Thêm một vụ bạo hành trẻ tại Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP HCM) được phơi bày nhờ camera phụ huynh bí mật gắn trong lớp học. Đây không phải lần đầu việc gắn camera trong các trường, lớp học được nhắc đến, nhất là sau khi xảy ra các vụ bạo hành trẻ.
Vấn đề đặt ra là gắn camera có giải quyết được dứt điểm tình trạng này hay chỉ là giải pháp tạm thời để ứng phó với một bộ phận giáo viên (GV) nhưng hành xử phản sư phạm?
Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP HCM) - nơi diễn ra việc phụ huynh gắn camera và phát hiện giáo viên bạo hành học sinh. Ảnh: NGUYỄN THUẬN |
Giáo viên lo ngại
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Tạ Tân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận Tân Phú, cho biết trong chiều 7-10, cơ quan thanh tra của quận tiếp xúc và làm việc với các bên liên quan để sớm có thông tin cụ thể về sự việc GV chủ nhiệm lớp 2/11 Trường Tiểu học Phan Chu Trinh có hành vi bạo hành trẻ. Trong khi đó, đại diện trường này khẳng định quan điểm của nhà trường là không bao che vi phạm. Cùng với việc rút kinh nghiệm, nhà trường sẽ tăng cường giáo dục học sinh (HS) các biện pháp tự bảo vệ thân thể, sức khỏe của mình, mạnh dạn trao đổi, chia sẻ với thầy cô, người lớn những khó khăn, cũng như khi các em cảm thấy không an toàn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh hiện chỉ có camera lắp ở cổng trường, hành lang dãy phòng. Vụ việc bạo hành trẻ tại lớp 2/11 chỉ được phát hiện khi phụ huynh bí mật gắn camera tại lớp. Từ đây, lại có câu hỏi được đặt ra là GV này (công tác tại trường hơn 10 năm) trước đây có từng bạo hành trẻ mà không bị phát hiện?
Tại TP HCM, ngoài các cơ sở giáo dục tư thục chủ trương lắp camera theo sự thỏa thuận với phụ huynh, hầu hết trường công lập từ mầm non trở lên mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích, tùy điều kiện từng trường. Bắt đầu từ năm học 2018-2019, TP đã thí điểm lắp đặt camera tại các cơ sở giáo dục mầm non ở quận 1, 12 và huyện Hóc Môn. Trong năm học 2019-2020, sẽ mở rộng ra các quận, huyện còn lại. Tuy nhiên, qua khảo sát ban đầu, trong khi phần lớn phụ huynh đồng tình với việc lắp đặt thì nhiều GV còn tâm tư.
Qua kết quả khảo sát của Sở GD-ĐT TP HCM về nhu cầu GV và phụ huynh trong việc lắp đặt camera ở 3 quận, huyện đã cho ra tỉ lệ nghịch. Cụ thể, đối với việc gắn camera bên trong lớp học, phụ huynh truy cập được, có tới 88% phụ huynh đồng ý trong khi 52% GV không đồng tình, cho rằng xâm phạm sự riêng tư của HS và GV. Đối với việc gắn camera trong lớp học chỉ để ban giám hiệu nhà trường kiểm tra và giám sát hoạt động của cô và trẻ, cũng có tới 72,2% GV không đồng ý vì cho rằng làm như vậy sẽ khiến họ mất tự nhiên, cảm thấy cấp trên thiếu tin tưởng và luôn lo mắc lỗi.
Vụ việc cô giáo chủ nhiệm của Trường Tiểu học Phan Chu Trinh hành hung học sinh gây bất bình dư luận. (Ảnh cắt từ clip) |
Có vi phạm quyền trẻ em và quyền riêng tư?
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, lắp camera không phải để cho tất cả phụ huynh theo dõi GV. Mục đích chính của hoạt động này là để hiệu trưởng (đối với các trường công lập) và địa phương (đối với các cơ sở ngoài công lập) giám sát các hoạt động giáo dục, kịp thời nhắc nhở, uốn nắn những sai lầm; truy xuất khi có sự cố xảy ra. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tin tưởng GV, tạo cho thầy cô môi trường làm việc tốt, có bản lĩnh và nghiệp vụ sư phạm đúng mực. Chỉ như vậy, vấn đề bạo hành trẻ mới được giải quyết tận gốc.
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 12, đánh giá qua một năm triển khai gắn camera tại các trường mầm non, đến nay quận đã "phủ sóng" hầu hết từ các trường tư thục đến công lập. Tuy nhiên ở bậc tiểu học, mới chỉ dừng lại ở khuyến khích lắp tại cổng trường, hành lang các lớp học, còn để gắn trong từng lớp thì quả thực rất khó khăn vì còn liên quan đến chủ trương, quyền trẻ em...
Còn theo ông Nguyễn Thành Văn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 10, chủ trương là khuyến khích các trường ở các cấp học gắn camera ở cổng trường, hành lang, các góc khuất, mục đích để bảo vệ an toàn, phòng chống kẻ gian ở trường học, còn gắn trong từng lớp thì không thể thực hiện được, GV sẽ phản ứng. Ngay chính phụ huynh cũng nhiều người không đồng tình vì lo sợ hình ảnh của con sẽ bị phát tán không rõ mục đích.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, đồng tình với chủ trương khuyến khích các trường trong quận gắn camera. Dù vậy, giải pháp này chỉ phục vụ công tác quản lý, giúp GV tự giác dạy học, truy xuất dữ kiện khi có vấn đề xảy ra chứ không thể "online" để phụ huynh cùng xem. Như vậy là vi phạm quyền trẻ em và quyền riêng tư của người thầy.
Đề nghị đưa giáo viên bạo hành trẻ ra khỏi ngành Ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết hành vi đánh HS của cô giáo chủ nhiệm ở Trường Tiểu học Phan Chu Trinh là hành vi phản sư phạm, không thể chấp nhận, phải gọi đúng là bạo hành trẻ. Do trường không thuộc phạm vi quản lý trực tiếp nên sở chỉ có thể đề nghị quận xử lý nghiêm ở mức cao nhất là đưa ra khỏi ngành. Liên quan đến vụ việc, giáo viên Nguyễn Hồng Hà, người trong clip bạo hành trẻ, cho biết sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật. "Tôi đánh HS là sai, dù nặng hay nhẹ. Tôi xin nhận mọi hình thức kỷ luật của ngành giáo dục và muốn gửi lời xin lỗi tới phụ huynh. Do lớp quá đông, bản thân không kiềm chế được nên tôi đã đánh HS. Vấn đề sai phạm của tôi nghiêm trọng tới đâu, mức độ nào, thanh tra đang xác minh. Từ ngày 13-9, tôi đã bị đình chỉ công tác, chờ kết luận thanh tra" - cô Hà thành khẩn. Tuy nhiên, cô giáo này cũng nghi ngờ chuyện đặt camera quay lén trong lớp không phải do phụ huynh thực hiện. |
Cần thiết phải gắn để ngăn chặn vi phạm Vụ việc cô giáo chủ nhiệm lớp 2/11 Trường Tiểu học Phan Chu Trinh bạo hành học sinh (HS) bị camera trong lớp học ghi lại, gây sốc cho nhiều người. Không chỉ là việc cô giáo đánh HS, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc HS đánh bạn; xâm hại tình dục HS; phụ huynh xúc phạm, gây thương tích cho giáo viên; HS đánh nhau rồi kéo người lạ vào trường gây sự... Những vụ việc này xảy ra nhiều nơi, ảnh hưởng rất lớn đến công tác giáo dục, gây bức xúc trong dư luận. Sau những vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng tiến hành lấy lời khai hoặc giải trình của các bên có liên quan thì có một điểm chung là khó kết luận vụ việc chính xác do những người liên quan trực tiếp hoặc im lặng, né tránh hoặc nói không đúng sự thật; người làm chứng thì trước sau bất nhất... Thực tế, việc lắp đặt camera giám sát là một trong những lựa chọn tốt để phục vụ cho hoạt động quản lý; giúp cá nhân, tổ chức kịp thời xử lý các tình huống và có giải pháp khắc phục kịp thời. Trường học cũng không ngoại lệ. Việc lắp đặt camera giám sát giúp giáo viên và HS tự điều chỉnh hành vi, là chứng cứ quan trọng để xử lý kịp thời, chính xác các vi phạm trong giáo dục và cung cấp cho cơ quan chức năng khi cần. Đồng thời giúp phụ huynh yên tâm hơn vì có thể kiểm tra, giám sát việc học tập, sinh hoạt của con em trong trường. Về kinh phí lắp đặt camera, nên lấy từ ngân sách nhà nước. Nếu địa phương khó khăn, có thể xã hội hóa bằng cách vận động sự đóng góp của phụ huynh, các tổ chức, cá nhân... Thực hiện đồng bộ và quản lý hiệu quả hệ thống camera giám sát trong trường học thì sẽ hạn chế thấp nhất những vụ việc tiêu cực, phản giáo dục trong nhà trường. Đỗ Văn Nhân |
Tác giả: Đặng Trinh
Nguồn tin: Báo Người Lao Động