Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không được để thiếu điện. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Tại hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty mà nòng cốt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không được để thiếu điện.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bảo đảm đủ dầu, khí theo kế hoạch; Tập đoàn Than - Khoáng sản bảo đảm đủ than trên cơ sở kế hoạch dài hạn. Tổng công ty Thép xử lý dứt điểm dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (Tisco 2), Vietnam Airlines cắt lỗ, xử lý các vấn đề tồn đọng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam không để thiếu xăng dầu…
Thủ tướng lưu ý các cơ quan thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp, không giật cục, không cầu toàn, không nóng vội. Bộ Công Thương cũng được yêu cầu cải tiến lại cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng đơn giản, dễ kiểm tra, giám sát…
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho 3 đột phá chiến lược của đất nước (thể chế, hạ tầng, nhân lực). Đồng thời làm mới 3 động lực tăng trưởng cũ (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và bổ sung các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị cần tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty theo các kế hoạch đã được phê duyệt. Trọng tâm là tái cấu trúc về quản trị, nâng cao chất lượng nhân lực; tái cấu trúc về tài chính và tái cấu trúc về ngành nghề, nguyên vật liệu đầu vào…
"Gắn với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, chủ động, tích cực hơn nữa, phát huy tinh thần tấn công mạnh mẽ, bản lĩnh, tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm", Thủ tướng yêu cầu.
Trước đó, cuối tháng 1, Bộ Công Thương đề xuất tăng tiếp giá điện trong bối cảnh tăng giá điện 2 lần trong năm 2023 không đủ bù đắp chi phí của EVN. Việc đề xuất tiếp tục điều chỉnh giá điện của Bộ Công Thương xuất phát trong bối cảnh năm 2023, khoản lỗ lũy kế của EVN tiếp tục tăng lên bất chấp giá bán điện đã được điều chỉnh tăng 2 lần, thêm 3% và 4,5%.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, như còn có những vướng mắc về cơ chế, chính sách; tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp hơn bình quân cả nước; đóng góp cho tăng trưởng GDP chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; hiệu quả đầu tư kinh doanh chưa cao.
Nguyên nhân chủ yếu theo lãnh đạo Chính phủ là tính tích cực, chủ động, sáng tạo của lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty chưa được phát huy. Bên cạnh đó, những vướng mắc pháp lý, nhất là về đất đai, đầu tư công, phân cấp, phân quyền; chính sách với cán bộ công tác tại doanh nghiệp còn bất cập, chưa sát thực tế.
Ngoài ra, hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn còn, sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn trong chống dịch, điển hình như Vietnam Airlines. Thủ tướng yêu cầu các bên cùng chia sẻ và tìm ra giải pháp cho các khó khăn, thách thức, vướng mắc nói trên.
Thời gian tới, Thủ tướng dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nắm giữ nguồn lực lớn, phải làm ăn có lãi, đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng GDP và ngân sách Nhà nước. Yêu cầu của năm 2024 với cả nước và với các tập đoàn, tổng công ty phải đạt kết quả cao hơn năm 2023.
Tác giả: Thanh Thương
Nguồn tin: znews.vn