Giáo dục

Thiếu hàng nghìn giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới

Với một số nhóm vấn đề được địa phương trao đổi như thiếu giáo viên, chất lượng sách giáo khoa… Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, đơn vị này sẽ tiếp thu đầy đủ để có kế hoạch tháo gỡ.

Ngày 20/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết một năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Nhiều tỉnh sẽ thiếu hàng nghìn giáo viên khi thực hiện chương trình mới.

Thiếu hàng nghìn giáo viên

Sau một năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018), đại diện các địa phương đều khẳng định đây là hướng đi đúng đắn, xu thế tất yếu cần thực hiện, nên các địa phương năm vừa qua đã đầu tư dồn lực cho thực hiện chương trình lớp 1. Tuy nhiên, chặng đường dài để triển khai CT GDPT 2018, các điều kiện triển khai về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất sẽ gặp không ít khó khăn.

Ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng cho biết, để đáp ứng cho lớp 1, lớp 2 học 2 buổi/ngày, Hải Phòng còn thiếu khoảng 600 giáo viên. Nhưng khi cả lớp 3, 4, 5 thực hiện học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của CT GDPT 2018, Hải Phòng sẽ phải bổ sung thêm 1.572 giáo viên nữa.

Kết quả học tập của học sinh lớp 1 năm vừa qua cho thấy, 100% hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch.

Chất lượng học tập đảm bảo chuẩn đầu ra theo yêu cầu cần đạt của chương trình.

Đặc biệt học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 có một số năng lực nổi trội hơn so với các khóa học trước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Tỷ lệ học sinh lớp 1 cả nước hoàn thành tốt chương trình môn tiếng Việt và Toán lớp 1 năm học 2020-2021 đều cao hơn năm học 2019-2020; tỷ lệ chưa hoàn thành giảm.

Trong khi đó, ở một số môn học đặc biệt là cấp tiểu học, dù có muốn tuyển nhưng cũng không có nguồn tuyển. Ông Trà đồng thời đề xuất, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên có chiến lược để cung cấp nhân lực đang "khan hiếm", sẵn sàng nguồn tuyển khi Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ giao chỉ tiêu cho ngành.

Khẳng định năm học vừa qua đã ưu tiên chọn giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ tốt để dạy học lớp 1, đảm bảo đủ số lượng dạy 2 buổi/ngày, tuy nhiên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng cũng chia sẻ khó khăn về thiếu giáo viên tại địa phương.

Theo đó, hiện nay việc giao biên chế giáo viên đang được tính toán theo định mức số học sinh/lớp, tuy nhiên Bắc Kạn với đặc thù tỉnh miền núi diện tích rộng, dân cư thưa, giao thông đi lại khó khăn, có nhiều điểm trường, nên số học sinh/lớp không đảm bảo theo định mức, do vậy, số lớp tăng lên nhưng chỉ tiêu biên chế giáo viên lại không đáp ứng yêu cầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Bộ GD-ĐT có ý kiến với Bộ Nội vụ, Ủy ban Văn hóa Giáo dục có ý kiến với Chính phủ để xem xét việc giao biên chế giáo viên cho các tỉnh căn cứ vào số lớp trên thực tế.

SGK lớp 1 là một trong những nhóm vấn đề được nhiều địa phương đặt ra.

Ngoài ra, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện CT GDPT 2018 của tỉnh Bắc Kạn cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh thiếu phòng học bộ môn, nhiều trường thiếu nơi ăn, chỗ nghỉ để học sinh ở bán trú, nội trú khi thực hiện chương trình mới.

Khó khăn về kinh phí cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cũng là vấn đề được nhiều địa phương nêu ra tại hội nghị. Theo đó, hiện nay Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn nguồn kinh phí riêng cho thực hiện đổi mới CT GDPT 2018 mà sử dụng chung nguồn kinh phí địa phương.

Trong khi đó, địa phương lại thực hiện nhiều nội dung chi tiêu và ưu tiên các nhiệm vụ chính trị khác như phòng chống dịch Covid-19, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo… dẫn tới khó khăn trong đầu tư cho triển khai chương trình.

Tiếp thu và có kế hoạch tháo gỡ

Theo Lãnh đạo Bộ GD-ĐT, năm học đầu tiên triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1, các nhà trường đã chú trọng đổi mới quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của cơ sở và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên.

Thầy cô cơ bản đã biết vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Việc sử dụng sách giáo khoa và các nguồn học liệu, thiết bị dạy học đã phù hợp thực tiễn.

Chặng đường đầu tiên với lớp 1 bao giờ cũng có nhiều thách thức, khó khăn.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, chặng đường triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, bắt đầu với lớp 1 trong năm học vừa qua đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

"Vạn sự khởi đầu nan, nên chặng đường đầu tiên với lớp 1 bao giờ cũng có nhiều thách thức, khó khăn. Nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực chung chúng ta đã bước đầu vượt qua được khó khăn, thách thức", Bộ trưởng nhìn nhận.

Về chặng đường sắp tới, Bộ trưởng nhấn mạnh đến sự kiên trì trong tư tưởng, quan điểm đổi mới; bám sát, bám chắc mục tiêu và triết lý đổi mới. Lấy mục tiêu ưu tiên số 1 của giáo dục phổ thông là dạy người, dạy thái độ sống, kỹ năng sống…, làm nền tảng để tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường thu hút các nhà giáo, chuyên gia có chuyên môn tốt tham gia biên soạn sách giáo khoa, để bảo đảm có được chất lượng bản thảo sách tốt nhất. Việc thẩm định, chọn sách, phát hành bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.

Với một số nhóm vấn đề được địa phương trao đổi tại hội nghị như về giáo viên; sách giáo khoa, học liệu; cơ sở vật chất, tài chính…, Bộ trưởng cho biết, đơn vị này sẽ tiếp thu đầy đủ để có kế hoạch tháo gỡ. Bộ trưởng cũng mong muốn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ cùng quan tâm, có tiếng nói ủng hộ trong việc tháo gỡ vướng mắc của địa phương.

Riêng về đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ có kế hoạch làm việc với hệ thống các trường đại học sư phạm để trao đổi về các nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; cũng như phát triển các ngành nghề đào tạo thuộc nhóm sư phạm để bảo đảm cung cấp đủ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông những năm tiếp theo.

Tác giả: Hạnh Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP