình.

“Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Các đột phá chiến lược chưa có sự bứt phá. Tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm”, Tổng bí thư đánh giá.

Cũng theo Tổng bí thư, nội lực của nền kinh tế còn yếu; năng lực độc lập, tự chủ thấp, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; năng suất lao động thấp và chậm được cải thiện…

Thiếu cơ chế sử dụng nhân tài, chưa kiểm soát tốt quyền lực

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn mới cũng là một nội dung quan trọng được người đứng đầu Đảng đề cập trong bài phát biểu.

“Đây là vấn đề rất cơ bản, rộng lớn, phức tạp, nhạy cảm, hệ trọng, liên quan đến sự tồn vong của chế độ, sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”, Tổng bí thư nói.

Nhiều vấn đề đã có chủ trương, chính sách và đã được tiến hành từ lâu nhưng đến nay vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Với đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Tổng bí thư nhìn nhận đây là một nội dung rất quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Những tồn tại được Tổng bí thư chỉ ra là việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị còn chậm và lúng túng, nhất là trong việc xử lý tình trạng không rõ ràng về quyền hạn, trách nhiệm giữa các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh hầu hết vấn đề cần bàn và quyết định rất quan trọng, nhưng cũng rất khó, phức tạp và nhạy cảm. Ảnh: Nguyên Phúc.

Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc của Đảng trong công tác lãnh đạo, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; vẫn còn tình trạng bao biện, áp đặt, làm thay hoặc né tránh, sợ trách nhiệm, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.

Công tác tổ chức, cán bộ và thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên có mặt còn hạn chế; chưa thật sự bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, thiếu cơ chế phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng, trọng dụng nhân tài; chưa kiểm soát tốt được quyền lực trong công tác cán bộ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thiếu gương mẫu, ảnh hưởng xấu đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng…

Theo Tổng bí thư, hầu hết vấn đề cần bàn và quyết định rất quan trọng, nhưng cũng rất khó, phức tạp và nhạy cảm.

"Nhiều vấn đề đã có chủ trương, chính sách và đã được tiến hành từ lâu nhưng đến nay vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, cần tiếp tục được thực hiện ở tầm mức mới với những quyết tâm mới, quyết sách mới, nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới", Tổng bí thư nhấn mạnh.

Nội dung quan trọng được xem xét, thảo luận, quyết định tại Hội nghị Trung ương 6:

Tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2023-2025.

Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. -

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Tác giả: Hoài Thu

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP