Cha con cùng sinh nghề tử nghiệp
Giờ khâm liệm thi thể anh Phượng tại nhà Tang lễ Bệnh viện Đa khoa Huế sáng 21/2 ngập tiếng khóc thương. Chị Phạm Thị Bích Hồng (35 tuổi) lịm người nhìn mặt chồng lần cuối. “Chồng ơi, sao bỏ mẹ con em mà đi. Anh nói đi chuyến tàu này là về giỗ ba, về với mẹ con em mà”, giọng chị Hồng khản đặc, chực ngã quỵ nếu không có chị Phạm Thị Nguyệt (38 tuổi, chị gái anh Phượng) cùng người thân dìu đi từng bước.
Từ lúc nhận tin dữ, 3 chị em của anh Phượng tất tả đón máy bay từ Hà Nội vào hiện trường vụ TNGT. Lúc đó, thi thể anh Phượng vừa được các đơn vị chức năng nỗ lực đưa ra khỏi toa công vụ sau 5 giờ mắc kẹt. Trưởng tàu SE2 Vũ Thanh Minh bàng hoàng kể: “Anh Phượng đang xuống ban, còn tôi đi kiểm tra đèo dốc vừa về đến toa công vụ. Còi tàu liên hồi cảnh báo, mọi việc diễn ra khá nhanh sau tiếng va chạm lớn rồi toa tàu bị hất văng, lật úp. Buồng anh Phượng bị toa số 11 đánh mạnh vào thân tàu nên không thể ứng cứu”.
10 năm theo nghiệp “hỏa xa”, anh Phượng có 6 năm trên cương vị Phó trưởng tàu, gắn bó trực tiếp với các hành trình cùng Trưởng tàu Minh. “Chuyện trên tàu buồn vui nhiều lắm. Trước giờ tai nạn, Phượng lên báo sẽ về quê giỗ cha. Không ngờ đó là lời cuối anh em tâm sự với nhau. Tội Phượng lắm, trẻ, nhiệt huyết, tận tụy với công việc và luôn được anh em thương mến”, anh Minh tâm sự.
Cố đưa linh cữu em lên xe về quê Yên Bái, anh Phạm Hồng Phong (anh trai anh Phượng) không cầm nổi nước mắt. “Phải đi nhanh cho em nó về kịp giỗ ba (ngày 22/2). Năm nào Phượng cũng thu xếp về. Năm nay, em nó đoàn viên với bố nơi chín suối rồi”. Nhà có 4 anh chị em, thì có 3 anh em nối nghiệp đường sắt của ba mẹ. Ông Phạm Văn Phà (bố anh Phượng) từng công tác ở ga Yên Bái, còn mẹ làm ngành thông tin đường sắt.
Chị Nguyệt kể, ngày đầu năm 2008, trong giờ trực ga Yên Bái, bố bị đột quỵ và qua đời. Chẳng ai ngờ, nhà có truyền thống theo nghiệp đường sắt này lại có đến 2 người ruột thịt ra đi khi đang trên hành trình thực hiện nhiệm vụ. Từ ngày cha mất, một mình người mẹ gánh gồng nuôi các con ăn học, trưởng thành. Anh Phượng quyết tâm theo nghiệp cha trên các chuyến tàu Thống Nhất rồi về làm Phó tàu SE.
Vợ anh Phượng làm nhân viên hợp đồng tại Bệnh viện GTVT Yên Bái với mức thu nhập eo hẹp chỉ gần 2 triệu đồng/tháng. Trong khi trụ cột chính trong gia đình như anh Phượng nếu đi đủ chuyến, cộng thưởng các loại cũng chỉ khoảng 6 - 6,5 triệu đồng/tháng nên hai vợ chồng chịu cảnh một chốn hai quê. Những ngày công tác, anh Phượng xuống Hà Nội, chị Hồng ở Yên Bái chăm hai con nhỏ. “Tội lắm, đứa lớn giờ mới 6 tuổi. Còn cháu nhỏ mới tròn 1 tuổi. Hai đứa giờ bám víu vào đâu”, chị Nguyệt nghẹn ngào.
Ông Đào Thắng, Trạm phó Trạm Tiếp viên đường sắt Hà Nội, đơn vị quản lý trực tiếp Phó tàu Phạm Hồng Phượng cho biết, hoàn cảnh gia đình anh Phượng khó khăn. “Trước mắt, Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội và trạm cùng gia đình lo lễ tang cho anh chu đáo. Ngay sau đây, chúng tôi sẽ phát động trong toàn đơn vị chung tay ủng hộ để chia sẻ, hỗ trợ gia đình anh vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”, ông Thắng nói.
Sáng 21/2, trực tiếp đến viếng linh cữu Phó tàu SE2 Phạm Hồng Phượng, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia chia sẻ nỗi đau thương, mất mát quá lớn với gia đình nạn nhân, hỗ trợ trước mắt cho gia đình. Mong gia đình sớm vượt qua nỗi đau, tiếp tục cuộc sống, chăm lo cho các con cháu. Ông Khuất Việt Hùng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng ngành Đường sắt chăm lo đời sống, chính sách tốt nhất cho gia đình anh Phượng, hỗ trợ gia đình vượt qua nỗi đau thương này.
Tác giả bài viết: Xuân Huy - Thanh Thúy / Báo Giao thông