Cuộc sống

Thời buổi gì lạ kỳ, kiếm chồng có lẽ còn dễ hơn sắm người giúp việc

Giờ cứ mỗi lần Ôsin về quê ít ngày là chị trông còn hơn mong mẹ. Mọi loại hình vui chơi giải trí hay sinh hoạt thông thường đều phải gác lại.

Mỗi lần đổi người giúp việc là vợ chồng họ cãi nhau. Chồng thì lo người mới không biết ý, chẳng có lòng để chăm sóc bà mẹ đã có phần lẩn thẩn, khó chiều. Chị thì bực mình với lý lẽ: chuyện trong nhà anh đã chẳng quán xuyến được gì, chồng chưa từng tìm thuê được người giúp việc, toàn do vợ chạy vạy đôn đáo, nên chả lẽ vợ… giở quẻ để chuốc thêm phức tạp vào thân à? Chồng nghĩ như vậy là không hiểu gì, càng không tin vợ.

Chuyện nọ xọ chuyện kia, không ai chịu ai, thành ra cứ ầm ĩ suốt trong những ngày “quá độ”. Mà cái thời buổi gì lạ kỳ, kiếm chồng có lẽ còn dễ hơn sắm người giúp việc. Chị bảo: “Tôi chắc đến phát điên với cảnh phải thay Ôsin thường xuyên thế này”. Sau hơn sáu năm phải liên tục thuê người để phụ đỡ chuyện nhà, chị nếm trải đến thấm thía rằng, cảnh nhà êm ấm hay không, đa phần là nhờ vào Ôsin. Khó tin nhưng thật…

Nhớ hồi có con bé mới ngoài hai mươi, gầy gò hiền lành, làm được hơn năm, gia đình chị giai đoạn đó quả là thong thả. Con bé giúp việc ngoan ngoãn, thật thà, lại biết sắp xếp công việc, nấu ăn cũng ở mức chấp nhận được. Nói hay dặn gì thì biết tiếp thu, sửa chữa. Chị hoàn toàn yên tâm mỗi khi đi công tác hay du lịch đây đó. Rồi nó nghỉ, sau bao nhiêu dỗ dành, chèo kéo và tiếc nuối của vợ chồng chị. Sau này, khá nhiều người đã nhận giúp việc nhà chị, nhưng chưa ai được cảm tình như thế. Trái lại, nhiều cảnh dở khóc dở mếu tưởng chỉ có trong phim đã xảy ra, khiến vợ chồng chị lên bờ xuống ruộng bao lần.


Giờ cứ mỗi lần Ôsin về quê ít ngày là chị trông còn hơn mong mẹ. Mọi loại hình vui chơi giải trí hay sinh hoạt thông thường đều phải gác lại. Hình dung ra cuối ngày tất tả về nhà, đối mặt với cái sàn láp nháp chưa quét chưa lau, bếp núc lạnh tanh, quần áo còn trong máy giặt lẫn trên sào phơi mà khiếp hãi.

Chồng thường xuất hiện sau khi chị đã quần quật hò hét hai con phụ một tay, vừa làm vừa mắng chúng tới tấp vì quá mệt mỏi. Lũ trẻ nem nép sợ, lại vốn quen được phục vụ nên đụng đâu hư hỏng, đổ vỡ đó. Mẹ chồng tranh thủ đập cái này, xé cái kia, tiêu tiểu vương vãi trong phòng. Chị đợi chồng ló mặt vô nhà là “mở máy”, trách anh biết nhà đang không có Ôsin mà vẫn về trễ, vô trách nhiệm, đủ hết. Bữa cơm tối vì thế mà nặng nề đế n tội nghiệp...

Chị mệt nhoài khi lên giường ngủ, nghĩ đến sớm mai nấu gì cho lũ con ăn trước khi đi học mà thở dài đầy áp lực. Biết đến khi nào mới kiếm được người giúp việc có tâm, không viện cớ đòi hỏi, không hay nghỉ lặt vặt, lại có khả năng làm việc độc lập, cho nhà chị bớt khổ. Con thì cũng đã lớn, nhưng cứ ỷ lại là mẹ sẽ luôn thuê người nên không biết làm gì cho ra hồn.

Càng nghĩ, chị càng bế tắc. Cảnh nhà neo người, con cái không ai đưa đón, coi ngó, chị lại đi làm cách nhà hơn mười lăm cây số, thật chẳng dễ dàng gì. Anh thuộc mẫu đi sớm về trễ, nên ngày nào cũng tối mịt mới thấy mặt ở nhà. Với anh, chuyện ăn chuyện mặc sao cũng được, miễn mẹ già được chăm nom chu đáo là ổn. Vài người giúp việc biết ý, tranh thủ lấy lòng ông chủ để xin cái thẻ cào điện thoại, nhận tiền bồi dưỡng thêm.

Còn chị, người trực tiếp làm “ma ma tổng quản”, họ lại chẳng coi ra gì. Chị phản ứng thì chồng bênh, cho rằng chị khó quá nên chẳng người giúp việc nào trụ được lâu dài. Có khi, những câu nghiệt ngã kiểu ấy của chồng khiến chị ấm ức đến bật khóc, tức vì chồng không hiểu bao nỗi lo toan trong ngoài của vợ, ăn nói như phủi tay…

Tệ nhất là có lần chị vừa góp ý với bà giúp việc về chuyện quá nuông chiều hai đứa nhỏ, mặc kệ lời chị dặn, cứ cho chúng ăn mì gói với trứng trừ bữa, thì vài hôm sau, bà này xin nghỉ. Chồng khăng khăng kết tội là do chị… kiếm chuyện, nên mới không giữ được người làm. Thậm chí có lần, chị bắt tại trận người giúp việc đang lấy trộm tiền trong bóp của mình, nhưng kể thì chồng buông câu hoài nghi rằng, thấy bà này có vẻ đáng tin lắm mà. Vợ có hiểu nhầm gì không? Hay là lại chướng mắt người ta việc gì…

Những câu vô tình ấy khiến vợ chồng hục hặc mãi. Chị cảm giác chồng luôn đứng về phía người dưng, không hiểu thiện ý vun vén trong ngoài của vợ. Đời sống gia đình đâu đơn giản như đàn ông vốn chỉ quen nhìn thấy bề nổi được. Bao nhiêu vấn đề khúc mắc trong nhà mà chồng chẳng hề hợp tác hay thấu hiểu, thật đáng nản lòng.

Mấy hôm nhà không Ôsin, chị đến cơ quan cũng uể oải, hay cáu, lại dễ làm hỏng việc được giao. Đồng nghiệp cười bảo, đúng là bây giờ Ôsin quyết định cả sự ổn định gia đình lẫn sự nghiệp của đàn bà…

Tác giả bài viết: Gia Khánh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP