Xã hội

Nỗi đau gia đình hiếm muộn mất con 4 tháng tuổi khi nhập viện ở Sơn La

Sau khoảng 30 phút truyền đường, bệnh nhi đột ngột chuyển biến xấu. Bé co giật, thân thể tím tái, đau đớn. Điều dưỡng Mai lúng túng kẹp nhiệt độ mà không gọi bác sĩ trực còn gia đình nhiều lần đề nghị báo bác sĩ đến hỗ trợ.

Tối 19/7, bé Nguyễn Minh Phúc được vợ chồng anh Nguyễn Bình Sơn đưa vào Bệnh viện Đa Khoa Mường La. 21h cùng ngày, một điều dưỡng tên Mai khám cho bé và chẩn đoán bị sốt nhẹ, cho truyền nước. Bác sĩ không có mặt để thăm khám hay điều trị cho bé.

Theo người nhà, rạng sáng hôm sau, khi truyền được 2/3 chai nước, bé tươi tỉnh, quẫy nghịch. Lúc này, điều dưỡng Mai thông báo phải tiếp tục truyền đường cho cháu bé. Sau khoảng 30 phút truyền đường, bệnh nhi đột ngột chuyển biến xấu. Bé co giật, thân thể tím tái, đau đớn. Điều dưỡng Mai lúng túng kẹp nhiệt độ mà không gọi bác sĩ trực còn gia đình nhiều lần đề nghị báo bác sĩ đến hỗ trợ.

Bệnh viện Đa khoa Mường La.

Lo sợ, gia đình đề nghị cho bé chuyển viện. Điều dưỡng Mai vẫn yêu cầu chờ đến sáng, sau khi họp giao ban, hội chẩn xong, lãnh đạo ký giấy mới cho bé chuyển viện. Khi bé Phúc bất động, điều dưỡng Mai mới gọi điện báo bác sĩ. Sau đó, bé qua đời ngày 20/7 khi chưa tròn 4 tháng tuổi.

Được biết, bé là trái ngọt của cặp vợ chồng sau 4 năm chữa hiếm muộn mới có con.

Ông Nguyễn Trung Khải, Giám đốc Sở Y tế Sơn La, cho biết đã nắm được sự việc và yêu cầu bệnh viện báo cáo, làm rõ nguyên nhân cái chết của bé. "Tôi đã chỉ đạo, yêu cầu bệnh viện giải quyết vụ việc một cách khách quan, công tâm", ông Khải nói.

Ông Khải cho biết, khi có kết luận chính thức sau khi khám nghiệm pháp y, Sở Y tế sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La chỉ đạo Bệnh viện đa khoa Mường La khẩn trương xác minh thông tin báo chí nêu trên; tổ chức thăm hỏi động viên gia đình người bệnh.

Xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Nghiêm khắc xử lý các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm).

Chia sẻ về nỗi đau mất con trai 4 tháng tuổi sau khi đến điều trị tại Bệnh viện Mường La (Sơn La), anh Nguyễn Bình Sơn (trú tại đường Tô Hiệu, Mường La, Sơn La) cho biết bản thân vẫn chưa hết bàng hoàng và đau đớn. Điều anh lo lắng nhiều hơn là vợ của mình, chị Xuân, mẹ cháu bé. Từ lúc mất con, chị Xuân ăn uống thất thường, chỉ nằm một chỗ.

Chị Xuân và con trai khi bé còn khỏe mạnh.

Không chỉ đau đớn về tinh thần, chị còn phải chịu đựng thêm nỗi đau về thể xác khi hai bầu sữa liên tục căng tức. Người mẹ càng thương nhớ con, sữa càng về nhiều hơn. "Sữa mẹ về nhiều, khiến cô ấy nhức nhối, đau đớn quá, tôi phải ra hiệu thuốc mua dụng cụ hút sữa để hút bỏ sữa ra cho cô ấy đỡ tức ngực. Thương con, nhớ con quá, mỗi đêm, cô ấy nói mê ú ớ, quờ tay sang hai bên tìm con, tôi phải chèn gối vào để cô ấy ôm, có cảm giác mà đỡ nhớ con", anh Sơn chia sẻ.

Theo anh Sơn, ngay sau khi bé P. tử vong, gia đình có đề nghị các bác sĩ của bệnh viện họp để chẩn đoán nguyên nhân tử vong của bệnh nhi nhưng gia đình không được phép tham gia.

Khi các chuyên gia pháp y mổ tử thi, gia đình cũng được thông báo, bên ngoài của bé bình thường chỉ có một vết tiêm chủng cách đây một tháng và vết tiêm mới nhất của bệnh viện. Một bên lá phổi của bé hơi bị dập, phổi bị viêm nhẹ không ảnh hưởng, gan hơi to.

“Vợ tôi ôm con trong buồng bệnh mà khóc ngất đi, còn người nhà tôi đang chạy theo các bác sĩ để đòi trả lại sự sống cho con, không có ai ở bệnh viện tới chia sẻ, an ủi vợ tôi. Chúng tôi chỉ mong muốn sự việc nhanh chóng được làm sáng tỏ để con tôi được ra đi thanh thản và trên đất nước mình sẽ không có bất kỳ bé nào phải chết oan uổng như con”, anh Sơn nói.

Tác giả: Anh Vũ (TH)

Nguồn tin: Pháp luật net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP