Giáo dục

Nữ sinh dùng dao cứa vào tay khi bị thầy xâm hại: Bảo vệ trẻ bằng cách nào?

Dư luận đang bức xúc về vụ một nữ sinh lớp 9 ở Hải Dương bị nam giáo viên dạy môn Ngữ văn xâm hại khiến em bị ảnh hưởng tâm lý, không ít lần dùng dao tự cứa vào tay, vào đùi của mình.

Dư luận đang xôn xao trước vụ việc một gia đình tại Hải Dương gửi đơn tới các cơ quan chức năng trên địa bàn để tố cáo việc con gái mình (đang học lớp 9) bị nam giáo viên dạy môn Ngữ văn của trường THCS (xã Lê Lợi, TP Chí Linh, Hải Dương) quấy rối tình dục.

Theo gia đình, thầy giáo nói trên đã nhiều lần thực hiện hành vi như sờ ngực, sờ đùi và vùng nhạy cảm của con mình, khiến cháu bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng, không ít lần dùng dao tự cứa vào tay, đùi của mình.

Tại bản tường trình hôm 8/7, nam giáo viên thừa nhận từ tháng 10/2021 đến 26/5/2022 đã nhiều lần dùng tay sờ nắn ngực nữ sinh.

Hiện thầy giáo này đã bị cơ quan công an triệu tập để lấy lời khai phục vụ điều tra.

Giải pháp nhanh ổn định tâm lý cho trẻ

Nêu quan điểm về vụ việc trên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, câu chuyện lên án người làm điều sai trái, vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật (trong vụ việc này là người thầy giáo) là điều cần làm. Tuy nhiên, vấn đề nên quan tâm nhất hiện nay là phải có giải pháp nhanh nhất, kịp thời nhất để bảo vệ, giúp đỡ cho nạn nhân của vụ việc, tức nữ sinh bị xâm hại.

"Khi xảy ra những chuyện không may cho học sinh, chúng ta nên suy nghĩ đến quyền lợi của học sinh trước, rồi mới tính tới vấn đề trách nhiệm của ai, xử lý, phê bình, cảnh cáo thế nào. Nhiều vụ việc, chúng ta chỉ chú trọng đến nguyên nhân tại sao, ai phải chịu trách nhiệm. Tất nhiên, lo điều đó là đúng, là cần thiết, nhưng quan điểm của tôi là phải quan tâm đến người bị hại đầu tiên", TS Lâm nói.

Theo ông, với trường hợp này khi nữ sinh đã có vấn đề bất ổn tâm lý, có các hành vi tự làm hại bản thân thì việc trường học, chính quyền nên làm trước nhất là giúp đỡ gia đình em, mời những chuyên gia tâm lý đến đánh giá tình trạng trầm cảm, tình trạng bệnh lý đang ở mức độ nào. Từ đó, đưa ra phương pháp trị liệu phù hợp cho nữ sinh.

TS Tùng nhấn mạnh, việc điều trị có thể phải mất thời gian, không chỉ trong một hai lần đã giúp nạn nhân bình ổn hoàn toàn. "Trị liệu tâm lý đối với trường hợp nhẹ có thể nhanh, nhưng với những em bị tổn thương lớn, mức độ nặng sẽ mất thời gian và tốn kém tiền của. Cũng có thể phải kêu gọi các nhà tâm lý có lòng hảo tâm, có trách nhiệm giúp đỡ cho gia đình em", TS Lâm bày tỏ.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng bố mẹ nữ sinh cần cẩn trọng để không làm xáo động tâm lý của con. Tất cả những vấn đề liên quan đến kiện tụng nên làm thật khéo để tạo cho con một môi trường yên ả, tốt đẹp. Nên khuyến khích con giao tiếp, nói chuyện, hòa đồng với bạn bè; nhắc nhở các bạn của cô bé không nhắc lại câu chuyện này.

Đặc biệt, trong trường hợp nữ sinh chuyển trường, chuyển cấp thì cơ quan quản lý giáo dục nên phối hợp cùng các nhà trường để tạo điều kiện cho em được tiếp nhận vào học một cách nhanh chóng.

"Theo tôi, đơn vị quản lý giáo dục nên có biện pháp giúp đỡ, bỏ qua những quy chế thông thường để em được đến ngôi trường có môi trường tốt, có thầy cô giáo chủ nhiệm sẵn sàng dang tay giúp đỡ em. Tất cả những điều này nên làm một cách kín đáo, tế nhị. Đừng chú trọng, hạch sách vấn đề hồ sơ, quy chế nhận học sinh,… có thể gây tổn thất thêm cho em. Khi đó, những nhà tâm lý giỏi cũng khó cứu chữa được", TS Lâm chia sẻ.

Cần có sự phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ

Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, trong môi trường học đường có rất nhiều tình huống, vấn đề có thể xảy ra, ngoài xâm hại tình dục còn có bạo lực học đường, yêu sớm, quan hệ tình dục sớm, nạo phá thai,… Với từng tình huống, chúng ta cần có những cách giải quyết khác nhau.

Để hạn chế các vấn đề nói trên, TS Lâm cho rằng trước hết mỗi hiệu trưởng phải nhận thức được việc tạo ra và đảm bảo môi trường giáo dục bình an, thân thiện, an toàn, lành mạnh cho học sinh rất quan trọng. Nên lưu tâm thực hiện 3 giải pháp sau:

Thứ nhất, ngoài những giờ học chuyên môn, nghiên cứu các bộ môn khoa học, nhà trường nên xem xét tổ chức các giờ trải nghiệm, giờ học kỹ năng sống cho học sinh. Hiệu trưởng cần quan tâm xây dựng chương trình này; trang bị cho học sinh của mình một nhận thức đúng, có hoài bão, ước mơ, lý tưởng và đặc biệt là kỹ năng sống để hòa nhập tốt, ứng phó được khi gặp từng tình huống.

Thứ hai, mời chuyên gia giỏi tới tập huấn, hướng dẫn, giúp giáo viên có kỹ năng giảng dạy được các chương trình này cho học sinh; tạo điều kiện để giáo viên chủ động, sáng tạo. Bởi việc giảng dạy kỹ năng sống không thể giống như giảng dạy các môn khoa học, lý thuyết thông thường. Giáo viên cần đưa ra những tình huống, cần có kỹ năng dẫn dắt thì học sinh mới nhận thức được và ghi nhớ.

"Ví dụ, nếu có một video nêu rõ tình huống cụ thể, cho học sinh được thảo luận, bình luận, lúc đó các em sẽ dễ dàng ngấm kiến thức hơn", TS Lâm nói.

Thứ ba, cần có sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình, cha mẹ học sinh. "Hiện nay, khi họp phụ huynh, chúng ta thường chỉ nói tới các vấn đề điểm số, hạnh kiểm, không trao đổi nhiều về quan điểm giáo dục, phương pháp giáo dục. Tôi cho rằng cha mẹ phải phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục, hướng dẫn cho trẻ. Nhất là ở những lứa tuổi nhỏ như cấp mầm non và tiểu học, phụ huynh càng cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường", TS Lâm cho hay.

Tác giả: Nguyễn Liên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP