Trường Gateway nơi xảy ra vụ việc bỏ quên học sinh trên xe. |
Cho con tháo chạy khỏi trường quốc tế
Anh Lê Anh Tiến – Long Biên, Hà Nội kể con gái anh sau hai năm học trường quốc tế với mức học phí 250 triệu/năm, anh đã phải cho con về một trường khác học với mức học phí thấp hơn nhiều và con anh không còn chịu những khác lạ của trường quốc tế.
Anh Tiến từng nghĩ gửi con vào trường quốc tế vì muốn con được rèn luyện tính độc lập, tư duy của người nước ngoài và nói tiếng Anh như gió. Tuy nhiên, khi vào một trường quốc tế nổi tiếng ở Hà Nội với mức học phí hơn 20 triệu đồng/tháng. Sau hai năm học anh thấy con không tiến bộ như anh mong muốn.Vợ chồng anh Tiến đã cân nhắc suy nghĩ xem con mình được gì, mất gì khi học trường quốc tế?
Không riêng gì anh Tiến, bên cạnh những cái được ai cũng thấy như con em được nâng cao về khả năng sử dụng tiếng Anh, được rèn luyện tính năng động, tự chủ, được hưởng những dịch vụ tốt, được học chương trình nhẹ nhàng…, nhiều phụ huynh bắt đầu lo khi phát hiện ra những lỗ hổng trong mô hình giáo dục này.
Khi con anh Tiến thi vào trường khác ở Hà Nội, cháu đi học với các bạn một năm, anh thấy con khác hẳn với trường quốc tế trong khi đó tiếng Anh của bé vẫn rất tốt. Ban đầu, cô giáo có than thở bé sai chính tả, ngữ pháp nhiều nhưng dần bé vẫn quen.
Chị Đào Thúy Hằng – Mỹ Đình, Hà Nội kể con gái chị rất cá tính, không muốn con mất đi nét cá tính này nên vợ chồng chị cố gắng tìm mọi cách để cho bé vào một trường quốc tế học. Sau 2 năm học kết thúc, vợ chồng chị đã xin con vào trường công điểm khác học.
Học ở trường quốc tế, chi phí lớn là rào cản thứ nhất tuy nhiên những ai chấp nhận cho con học trường quốc tế họ đều hiểu điều này. Nhưng cái họ nhận được đôi khi chỉ là sự mạnh bạo của đứa trẻ. Con chị Hằng học xong lớp 2 nhưng toán của bé rất kém. Tiếng việt còn kém hơn. So với một đứa trẻ học trường công hàng xóm, chị thấy con mình hơi “ngỗ ngược” khi bé cho rằng cái tôi của mình cần phải được bảo vệ. Chị lấy thử bài tiếng Việt như bạn hàng xóm học trường công cho con làm và bé không làm bảo vì không biết làm.
Sợ con “quốc tế” quá mà quên mất văn hóa Việt Nam, vợ chồng chị Hằng lại bàn nhau cho con về trường công lập. Ban đầu, xin vào học cũng khó và từ hai năm trường quốc tế bé vào trường công chị Hằng phải kèm con lại từ đầu.Từ trường quốc tế sang trường công học, bé cũng giận hờn bố mẹ mất cả học kỳ. Tuy nhiên, đến giờ bé đã lấy lại phong độ. Chị Hằng yên tâm hơn.
"Công thức thành công" là mác quốc tế
Thạc sĩ Huỳnh Bảo Tuân - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu & đào tạo về Quản trị doanh nghiệp, Đại học Bách Khoa TP. HCM cho biết, hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu những đứa trẻ, con gia đình có điều kiện cần một nơi có cơ sở vật chất tốt, chuyên nghiệp, hàng loạt những trường cấp học mầm non, tiểu học tư thục ra đời, hướng đối các phụ huynh sẳn sàng chi trả.
Điều đó rất bình thường, nhưng vấn đề là ở xã hội người Việt có một "công thức thành công": cái gì có gắn hai chữ quốc tế, nhìn bên ngoài thấy sang sang, đồng phục, hệ thống nhận diện, logo, slogan, truyền thông PR nổ đom đóm...là nơi đó "chất lượng đẳng cấp quốc tế". Và đương nhiên là phụ huynh phải móc cái túi ra cho tương xứng.
Tuy nhiên, Thạc sĩ Tuân cho rằng xã hội này cần sự chuyên nghiệp, không có cần gắn cái mác, xây dựng vài cái gì đó bên ngoài cho oai, truyền thông PR cho hay rồi hốt tiền. Hãy chấm dứt sự dối trá đi và bắt đầu là từ giáo dục.
Muốn có sự chuyên nghiệp, gian khổ lắm, phải chịu khó, phải tận tâm, phải thông minh, phải sáng tạo.
Trường học, trước hết là an toàn, đó là điều kiện cực kỳ quan trọng, nhưng hiện nay hiểm nguy đến với trường học quá lớn, và nếu không có sự chuyên nghiệp thì thảm họa sẽ tới. Đó là:
Cháy nổ: Đã có trường tiểu học nhiều tầng với gần 2000 học sinh chạy cuống cuồng hoảng loạn, phụ huynh đang làm việc bấn loạn khi nghe tin trường cháy...nguyên nhân là do thiết bị điện quá tải cháy, chuyện này hoàn toàn ngăn chặn được, nó chả phải là tai họa thiên nhiên gì.
An toàn thực phẩm: Việc này thì khỏi phải bàn, chưa nơi nào mà mức độ tàn ác của con người với con người thông qua thực phẩm bẩn như cái xứ đông lào này. Tất cả là do một bộ phận ăn xong rồi hại, chứ chả có phụng sự gì ráo, nhưng suốt ngày hô khẩu hiệu nhức lỗ tai.
Bắt cóc, tai nạn, đánh nhau: Các nhà trường gắn mắc quốc tế vì muốn thể hiện mình giống nước ngoài nên bày nhiều trò dã ngoại, ngoại khóa, nghe qua thì rất hay nhưng nhìn vào đi rồi thấy sự chuyên nghiệp như thế nào. Tổ chức lỏng lẻo, nội dung nghèo nàn, dẫn đi nơi nào đó ngó ngó rồi về. Với tình hình an ninh xã hội, giao thông mà "trẻ con không bao giờ dám bước ra đường khi không có người lớn" thì mối họa rình rập khắp nơi, sơ sẩy là thiệt mạng.
Thạc sĩ Tuân nhấn mạnh, cần làm việc chuyên nghiệp thay vì "mất bò mới lo làm chuồng", họp để bàn, hô hào tìm giải pháp.
Tác giả: K.Chi
Nguồn tin: Báo Infonet