Đẹp

Những điều phải biết khi rụng tóc

Ngoài số lượng sợi tóc rụng trong ngày, rụng tóc bệnh lý còn gây ngứa, nổi nhiều nốt đỏ và da bong tróc...

BS CK1 Trương Thị Ngọc Bửu, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM), cho biết rụng tóc là vấn đề phổ biến hằng ngày ở cả nam và nữ. Có 2 dạng chính bao gồm rụng tóc sinh lý và rụng tóc bệnh lý.

Cách phân biệt

Có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc gồm: Tuổi, di truyền, căng thẳng, rối loạn nội tiết, mất cân bằng dinh dưỡng, sử dụng hóa chất (duỗi, uốn, nhuộm...); các bệnh lý về da đầu (viêm da đầu, viêm nang lông, nấm da đầu, nấm tóc...)…

Rụng tóc sinh lý là trung bình mỗi ngày có 50-100 sợi rụng và có lượng tóc mới tương đương mọc ra thay thế tóc cũ. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, không có gì lo ngại.

Đối với tóc rụng bệnh lý là trên 100 sợi/ ngày, kéo dài liên tục và không rõ nguyên nhân. Bên cạnh đó, rụng tóc bệnh lý còn gây ngứa, nổi nhiều nốt đỏ và da bong tróc. Đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh da liễu gây rụng tóc.

Để nhận biết tóc rụng nhiều có một số dấu hiệu như: đường rẽ chân tóc ngày càng rộng, tóc thưa dần; rụng khi gội, chải đầu; xuất hiện các mảng hói…

ThS-BS Lê Thảo Hiền, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu (TP HCM), cho biết thêm ngoài các nguyên nhân gây rụng tóc còn chia thành hai nhóm gồm rụng tóc có sẹo và không sẹo. Rụng tóc không sẹo nghĩa là khi tóc rụng đi vẫn còn chân tóc trong da đầu, tóc có thể mọc lại. Nguyên nhân này thường gặp ở người thay đổi nội tiết tố như phụ nữ có thai; nam giới bị hói giai đoạn đầu.

Rụng tóc có sẹo nghĩa là sau khi rụng tóc sẽ không mọc lại vì da đầu mất đi chân tóc. Để điều trị chỉ có phương pháp cấy tóc nhưng hiệu quả không cao. Vì da đầu không còn đủ để có thể lưu giữ sợi tóc.

"Những nguyên nhân gây ra rụng tóc có sẹo thường là bệnh lý về lupus ban đỏ hoặc nhóm hói đầu do nội tiết tố nam ở giai đoạn nặng" - bác sĩ Hiền nói.

Bệnh nhân rụng tóc được thăm khám tại Bệnh viện Da Liễu (TP HCM). Ảnh: LAN ANH

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Theo bác sĩ Hiền, điều trị rụng tóc quan trọng nhất là bác sĩ tìm ra nguyên nhân, từ đó sẽ có hướng điều trị thích hợp. Với rụng tóc do các bệnh lý nhiễm trùng sẽ cần phải điều trị bằng thuốc bôi tại chỗ, thuốc uống có tính chất kháng khuẩn, kháng nấm.

Rụng tóc do viêm da tiết bã thì phải sử dụng thuốc bôi có tính kháng viêm. Rụng tóc do nội tiết tố sẽ điều trị bằng thuốc uống kết hợp thuốc bôi… để kích thích tuần hoàn da đầu.

Đối với các loại thực phẩm chức năng điều trị rụng tóc, bác sĩ Hiền cho biết cần phải điều trị kết hợp với thuốc bôi tại chỗ hoặc thuốc uống. Những thành phần có trong thực phẩm chức năng để kích thích mọc tóc thường có là kẽm, biotin... Tuy nhiên, nếu gặp các bệnh lý toàn thân như lupus ban đỏ, ung thư thì cần phải gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị thuốc đặc hiệu.

Nếu điều trị bằng các phương pháp tại chỗ như dùng thuốc bôi, thuốc uống không đáp ứng thì có thể dùng phương pháp cấy tóc. Với điều kiện, người bệnh còn chân tóc. "Nghĩa là chúng ta sẽ lấy vùng tóc con cấy lên vùng rụng tóc. Phương pháp này điều trị hiệu quả đối với các nguyên nhân rụng tóc do nội tiết tố (hói đầu giai đoạn sớm hoặc rụng tóc do nguyên nhân viêm nhiễm đã điều trị thoái lui viêm nhiễm)" - bác sĩ Hiền cho hay.

Để phòng ngừa rụng tóc, bảo đảm mái tóc chắc khỏe, bác sĩ Hiền lưu ý, cần phải điều chỉnh lối sống như: ăn uống đầy đủ dưỡng chất bằng cách bổ sung những thực phẩm như sữa, hải sản, thịt bò, các loại ngũ cốc.

Bên cạnh đó, hạn chế thức khuya, stress, căng thẳng; sử dụng các sản phẩm dầu gội, gel xịt tóc bảo đảm ít hương liệu, chất bảo quản... Mặt khác, nếu mắc các bệnh lý về da đầu cần được điều trị để tránh tình trạng rụng tóc.

Bảo vệ mái tóc

Các bác sĩ lưu ý cần phải bảo vệ mái tóc dưới tác động của ánh nắng mặt trời như ra đường đội nón; khi gội đầu sử dụng dầu gội phù hợp, gội đầu nhẹ nhàng tránh cào xước da đầu; hạn chế sử dụng máy uốn, kẹp tóc; sấy tóc ở nhiệt độ thấp...

Tác giả: Hải Yến

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP