Các bác sĩ thấy máu ra nhiều từ hốc cắt amidan của bệnh nhi, máu chảy không cầm.
Người bệnh là bé H.V.K. (8 tuổi, ở Cà Mau). Bé được Bệnh viện Sản - nhi Cà Mau chuyển đến cấp cứu vào tối 14-11, trong tình trạng sốc nặng do mắc sốt xuất huyết (SXH), rối loạn đông máu, chảy máu không cầm...
Theo hồ sơ bệnh án, bé K. cắt amiđan ngày thứ 8 và mắc SXH ngày thứ 6 (tức là 2 ngày sau khi cắt amiđan thì phát hiện bé mắc SXH).
Theo đó, sau khi cắt amiđan xuất viện ngày thứ hai thì bé K. bị sốt, gia đình đưa bé nhập viện tại Bệnh viện Sản - nhi Cà Mau, các bác sĩ theo dõi, xét nghiệm phát hiện bé bị mắc SXH. Điều trị theo phác đồ SXH, tuy nhiên tình trạng bé càng nặng, rối loạn đông máu và xuất huyết nội, chảy máu vết cắt amiđan nên đã chuyển Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
Bác sĩ Hà Anh Tuấn - trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi H.V.K. trong tình trạng rối loạn đông máu rất nặng, sốc nặng, xuất huyết nội, tiểu cầu giảm dưới 26.000 đơn vị, vết cắt amiđan chảy máu nhiều.
Ngay sau đó khoa đã mời các bác sĩ Bệnh viện Tai mũi họng đến hỗ trợ cầm máu, xử lý nhét gạc vào hốc amiđan cầm máu, ngay lập tức huy động truyền tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh, hồng cầu lắng... để cân bằng và điều chỉnh tình trạng rối loạn đông máu. Ngày hôm sau tình trạng tiểu cầu tạm cân bằng, bé được chuyển tiếp lên tuyến trên ở TP. HCM theo dõi. Sáng 16-11, sức khỏe bệnh nhi đã tạm ổn. Bé được khâu vết chảy máu ở hốc cắt amiđan, cầm máu tốt và tiếp tục điều trị.
Ở đây có sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa việc cắt amiđan và bệnh SXH. Theo bác sĩ Hà Anh Tuấn, trong hồ sơ thể hiện rõ trước khi bệnh nhi cắt amiđan ở Cà Mau, đã được làm các xét nghiệm tiền phẫu, nhưng không phát hiện điều gì, 2 ngày sau cắt amiđan bé sốt. Rất có thể giai đoạn được xét nghiệm bé đã ủ bệnh SXH, nhưng giai đoạn đầu chưa phát hiện qua xét nghiệm; rồi sau đó bé sốt (cũng có thể nhầm lẫn giữa sốt do sau cắt amiđan và SXH)...
Vì vậy theo bác sĩ Tuấn, vào mùa dịch tễ bệnh SXH như hiện nay, cần hết sức thận trọng khi can thiệp phẫu thuật cho trẻ em, khám thật kỹ và làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết để loại trừ bệnh lý kèm theo. Vì nếu trẻ mắc SXH giai đoạn ủ bệnh rất khó phát hiện, khi can thiệp phẫu thuật trùng hợp, virút gây SXH tấn công sẽ làm rối loạn đông máu, chảy máu không cầm làm tình trạng nặng hơn...
Tác giả bài viết: T. LŨY ghi
Nguồn tin: