Trong nước

NÓI THẲNG: Câu hỏi từ khối tài sản khổng lồ của bị can Đỗ Hữu Ca

Với đồng lương thiếu tướng cộng các phụ cấp khác (nếu có), làm sao vợ chồng ông Đỗ Hữu Ca có khối tài sản lớn đến thế?

VKSND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành cáo trạng, truy tố cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ông Đỗ Hữu Ca dù đã nghỉ hưu, vẫn điềm nhiên bỏ túi 35 tỉ đồng tiền chạy án nhưng bất thành.

Đáng chú ý, trong quá trình khám xét nơi ở của bị can Đỗ Hữu Ca, cơ quan chức năng phát hiện trên 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng lượng lớn tiền, vàng, ngoại tệ, trang sức, sổ tiết kiệm... đứng tên vợ ông Ca và các cá nhân khác.

Ông Đỗ Hữu Ca thời điểm chưa bị bắt

Tại cơ quan điều tra, bị can Đỗ Hữu Ca cùng vợ là bà V.T.L khai số tài sản trên có được thông qua việc tiết kiệm từ tiền lương, bố mẹ để lại, quà lễ, Tết của các đơn vị và từ việc kinh doanh dự án.

Kết quả điều tra xác định những tài sản trên không liên quan đến hành vi phạm tội của bị can Đỗ Hữu Ca. Tuy nhiên, việc vợ chồng ông này không thực hiện kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân về các hoạt động đầu tư kinh doanh liên quan tài sản này cần tiếp tục xác minh.

Từ khối tài sản khổng lồ của vợ chồng bị can Đỗ Hữu Ca đặt ra vấn đề quản lý tài sản của cán bộ, công chức, nhất là đối với cán bộ có chức vụ.

Với đồng lương thiếu tướng cộng các phụ cấp khác (nếu có), làm sao vợ chồng ông Ca có khối tài sản lớn đến thế? Liệu có chuyện vợ chồng bị can này đã "qua mặt" các cơ quan kiểm soát trong việc kê khai tài sản? Tương tự, việc đóng thuế thu nhập cá nhân cũng vậy, các hoạt động đầu tư kinh doanh liên quan khối lượng tài sản khổng lồ đã không được kê khai, gây thất thoát nguồn thu ngân sách.

Ở nước ta, công tác quản lý thu nhập cá nhân còn nhiều hạn chế bởi thói quen sử dụng tiền mặt cùng nhiều yếu tố thiếu minh bạch khác. Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 đã quy định rõ cán bộ, công chức không chỉ kê khai tài sản của mình một cách trung thực mà còn phải kê khai tài sản của người thân, bao gồm vợ hoặc chồng, con chưa thành niên, kể cả tài sản biến động...

Quy định là vậy nhưng không phải không có cán bộ kê khai không đúng sự thật. Đáng nói là rất ít trường hợp bị kỷ luật về việc kê khai tài sản không trung thực như trường hợp ông Lê Đức Thọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Thực tế cho thấy việc kê khai tài sản thôi là chưa đủ vì không xác minh tính trung thực, tính chính xác của tài sản đó thì việc kê khai không mang nhiều ý nghĩa. Việc bốc thăm ngẫu nhiên lựa chọn cán bộ - khoảng 10% - để xác minh tài sản, thu nhập hằng năm vẫn còn quá ít, chưa giải quyết được nhiều vấn đề.

Ở nhiều nước, đã có quy định nếu cán bộ, công chức có tài sản tăng thêm nhưng không chứng minh được nguồn gốc thì cơ quan chức năng có thể tịch thu ngay, còn ở Việt Nam thì chưa làm như vậy được.

Muốn chống tham nhũng phải có cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đặc biệt là những cá nhân ở cương vị người đứng đầu. Cử tri cũng nhiều lần kiến nghị nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách về xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, việc kê khai, xác minh tài sản của cán bộ chủ chốt cần được thông tin công khai để dân biết, dân giám sát.

Công tác phòng chống tham nhũng của nước ta trong những năm qua đạt được những thành tích rất nổi bật. Nhưng, cũng phải nhìn nhận rằng chúng ta mới giải quyết phần ngọn mà chưa bịt được những kẽ hở gốc rễ tạo cơ hội cho cán bộ, công chức suy thoái, biến chất - trong đó có cơ chế kiểm soát quyền lực và tài sản.

Vậy nên mới có những trường hợp như vợ chồng ông Đỗ Hữu Ca sở hữu khối tài sản kếch sù nhưng "qua mặt" được cơ quan quản lý thuế, gây thất thoát ngân sách.

Tác giả: Lưu Nhi Dũ

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP