Giáo dục

Nội trú - góc khuất sau cổng trường: 'Nhập ngũ'

Môi trường học đường tưởng quen nhưng lạ, tưởng biết nhưng không. Đích thân làm quản nhiệm tại một số trường THPT nội trú ở TP.HCM, phóng viên Thanh Niên sẽ gửi đến bạn đọc những câu chuyện đầy bất ngờ...

Khi có đồ ăn, học sinh nội trú thường quây quần ăn uống, nói chuyện vui vẻ
Ảnh: LAM NGỌC


Ăn chung bàn, ngủ chung giường... là cuộc sống của giáo viên quản nhiệm ở trường nội trú. Vì nếp sinh hoạt đó, nhiều người trở nên gần gũi với học trò như người thân.

Do có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm nên sau cuộc phỏng vấn đơn giản, tôi được nhận vào Trường THPT P.H (Q.12) làm giáo viên quản nhiệm nội trú kiêm dạy môn ngữ văn. Sau thỏa thuận một tuần thử việc không lương, hai giáo viên quản nhiệm khu nội trú nữ là Đ.T.T.Hoa (24 tuổi) và P.T.Tuyền (trạc ngoài 20) dẫn tôi lên khu nội trú. Khu này ở lầu 4 - 5 có hơn 200 học sinh, trong đó gần 40 học sinh là nữ. Tôi sẽ ở lại phòng 408, là một trong hai phòng nội trú dành cho nữ sinh.

Chung giường với học trò

Phòng có 8 giường sắt hai tầng, giường rộng khoảng 1,2 m. Sách vở của học sinh để trên chiếc bàn gấp phía đuôi giường. Lúc này phòng có 12 nữ sinh, thêm tôi và Tuyền là 14 người. Tôi được xếp chung giường với cô học trò Bích Ngọc (học sinh lớp 10), mới vào trường được khoảng 1 tháng.

Ngọc nặng 88 kg, nằm riêng một giường còn hơi chật, giờ nhét tôi vào làm sao ngủ đây? Tôi thỏa thuận với Ngọc: “Con cứ để sách vở trên bàn, cô chỉ để cái ba lô nhỏ dưới chân, lúc ngủ cô sẽ gác chân lên ba lô. Như vậy sẽ đủ chỗ cho cả 2 người”. Ngọc đồng ý. Từ hôm đó chúng tôi trở thành “đôi bạn chung giường”. Ngọc tế nhị và biết quan tâm người khác, lâu lâu cô bé hỏi tôi ngủ được không? Ở trường quen chưa? Cần móc phơi đồ hay những vật dụng cá nhân khác thì nói để em cho mượn.

Theo tôi biết, rất nhiều học sinh vào trường THPT P.H nếu không có quá khứ “ngang trời dọc đất” thì cũng nghiện cỏ, ma túy đá hoặc nghiện game hay bị đuổi học không trường nào nhận nên chọn vào đây (do trường này tự xác định “sứ mệnh” của mình là địa chỉ của những học trò “đặc biệt”). Cô học trò chung giường Bích Ngọc cũng từng bỏ nhà đi bụi mấy lần để chơi game nên bị “tống” vào trường. “Tuần này không biết mẹ có lên thăm con không, con nhớ mẹ quá!”, Ngọc chép miệng, giọng buồn thiu.

Trong thời gian làm giáo viên quản nhiệm, phóng viên thực hiện những công việc thường làm như cắt tóc cho học trò
ẢNH: ĐỨC ANH


Ngọc cho biết, ba mẹ ly hôn, em ở với ba và vợ mới của ba. Ba là chủ tiệm vàng, lo kinh doanh và ít quan tâm đến em. Đã vậy ông thường chửi em những câu rất nặng như: “Mày không phải con tao. Cút khỏi nhà tao”. Có lần em bỏ nhà đi gần 1 tháng nhưng khi về ba cũng không quan tâm, chỉ bảo rằng “mày đi luôn cũng được”.

Kể đến đây, nước mắt Ngọc trào ra. Cô bé nấc nghẹn. Tôi xoa nhẹ lưng em vỗ về an ủi. Lúc này, chiếc giường nhỏ không còn bất tiện nữa, nó giúp tôi gần em hơn. Đêm hôm đó, Ngọc nắm tay tôi ngủ. Giấc ngủ dường như bình yên hơn...

Phòng tắm tập thể

Sáng 21.8 là ngày đầu tiên tôi bắt đầu công việc mới. Thời gian vệ sinh cá nhân dành cho cả cô và trò chỉ trong khoảng một giờ đồng hồ là phải xuống sân tập trung mà gần 40 nữ sinh và quản nhiệm nữ dùng chung một nhà vệ sinh nên... kẹt cứng.

Lúc tôi ra nhà vệ sinh, vừa đẩy cửa bước vào thì chứng kiến cảnh 5 - 6 nữ sinh “tắm tiên” tập thể. Sợ học sinh ngại, tôi ngoảnh mặt đi: “Tụi con cứ tắm đi, cô không nhìn đâu”. Một nữ sinh vui vẻ: “Không sao đâu, cô vào tắm chung luôn đi”.

Khu vực bên trong có 8 toilet được ngăn nhỏ. Tôi định tắm ở đây nhưng không có vòi tắm mà chỉ có vòi xịt ở dưới thấp. Phòng cũng nhỏ chừng 2 m2 nên rất khó khăn. Hơn nữa, tắm ở đây cũng không đủ “an toàn” bởi cửa toilet bị kẹt không thể đóng được vì học sinh phơi quần áo, phụ kiện khắp nơi.

Loay hoay hơn 30 phút trong nhà vệ sinh xong, tôi định mở cửa bước ra ngoài thì mấy nữ sinh la lên: “Cô đợi chút xíu”. Nói rồi bốn, năm em khúm núm chạy lại sau cánh cửa để tránh bị người bên ngoài nhìn thấy. Vừa ra khỏi nhà vệ sinh, tôi thấy hàng chục nam sinh đứng ngay cầu thang, nhìn thẳng ngay phía cửa nơi các nữ sinh đang tắm bên trong. Một nữ sinh thì thầm vào tai tôi: “Cửa nhà vệ sinh có một khe hở, lúc tắm cô cẩn thận đó”. Tôi hỏi sao các em không báo để trường sửa nhưng học sinh đó xua tay: “Con không biết”.

Trong giờ giải lao, giáo viên quản nhiệm được học sinh giúp chăm sóc da mặt
ẢNH: ĐỨC ANH


Cả buổi sáng không thấy hai quản nhiệm nữ còn lại vệ sinh cá nhân, tôi nghĩ hay mình nhầm, phòng vệ sinh của quản nhiệm ở chỗ khác, nhưng không phải: “Chỉ có một nhà vệ sinh duy nhất nên quản nhiệm phải sử dụng chung với học sinh. Tuổi chúng mình cách khá xa các em nên sinh hoạt chung khá bất tiện”, một giáo viên nói với tôi.

Giáo viên này cho biết, ở khu nội trú, nếu muốn có không gian riêng thì quản nhiệm phải dậy trước 5 giờ 30 mỗi sáng và tắm lúc 23 giờ, khi học sinh đã đi ngủ. “Tắm khuya không sợ bệnh à?”, tôi hỏi, một quản nhiệm đáp: “Sợ chứ, nhưng công việc mà. Mỗi nghề có cái khó riêng, mình chọn thì phải chấp nhận”.

Tác giả: Lam Ngọc

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP