Kỳ 1: Thầy cúng 2 vợ không nhớ nổi có bao nhiêu con cháu
Đường từ trung tâm huyện Thuận Châu (Sơn La) đến Co Mạ cứ loanh quanh như đường lên trời. Ngoằn ngoèo qua không biết bao nhiêu con dốc của rừng đặc dụng Copia, mới tìm đến xã của người Mông nằm dưới những thung lũng giữa đại ngàn.
Đại ngàn có cái tên khá lạ Copia xanh thẳm là vậy, nhưng những dải núi bao quanh bản của người Mông lại trọc lốc, nắng cháy. Những dải núi đỏ au, đồng bào mới trọt lỗ tra ngô, rồi ngóng nước giời đổ xuống, cho hạt nảy mầm.
Đi xuyên qua thung lũng khô cháy, đến cuối bản Co Nghệ B, thì gặp một cụm cư dân riêng biệt ở sườn một quả núi, xung quanh mận đào trĩu quả.
Ngôi nhà gỗ lợp phibroximăng khá rộng, người đàn bà béo tốt đội mũ vải sặc sỡ, nhưng cởi trần đang hái rau. Thấy khách lạ, nhưng bà cứ thong thả mặc kệ, mãi sau chúng tôi đề nghị chụp ảnh bà mới đi tìm áo để mặc. Trong bếp, một “cụ bà” đang dúi những thanh củi vào bếp, nấu nồi cơm to tướng. Lít nhít quanh nhà là bọn trẻ, to nhỏ lớn bé dễ đến hai chục, đuổi nhau, trèo cây tíu tít như đàn chim rừng.
Ông Và Chừ Tủa có 2 vợ và số lượng con cháu thì không nhớ nổi. |
Giữa buổi sáng, nhưng ông Và Chừ Tủa vẫn ghếch đầu lên thành giường ở góc nhà ngủ. Cô con gái trắng trẻo, tròn như hạt mít nằm khểnh xem tivi, thấy khách lạ thì nhỏm dậy gọi ông Tủa.
Có khách đến chơi nhà, ông Tủa tươi tỉnh hẳn, nhiệt tình vồn vã đi pha nước. Ông sai cô con gái ra cây mận, cây đào hái quả mời khách.
Ông Tủa phân trần: “Mình lại cứ tưởng cán bộ dân số của huyện xuống cơ. Cán bộ hay vào đây kiểm tra quân số nhà mình lắm. Mình già rồi, không đẻ được gì nữa đâu. Các con mình nhìn gương bố, cũng không dám đẻ nhiều. Chúng nó chỉ đẻ dăm ba đứa thôi. Đẻ nhiều khổ lắm!”.
Ông Tủa chỉ cô con gái trắng xinh như hạt mít, bảo: “Nhà có mỗi nó được đi học đầy đủ. Các con, các anh tập trung cho nó đi học. Mấy hôm nữa tốt nghiệp, cho nó đi học sư phạm, về làm giáo viên mầm non. Giờ rừng hết, đất khô, làm nông nghiệp vất vả lắm, nên cho nó làm cán bộ”.
Là thầy cúng giỏi, thổi khèn hay, nên dù đã có 6 con, sơn nữ Vừ Thị Sé 18 tuổi vẫn chết mê, theo về làm vợ lẽ. |
Ông Tủa năm nay 65 tuổi. Nước da ông đỏ au, cơ thể săn chắc. Hỏi ông có bao nhiêu con, thì ông nhớ có 21 đứa, của 2 bà vợ, nhưng tên của từng đứa con thì ông không nhớ được, vì đông quá. Còn cộng cả các cháu nội ngoại vào nữa, thì ông chịu, vì quá nhiều, theo ông thì “phải đến 40 hay 50 đứa gì đấy, không nhớ hết được đâu”.
Ngày xưa, cả xã Co Mạ là một thế giới riêng trong rừng xa, cả đời con người chẳng bao giờ ra khỏi rừng, sống chẳng khác gì thời công xã nguyên thủy, nên chuyện lấy vợ, lấy chồng, hay lấy bao nhiêu vợ, là do sở thích, quan trọng có kiếm được gì từ rừng nuôi vợ con hay không thôi. Ở bản, ông Tủa lấy vợ khá muộn, tận 20 tuổi mới cưới, trong khi bạn cùng lứa, 15-16 tuổi đã cướp được vợ về rồi.
Bà Sé đẻ tằng tằng cho ông Tủa 12 người con. |
Vợ cả của ông là bà Vừ Thị Cá, năm nay 65 tuổi, bằng tuổi ông, ở bản Lão Hạ, cùng xã. Bà Cá thực sự là cái máy đẻ, khi liên tằng tằng 9 năm đầu đẻ 6 người con, tính ra cứ năm rưỡi lại sinh hạ một lần. Đẻ nhiều, đẻ sớm, nên bà đã lên chức cụ từ mấy năm nay. 6 con đầu toàn gái, nên phải đẻ tiếp. Nhưng mà, trời không thương, nên sau khi ông Tủa lấy vợ hai, bà Cá chỉ đẻ và nuôi thêm được 3 người con nữa (?!).
Còn trẻ, nhưng ông Và Chừ Tủa đã là thầy cúng có tiếng trong vùng. Đi cúng thì được tặng rượu thịt, nên thầy cúng là niềm mơ ước của các cô gái trẻ. Thế nên, năm 1982, khi có với bà Cá 6 người con, thì ông Tủa đã kéo thêm cô Vừ Thị Sé, là người cùng bản về làm vợ. Khi đó, cô Sé tròn 18 tuổi, da trắng, mặt đẹp khuôn trăng. Lúc ấy, trai Mông trong vùng đều muốn kéo Sé về làm vợ, nhưng cô lại mê ông thầy cúng Tủa đã có 6 con.
Ở với ông thầy cúng đẹp trai, bà Sé đẻ như ngan như vịt. Liên tằng tằng bà sinh hạ 12 người con, cả nếp cả tẻ, trai xinh gái đẹp như bông hoa rừng. Đứa nhỏ nhất hiện mới 4 tuổi.
Mỗi bữa phải nấu một chậu gạo, ngô mới đủ cho cả nhà ăn. |
Đông con, nên từ căn nhà gỗ nhỏ, ông Tủa cứ dựng thêm, chắp nối, khiến căn nhà phình ra. Ông còn sáng tạo thêm cái gác xép, để cho đàn con chui rúc lên đó ngủ. Mấy người con trai lấy thêm vợ, lên rừng chặt được gỗ thì dựng nhà xung quanh, tạo thành một cụm dân cư đông đúc.
Tôi hỏi ông Tủa: “Dù nhiều tuổi, nhìn ông còn tráng kiện lắm, mà bà thì vẫn phây phây, liệu có đẻ tiếp không?”, ông Tủa bẽn lẽn: “Giờ già rồi, đẻ làm sao được nữa, không đẻ nữa đâu”.
Tôi lại hỏi vui: “Thế hai bà sống chung thế này, thì ông ngủ với bà nào, chẳng nhẽ ngủ với cả hai bà?”. Hỏi mãi rồi, ông Tủa cũng đành phải thú nhận: “Trước kia thì ở chung nhà, ngủ với cả hai bà, chia đều lắm. Nhưng bà lớn giờ già lắm rồi, không ngủ chung được nữa, nên mỗi bà một giường, còn mình ngủ riêng thôi. Hôm nào nhớ bà hai quá, thì tối dắt nhau lên lán ngủ trông nương thôi!”.
Mặc dù sức khỏe vẫn tốt, nhưng ông Tủa cũng ít lên nương hơn ngày trước. Ông giờ như “lãnh tụ” của cả nhà, làm công việc chỉ đạo cũng mệt lắm rồi. Ông cắt đặt công việc hàng ngày cho đàn con. Các con lớn, dâu rể lên nương từ sáng sớm, hai bà vợ lo việc nấu nướng, trồng rau, nuôi gà, chăm sóc mấy chục nhóc con gồm cả con, cháu chắt, cũng bở hơi tai.
Bọn nhóc lớn lên giữa núi rừng, hồn nhiên như cây cỏ ngàn đời, nuôi nấng không có gì phức tạp. Tốn kém nhất là cưới vợ, cưới chồng cho các con, cháu, vì với người Mông, gả con gái nhậu hai ngày, còn gả con trai thì ăn nhậu cả tuần, tốn không biết bao nhiêu trâu bò, gà lợn.
Con cháu ông Tủa dựng nhà cửa xung quanh đông đúc như một "vương quốc". |
“Máy đẻ” 21 lần
Trong khi các “kỷ lục gia” ở Co Mạ lấy nhiều vợ, đẻ nhiều con, thì ông Và Giống Già chỉ lấy một vợ, là bà Giàng Thị Dong, nhưng bà lại giữ kỷ lục đẻ nhiều, khi hạ sinh tới 21 lần, nuôi được 17 người con.
Nhà ông Và Giống Già ở bản Cha Lại B, hiện có 14 người con đã lấy vợ, lấy chồng, đều dựng nhà ở quanh bản, và quân số nhà ông chiếm nửa bản.
Ông Già năm nay 75 tuổi, bà Dong vợ ông cũng đã 74, là thế hệ cũ rồi. Tuy nhiên, cả hai người đều có dáng dấp rất khỏe mạnh, hồng hào, nhìn trẻ hơn những người Mông lam lũ trong vùng.
Hỏi chuyện con cái, ông Già vui vẻ: “Mình đi khắp vùng rồi, chưa thấy ai đẻ khỏe như bà Dong. Lẽ ra mình có 21 đứa con đấy, nhưng vì 4 đứa chết lúc nhỏ, nên hiện chỉ còn 17 thôi. Tất cả chúng nó đều do mình đỡ đẻ, cắt rốn đấy!”.
Ông Già, bà Dong không nhớ nổi mình có bao nhiêu con, cháu vì quá đông. |
Cũng như những ông bà “siêu đẻ” ở vùng đất này, cả ông Già và bà Dong đều chẳng nhớ hết được tên, tuổi con mình, chứ đừng nói đến chuyện nhớ được tên cháu, và đám chắt lít nhít. Ông Già kể vui rằng, những hôm lễ, tết, cả đại gia đình tập trung cứ như lễ hội. Đến nỗi, ông chẳng phân biệt được đâu là con, đâu là cháu mình, vì có mấy người con và mấy đứa cháu bằng tuổi nhau, đã có vợ, chồng, sinh con cả rồi.
Ông Già nói vui: “Chẳng mấy mà mình lập được vương quốc cho mình nhà báo ạ. Hiện mình có 7 đứa con gái đã đi lấy chồng, có đứa lấy chồng xa, có đứa lấy chồng ở bản. Riêng 7 cậu con trai thì đều lấy vợ rồi dựng nhà ở cạnh nhà. Đám cháu mình cũng lấy chồng, lấy vợ, ăn ở riêng đông lắm, đẻ cho mình cả đống chút chít, chắc phải đến 50 đứa con cháu rồi. Bà vợ mình đẻ nhiều, tới 21 lần, nhưng tính ra còn đẻ thưa, chứ đứa Và Thị Rồng con mình thì nó đẻ như ngan vịt ấy. Mới lấy chồng hôm nào, mà giờ có 6 đứa rồi. Cứ mỗi năm nó đẻ một đứa mới tài”.
Ngôi nhà ông Già ở tuy rộng, bởi xưa rừng lắm gỗ, nhưng trong nhà không có gì ngoài ngô. Vợ chồng ông có 2 ha trồng ngô, có ít ruộng ven suối trồng lúa. Mùa gặt là sung sướng nhất, vì cả nhà có gạo, cơm ăn. Đại gia đình ăn rào rào hai tháng là hết gạo. Những tháng còn lại ăn ngô xay, gọi là mèn mén.
Video: Trò chuyện với ông Và Chừ Tủa, người có 2 vợ, 21 con, và không nhớ nổi bao nhiêu cháu, chắt
Còn tiếp…
Tác giả: PHẠM DƯƠNG NGỌC
Nguồn tin: Báo VTC News