Giáo dục

Sợ đi họp phụ huynh vì lạm thu quỹ trường, quỹ lớp

Làm sao để không còn 'hội chứng' sợ đi họp phụ huynh vì tình trạng lạm thu quỹ trường, quỹ lớp?

Khi con cái lần lượt vào các cấp học, từ tiểu học đến THPT, suốt 12 năm nhiều phụ huynh mắc "hội chứng" ít nói ra: Sợ đi họp phụ huynh, nhất là dịp đầu năm học.

Nhức nhối chuyện lạm thu

Bởi vì trọng tâm của các cuộc họp này không gì khác hơn là các khoản thu ngoài học phí. Chuyện "quỹ trường, quỹ lớp" trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi, thậm chí tranh cãi không hồi kết, thay vì chuyện học hành của các con.

Trước thềm năm học mới, chính quyền địa phương, rồi lãnh đạo ngành giáo dục luôn có chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học, yêu cầu công khai các khoản thu.

Thế nhưng tranh cãi về các khoản thu vẫn xảy ra trong môi trường giáo dục.

Dư luận xôn xao khi mới đây một giáo viên Trường tiểu học Chương Dương (quận 1, TP.HCM) vận động kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh để mua laptop cho mình.

Khi một số phụ huynh không đồng ý, cô giáo tuyên bố không soạn đề cương ôn tập cho học sinh.

UBND TP Thủ Đức vừa yêu cầu một trường tiểu học dừng ngay việc kêu gọi phụ huynh ủng hộ tiền chi trả phụ cấp tháng 8 cho bảo mẫu. Khoản thu này hoàn toàn không đúng quy định.

Tại Hà Nội, một phụ huynh bức xúc cho biết từ đầu năm học đến nay, hằng ngày cha mẹ học sinh lớp 1 ở một trường tiểu học phải luân phiên vào trực nhật. Trước đó, phụ huynh được giáo viên thông báo đóng tiền để thuê người dọn dẹp, vệ sinh lớp học. Bằng không, phụ huynh phải đến trường lúc 17h để trực thay con.

Ngoài ra, ban phụ huynh còn kêu gọi tặng cơ sở vật chất cho nhà trường. Trong đó học kỳ 1 khối lớp 1 tặng 10 bộ điều hòa, dự kiến hơn 10 triệu đồng/bộ. Học kỳ 2 toàn trường tặng sân cỏ nhân tạo, dự kiến hơn 100.000 đồng/học sinh...

Việc giảng dạy, học tập là quan trọng nhưng đôi khi lại ít được phụ huynh bận tâm, nhường chỗ cho những "ưu tư" không đáng có.

Bắt buộc... tự nguyện

Theo thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có từ 13 năm nay, quy định các khoản mà ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu.

Ví dụ không được thu tiền bảo vệ cơ sở vật chất; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường...

Tuy nhiên, nhiều khoản liệt kê trên lại được chuyển sang "đồng thuận", "tự nguyện"... đóng góp của phụ huynh qua hình thức ký tên theo danh sách đã được "ấn định" sẵn, qua biên bản họp phụ huynh đầu năm.

Gọi là "đồng thuận" nhưng lại muốn ý kiến khác cũng không được, bởi còn một nguyên tắc nữa là "thực hiện theo đa số".

Không ít phụ huynh "choáng váng" trước đủ thứ khoản thu đầu năm, có khi lên đến vài triệu đồng, vượt quá khả năng của họ.

Ai có con đi học đều hiểu: Các khoản đóng góp quỹ đều trên tinh thần "tự nguyện" nhưng "phải thực hiện", vì nếu không tham gia thì có bị xem là "phụ huynh cá biệt" và liệu việc học của con có bị ảnh hưởng?

Lạm thu tại các trường học là một vấn đề nhức nhối kéo dài và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Nó trực tiếp tạo thêm gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình khó khăn, và khiến phụ huynh mất niềm tin vào một số thầy cô, trường học.

Thay vì tập trung vào việc nâng cao chất lượng dạy và học, một số trường lại quá chú trọng đến việc huy động các khoản "đóng góp" từ phụ huynh.

Chống lạm thu trong trường học cần quyết liệt với cơ chế giám sát hiệu quả, đi kèm chế tài nghiêm khắc.

Nếu xác định đây là vấn nạn cần mạnh tay loại bỏ, cần thiết có các biện pháp mang tính răn đe cao hơn.

Khi đó mới không còn "hội chứng" sợ đi họp phụ huynh, vì tình trạng lạm thu quỹ trường, quỹ lớp!

Tác giả: Phạm Thị Vân

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP