Giáo dục

Sách giáo khoa cho năm học mới: Nghiêm cấm bán 'bia kèm lạc'

Nhằm hỗ trợ phụ huynh và học sinh mua sách giáo khoa cho năm học mới, nhiều trường học đã làm đầu mối, kết nối để cung ứng sách.

Tiết học của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh: MA

Cách làm này không chỉ giúp phụ huynh tiết kiệm thời gian mà còn tránh mua phải sách giáo khoa không đảm bảo chất lượng.

Gỡ khó cho phụ huynh

Trường học trong cả nước đã công bố danh mục sách giáo khoa sử dụng trong năm học mới ở các khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018 bằng nhiều hình thức như: Trang web, Fanpage, bảng thông báo, công tác tư vấn học sinh lớp đầu cấp, giáo viên chủ nhiệm,… giúp phụ huynh nắm được bộ sách giáo khoa con em mình sẽ học.

Tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM), từ đầu tháng 7 nhà trường công bố danh mục sách giáo khoa lớp 10, 11, 12 sử dụng trong năm học 2024 - 2025 trên các trang thông tin điện tử của trường và đến từng phụ huynh.

Theo chia sẻ của cô Phó Hiệu trưởng Trần Thị Minh Đức, mỗi khối lớp, trường sử dụng từ 2 - 3 bộ sách. Để tạo thuận lợi cho phụ huynh, nhà trường chủ động liên hệ với các nhà xuất bản trong việc hỗ trợ mua sách. “Cha mẹ có nhu cầu thì đăng ký, nhà trường sẽ hỗ trợ. Trên thư viện trường cũng trang bị các bộ sách giáo khoa cho học sinh mượn”, cô Đức chia sẻ.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (TP Biên Hòa, Đồng Nai), phụ huynh có thể đăng ký để trường làm việc với công ty cung cấp sách giáo khoa. Cô Hoàng Thị Ngọc - Hiệu trưởng cho biết: “Theo ghi nhận chung hằng năm, phụ huynh đa phần đăng ký mua sách tại trường, việc này cũng giúp họ tiết kiệm thời gian và tránh mua phải sách in lậu”.

Ở góc độ phụ huynh, chị Phan Tuyết Nhung có con chuẩn bị bước sang lớp 5, Trường Tiểu học Thực hành Sài Gòn (Quận 3, TPHCM) chia sẻ, là lứa học sinh đầu tiên theo học Chương trình GDPT 2018, những năm qua gia đình đều đăng ký mua sách giáo khoa tại trường. Bởi sách giáo khoa mới, cộng thêm việc nhiều đơn vị xuất bản khiến chị cảm thấy khó khăn trong việc tìm mua đủ sách. “Nhà trường hỗ trợ học sinh đăng ký mua sách giáo trong năm học mới đã “gỡ khó” cho chúng tôi rất nhiều”, chị Nhung khẳng định.

Tương tự, có 2 con lên lớp 2 và lớp 4, Trường Tiểu học Phước Tân (TP Biên Hòa, Đồng Nai), chị Phạm Thị Mỹ cho hay, việc đăng ký với cô giáo chủ nhiệm nhờ mua sách giáo khoa đã giúp gia đình tiết kiệm được thời gian lo cho con mỗi dịp vào năm học mới.

“Cuối năm học vừa rồi, giáo viên chủ nhiệm thông báo đến phụ huynh có nhu cầu mua sách năm học mới, tôi và nhiều người đã đăng ký nhờ mua hộ. Theo tôi việc này giúp học sinh an tâm bước vào năm học mới, đồng thời tiết kiệm thời gian, không lo lắng nhiều về chất lượng”, chị Mỹ nói.

Tư vấn định hướng chọn tổ hợp môn lớp 10 của Trường THPT Trần Quang Khải (Quận 11, TPHCM) ngày 15/7. Ảnh. MA

Không đưa tài liệu tham khảo vào danh mục sách giáo khoa

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, sách giáo khoa ở mỗi khối lớp sử dụng trong nhà trường có thể từ 2 - 3 bộ khác nhau do hội đồng lựa chọn sách giáo khoa nhà trường quyết định lựa chọn. Vì vậy, để tạo thuận lợi nhất cho phụ huynh trong việc trang bị sách giáo khoa năm học mới, cũng như tránh tình trạng mua phải sách giả, nhà trường cần chủ động liên hệ, phối hợp với các nhà xuất bản có danh mục sách đã lựa chọn để hỗ trợ cung ứng sách giáo khoa cho học sinh.

“Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường phối hợp với nhà xuất bản, có biện pháp hỗ trợ phụ huynh học sinh trang bị sách giáo khoa cho năm học mới, đặc biệt là sách giáo khoa khối lớp 5, 9 và 12 - đây là các khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2024 - 2025. Nhà trường thống kê số lượng sách giáo khoa mà phụ huynh học sinh có nhu cầu đăng ký mua để thông tin đến nhà xuất bản”, ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết.

Ngoài các đầu sách được lựa chọn giảng dạy, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu nhà trường trang bị thêm các bộ sách đã được UBND TPHCM phê duyệt để tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh nghiên cứu, tham khảo, phục vụ học tập, giảng dạy. Đặc biệt, trong quá trình cung ứng sách giáo khoa cho phụ huynh, học sinh…, nhà trường không gộp danh mục sách giáo khoa và sách tài liệu tham khảo, sách bổ trợ vào chung thông báo sách giáo khoa để tránh phụ huynh học sinh hiểu nhầm bắt buộc mua.

“Khi thông báo đến cha mẹ học sinh và giáo viên danh mục sách tài liệu tham khảo, bổ trợ dùng trong nhà trường cho năm học mới, nhà trường cần thực hiện đúng theo Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên”, ông Quốc nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Phong Yên - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam (đơn vị phát hành sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) cho biết: “Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất ở sách thật/giả mà phụ huynh có thể phát hiện bằng mắt thường là màu sắc, chất liệu. Sách thật khi cầm thấy chắc tay, mực đẹp, in rõ, cả nội dung và hình ảnh.

Trong khi đó, sách giả thường có chất lượng in kém hơn, nên sản phẩm sẽ nhẹ hơn, màu tối, dễ lem mực. Các hình ảnh trong sách giả thường nhòe, mờ, một số chỗ mất nét, không nhìn rõ chữ. Tổng quan không sắc sảo như sách thật. Ngoài ra là mã thẻ cào. Mỗi cuốn sách do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành đều được dán một mã tem chống giả riêng”.

Tác giả: Hồ Phúc

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP