Hình ảnh hội/nhóm chia sẻ cách bùng nợ trên mạng xã hội. |
Mục đích ẩn sau các hội nhóm bùng nợ
Thời gian vừa qua, trên các trang mạng xã hội, xuất hiện rất nhiều hội, nhóm dạy nhau cách “bùng nợ” vay qua app. Theo đó, chỉ cần lên Facebook gõ cụm từ “bùng nợ” hoặc “bùng vay tiền qua App” sẽ cho ra một loạt hội nhóm với số lượng đăng ký tham gia từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên, có thể kể đến như: Hội bùng App vay tiền Online và chia sẻ cách đối phó (59.000 thành viên); Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó (174.000 thành viên); Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó (97.000 thành viên); Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó (10.000 thành viên); Hội Bùng App/web vay tiền online và chia sẻ cách đối phó (3.500 thành viên); Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó (87.000 thành viên)…
Tại các hội nhóm này, mỗi ngày sẽ có hàng chục bài chia sẻ hướng dẫn cách quỵt nợ bài bản. Không những vậy, mỗi khi có ai đó than thở về việc chưa biết xoay tiền đâu ra để trả nợ là ngay lập tức nhận được vô số những lời động viên, chấn an tinh thần kèm theo hướng dẫn rất chi tiết cách đối phó hay các chiêu trò tiền bùng tiền, quỵt nợ.
Chỉ cần lên Facebook gõ cụm từ “bùng nợ” hoặc “bùng vay tiền qua App” sẽ cho ra một loạt hội nhóm với số lượng đăng ký tham gia từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên. |
Điều này đặt ra câu hỏi rằng liệu các đối tượng tư vấn, hướng dẫn người vay bùng nợ hưởng lợi gì khi mà thực tế các thành viên trong nhóm không hề quen biết nhau?
Ông Bùi Chiến Thắng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, cho biết : “Những đối tượng lập ra những hội nhóm dạy cách bùng tiền, nhiều khả năng lại chính là những đối tượng lập ra những app cho vay. Mục đích là để những người dân thiếu hiểu biết nghĩ rằng việc cho vay tiền qua app rất đơn giản, không có khả năng trả nợ thì cũng có thể dễ dàng bùng tiền. Từ đó thu hút ngày càng nhiều người tìm đến việc vay tiền qua app. Đây có thể coi như là một kiểu quảng cáo cho các app cho vay tiền chứ không phải đơn giản là việc tư vấn, chia sẻ một cách miễn phí. Do vậy có thể nhận định việc tham gia và làm theo việc hướng dẫn của các nhóm bùng tiền này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Thực tế, pháp luật hiện nay chưa có quy định quản lý cụ thể đối với các app cho vay online, do đó, khách hàng vay tiền từ các nền tảng online có nguy cơ bị đòi nợ khủng bố nếu không trả nợ, mà không có bất kỳ sự bảo vệ nào từ pháp luật.
Lôi kéo, kích động bùng nợ sẽ bị khởi tố
Như vậy, có thể thấy việc bùng nợ, đặc biệt là hành vi lôi kéo, bày cách quỵt nợ đều tiềm ẩn những động cơ rất nguy hiểm. Nếu người vay không tỉnh táo thì sẽ vướng vào những hệ lụy mà sau này khó kiểm soát được.
Bàn về hệ quả của việc bùng nợ, theo các chuyên gia, với các khoản nợ dân sự thì thời hiệu pháp luật quy định để đòi là không có thời hạn. Do đó, bên cho vay có thể đòi khoản nợ bất cứ lúc nào. Trong trường hợp bên cho vay gặp những khó khăn mà không thể đòi trực tiếp thì bên cho vay có thể bán khoản nợ cho một tổ chức khác để tiến hành thu hồi nợ. Và các việc thu hồi nợ ngoài việc thỏa thuận giữa hai bên là thông báo nhắc nợ thì có thể khởi kiện ra tòa án. Vì vậy, với hành vi hướng dẫn nhau về cách bùng khoản nợ, quỵt nợ là một nhận thức vô cùng sai lầm.
“Trường hợp ngay từ đầu mà các bên đã thực hiện giao dịch cho vay ngay thẳng, hợp pháp nhưng mà về sau khi đã nhận được một khoản tiền vay rồi thì người đi vay lại nghe theo những lời kích động, dụ dỗ của những thành viên trên nhóm bùng nợ cho vay app từ đó nãy sinh là sẽ bùng nợ, quỵt nợ để nhằm múc đích chiếm đoạt tài sản. Theo đó, hành vi này này có thể bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản. Mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này có thể đến 20 năm tù. Đối với trường hợp tham gia, bình luận, chia sẻ cách bùng tiền, quỵt nợ trong các hội nhóm, nếu cơ quan điều tra thấy có đủ căn cứ để khởi tố thì sẽ bị khởi tố hình sự.” – chia sẻ từ Luật sư Trần Thị Thanh Lam, văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội. |
Tác giả: Nam Anh
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam