Dưa hấu ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đang kỳ thu hoạch. Năm nay, dưa hấu được mùa, được giá nên nông dân rất phấn khởi. Cũng như những năm trước, dưa hấu ở Phú Ninh chủ yếu được thương lái mua xuất khẩu sang Trung Quốc.
Dán tem mới bán được hàng
Khác với trước đây, năm nay, thương lái giao cho người trồng một lượng lớn tem in chữ Trung Quốc và yêu cầu dán lên trái dưa trước khi cân. "Họ nói rằng đây là tem để truy xuất nguồn gốc, yêu cầu dán thì mình dán vì thấy không ảnh hưởng gì" - ông Nguyễn Thanh Thành (xã Tam Phước, huyện Phú Ninh) cho biết.
Dưa hấu phải được dán tem truy xuất nguồn gốc trước khi cân bán cho thương lái Trung Quốc Ảnh: TRẦN THƯỜNG |
Theo một lãnh đạo UBND huyện Phú Ninh, toàn bộ diện tích trồng dưa hơn 400 ha của huyện đã thu hoạch sắp xong. Với giá bán 6.000 - 6.500 đồng/kg, nhiều nông dân có nguồn thu khá lớn từ dưa hấu. Phần lớn nông dân trồng dưa để bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc. Thông thường, dưa vẫn được bán với giá hợp lý, nông dân có lãi nhưng có thời điểm vụ dưa Phú Ninh trùng với vụ dưa Trung Quốc nên bị dội hàng, phải kêu gọi "giải cứu". Cũng theo vị lãnh đạo này, việc dán tem Trung Quốc chỉ để trái dưa vào thị trường này theo đúng quy định chứ không giải quyết được tận gốc vấn đề là giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Việc mua bán vẫn chỉ diễn ra giữa nông dân và thương lái chứ chưa có doanh nghiệp (DN) nào đó đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Quản lý qua con tem
Ngày 23-4, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) khẳng định tem có chữ Trung Quốc được dán trên sản phẩm dưa hấu Quảng Nam là tem truy xuất nguồn gốc chứ không phải nhãn hàng hóa. Phía Trung Quốc bắt buộc từ ngày 1-1-2019, các loại nông sản xuất qua thị trường nước này đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho Hải quan Trung Quốc, trong đó có dưa hấu. Vì thế, dưa hấu Việt Nam xuất sang nước này có thể dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên trái hoặc đóng gói bằng thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc.
Cùng với đó, DN xuất khẩu được chủ động lựa chọn sử dụng bao bì, thùng giấy hoặc tem nhãn lên trái cây; chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Hiện đã có 41 DN xuất khẩu ký hợp đồng với Tập đoàn Trung Kiểm (CCIC) là đơn vị có năng lực cung cấp lượng lớn tem nhãn cho DN. Khi quét mã QR Code trên tem này, các nhà nhập khẩu và cơ quan chức năng của Trung Quốc có thể biết được thông tin về xuất xứ, hình ảnh vùng trồng, bản đồ điện tử, DN sản xuất, DN xuất khẩu…
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cũng cho biết trước đó, phía Trung Quốc đã thông báo cho Việt Nam về những loại trái cây mà Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch. Đặc biệt, yêu cầu địa phương phải đăng ký các mã số vùng trồng được mã hóa bằng các dãy số trong tem. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng yêu cầu phải thay đổi vật liệu đệm, lót trái cây bằng các chất liệu không gây hại, không có sinh vật truyền nhiễm.
Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã áp dụng các yêu cầu về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc đối với các nước khác xuất khẩu vào nước này, trong đó có các nước ASEAN. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, do đặc thù về thương mại biên mậu lâu đời nên việc áp dụng các quy định này muộn hơn. Để đơn giản hóa thủ tục hải quan và giúp thông quan cho các mặt hàng trái cây nhập khẩu từ Việt Nam được nhanh gọn hơn, cơ quan hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) đã chọn một đơn vị cung cấp dịch vụ hải quan điện tử và mã hóa thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa thông qua tem truy xuất QR code. Với hình thức này, chỉ cần quét mã QR code trên lô hàng, hải quan Trung Quốc có thể đối chiếu được toàn bộ thông tin truy xuất, bao gồm chủng loại sản phẩm; mã số vùng trồng; mã số cơ sở đóng gói; tên DN xuất khẩu, nhập khẩu.
Nông dân, HTX mù mờ thông tin
Trao đổi với chúng tôi về mã số vùng trồng để bán xoài sang Trung Quốc, ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn (Đồng Nai), cho hay vẫn chưa nắm được yêu cầu dù hạn chót phía Trung Quốc đưa ra là ngày 1-5 tới. Theo ông Bảo, HTX đã có mã số vùng trồng đạt chuẩn xuất khẩu sang Úc và đang xuất khẩu sang thị trường này. "Với thị trường Trung Quốc, trước giờ HTX bán qua thương lái hoặc các vựa thu mua chứ chưa xuất khẩu trực tiếp. Thời gian qua, chúng tôi vẫn bán hàng bình thường, không nghe bên mua yêu cầu về mã số vùng trồng" - ông Bảo nói.
Ông Đỗ Ngọc Chất - Giám đốc Công ty TNHH Việt Á Agrifood (TP HCM), chuyên xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc - đánh giá việc nông dân, các HTX sản xuất chưa nắm thông tin trong giai đoạn này là dễ hiểu vì việc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc là do DN thực hiện. "Quy định của Trung Quốc không khó, DN nào quen làm chính ngạch đều thấy rất bình thường. Phía Trung Quốc mua hàng cần biết trái cây trồng ở đâu, đóng gói tại cơ sở nào để truy xuất nguồn gốc. Do trước nay nhiều người vẫn quen với việc sản xuất không có tiêu chuẩn, khi có hàng thì gom sang biên giới bán "xô" nên còn bỡ ngỡ" - ông Chất giải thích. Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (tỉnh Long An), ngoài mã số vùng trồng do Cục Bảo vệ thực vật cấp, các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cũng được phía Trung Quốc chấp nhận. "Các DN đã biết quy định của thị trường Trung Quốc nhưng nông dân, thương lái ở một số địa phương vẫn chưa nắm được do chưa được triển khai. Do đó, các cơ quan quản lý địa phương cần tăng cường thông tin để người dân được rõ. Ngoài ra, Trung Quốc đã trồng thành công thanh long và dưa hấu, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát mùa vụ của họ để khuyến cáo người dân sản xuất, tránh đụng mùa, rớt giá" - ông Huy khuyến cáo.
Xuất khẩu cầm chừng vì thiếu phương tiện chở hàng Theo ông Đỗ Ngọc Chất, các DN xuất khẩu trái cây chính ngạch sang Trung Quốc đang hoạt động cầm chừng do thiếu container rỗng để đóng hàng đường biển. Thái Lan đang vào mùa măng cụt và sầu riêng, các hãng tàu ưu tiên chuyển container lạnh chở hàng Thái Lan xuất sang Trung Quốc do giá cước cao hơn. Trong khi đó, vận chuyển bằng đường bộ chi phí quá cao. N.Ánh |
Tác giả: Ngọc Ánh - Văn Duẩn - Minh Chiến - Trần Thường
Nguồn tin: Báo Người Lao Động