Tuy nhiên, với những người trẻ, rơi vào thế khó sẽ là thách thức lớn hay mở ra những cơ hội mới.
Mối lo ngại lớn nhất của sinh viên năm cuối là ra trường đối diện với thất nghiệp (Ảnh: minh họa). |
Những thách thức chưa có tiền lệ
Đa số sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm cuối đều lựa chọn, tìm kiếm cho mình các công việc làm thêm phù hợp với khả năng để trang trải cho chi phí học tập, sinh hoạt thường ngày hoặc phụ giúp cho gia đình. Tuy vậy, trước những tác động có nhiều phần tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã khiến công việc của không ít sinh viên bị ảnh hưởng. May mắn hơn thì bị giảm thu nhập hoặc thậm chí mất việc làm, rơi vào trạng thái thất nghiệp và phải chịu những ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống.
Trước thời điểm Hà Nội bùng dịch lần thứ 4, Kiều Linh (22 tuổi, sinh viên năm tư Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đang duy trì cùng lúc hai công việc part-time tại một cửa hàng mỹ phẩm và một công việc gia sư. Khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cửa hàng mỹ phẩm mà Linh làm việc bắt buộc phải đóng cửa và chuyển sang hình thức kinh doanh online.
"Không thể mở cửa nên cửa hàng mỹ phẩm nơi mình làm việc đã chuyển sang bán online nhưng tình hình cũng không tốt hơn là mấy. Lượng khách ít hơn hẳn nên công việc tư vấn sản phẩm, chốt đơn của mình bị ảnh hưởng trực tiếp, lương cũng vì thế mà giảm hẳn một nửa. Còn công việc gia sư của mình thì phải dừng hẳn vì phụ huynh không đồng ý với việc dạy online, và đương nhiên chuyện dạy trực tiếp tại nhà là không thể. Mọi nguồn thu nhập của mình bị giảm đáng kể trong khi những chi phí khác vẫn cần phải duy trì", Kiều Linh tâm sự.
Không may mắn như Linh, cô bạn Mai Ngân (sinh viên năm cuối trường Đại học Giao thông vận tải) mất hẳn công việc thu ngân tại một chuỗi cà phê nổi tiếng. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của dịch bệnh trong nhiều tháng, doanh thu của quán cũng bị ảnh hưởng trong khi giá mặt bằng lại tăng cao nên chủ cửa hàng bắt buộc phải đi đến quyết định cắt giảm nhân sự.
Bên cạnh mất nguồn thu từ việc làm thêm, các bạn sinh viên năm cuối còn phải đối mặt với nỗi lo tốt nghiệp muộn hoặc không thể tham gia kỳ thực tập tốt nghiệp trọn vẹn như các khóa học trước đây.
Là sinh viên năm cuối ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại trường Đại học Mở Hà Nội, Hải Vân đã rất hy vọng vào kỳ thực tập tốt nghiệp sẽ có cơ hội sang Trung Quốc để trải nghiệm, giao lưu và học tập như các anh chị khóa trên. "Nếu không có dịch bệnh thì nhà trường sẽ sắp xếp cho bọn mình đến Trung Quốc giao lưu cũng như có các hoạt động học tập trong một tuần hoặc một tháng. Nhưng vì dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp nên chỉ có thể trải nghiệm những hoạt động đó bằng hình thức online và chắc chắn không thể đem lại cảm giác hứng thú và cơ hội thực hành tiếng Trung Quốc nhiều cho sinh viên."
Du lịch có lẽ là một trong những ngành bị ảnh hưởng rất nhiều bởi Covid-19. Ngọc Lan, sinh viên năm cuối chuyên ngành du lịch thực sự cảm thấy lo lắng cho tương lai của mình và cả những bạn theo học ngành này. Cô bạn chia sẻ: "Covid-19 thực sự là một "đòn đánh" mạnh vào ngành du lịch, có thể lĩnh vực mà mình theo đuổi này sẽ còn chịu nhiều tổn thương kéo dài ngay cả khi dịch kết thúc. Mình đã lỡ nhiều cơ hội thực tập nghề trong suốt 2 năm vừa qua nên sau khi tốt nghiệp có thể chúng mình khó tìm được công việc theo đúng chuyên ngành được đào tạo."
Cùng chung nỗi niềm, Hà Trang (sinh viên năm cuối khoa Phát thanh - Truyền hình Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: "Năm cuối cũng là khoảng thời gian sinh viên phải trau chuốt điểm số các môn cũng như chuẩn bị cho các kỳ thi chuẩn đầu ra Tin học, ngoại ngữ, bên cạnh đó là tìm kiếm cơ hội thực tập và việc làm ổn định. Nhưng dịch bệnh khiến sinh viên chúng mình không có cơ hội học trực tiếp, các kỳ thi chuẩn đầu ra đã phải lùi lịch, hoãn thi rất nhiều lần,... Mối lo hơn cả là liệu chúng mình có khả năng rơi vào tình trạng thất nghiệp sau bốn năm học vất vả hay không?"
Đa số sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm cuối đều lựa chọn, tìm kiếm cho mình các công việc làm thêm phù hợp với khả năng để trang trải cho chi phí học tập, sinh hoạt thường ngày (Ảnh: Văn Hiền). |
Vẫn không thiếu những cơ hội mới
Vẫn biết dịch Covid-19 đã gây nên nhiều thách thức, áp lực cho các bạn sinh viên năm cuối. Tuy nhiên, thay vì để nỗi lo sợ lấn át, nhiều bạn trẻ chủ động tìm cách tháo gỡ khó khăn với mong muốn tìm kiếm cơ hội phát triển mới cho bản thân.
Chấp nhận làm những công việc với vị trí tạm thời, có thể không đúng chuyên ngành là cách mà nhiều bạn lựa chọn để giúp bản thân có thêm thu nhập cho các nhu cầu hàng ngày. Và tiến xa hơn có thể dẫn đến một công việc toàn thời gian nếu họ gây được ấn tượng tốt với cấp trên qua cách làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp.
Hay khi vô tình bị dịch bệnh "cầm chân" ở nhà, một số khác quyết tâm sử dụng thời gian đó để nâng cấp bản thân thành một phiên bản tốt hơn. Trang Nhung (sinh viên năm cuối trường Đại học Thương mại) chia sẻ: "Thời gian đầu phải nghỉ ở nhà vì dịch mình rơi vào lối sống khá buông thả và lười biếng. Tuy nhiên, thời gian kéo dài khiến mình phải học cách thay đổi phù hợp, không để bản thân trượt dài trong sự khó chịu và bí bách. Mình tìm các khóa học trên mạng như kỹ năng giao tiếp Tiếng Anh, Tin học văn phòng,... Mình cùng tham gia thêm những buổi workshop online về marketing, content để phục vụ thêm cho công việc sau này. Tất cả những kiến thức mình tích lũy được sẽ là nền tảng tốt cho bản thân để sẵn sàng với những cơ hội việc làm trong tương lai."
Theo quan điểm của Phạm Anh Phương (22 tuổi, sinh viên năm cuối trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), việc tăng cường kết nối trực tuyến là một cách khá hay để người trẻ có thể phát triển sự nghiệp sau này.
Phương chia sẻ: "Khoảng thời gian dịch bệnh phải ở nhà mình đã tham gia các hội nhóm về những lĩnh vực quan tâm trên mạng xã hội, thường xuyên "ghé" vào các trang web tuyển dụng, nộp hồ sơ online cũng như tìm hiểu kỹ về công ty mà mình định ứng tuyển. Chuẩn bị thêm câu trả lời, câu hỏi cho các buổi phỏng vấn cũng là điều vô cùng quan trọng. Mình có kết nối thêm với những người quen để hỏi thăm xem có nơi nào đang tuyển dụng lao động hay không cũng là cách hay để không bỏ lỡ cơ hội. Nhờ đó mà mình đã có được công việc thực tập sinh tại một công ty uy tín."
Dịch bệnh đến và làm xáo trộn rất nhiều mặt trong cuộc sống, nhiều hoạt động tuyển dụng có phần chậm lại nhưng không đồng nghĩa với việc dừng lại. Mọi cơ quan, doanh nghiệp đều đang cố gắng thích nghi với trạng thái bình thường mới với hy vọng sớm đưa mọi hoạt động về như cũ. Với mỗi sinh viên năm cuối, lo lắng là việc không thể tránh khỏi nhưng vẫn cần bình tĩnh tìm hiểu và chủ động nắm bắt những cơ hội mở phía trước.
Tác giả: Bích Nhàn
Nguồn tin: Báo Dân trí