Như tin đã đưa, ngày 22/12, Công an TP. Hồ Chí Minh đã công bố kết quả điều tra, cơ quan điều tra xác định, không có dấu hiệu phạm tội trong nội dung tố giác nghệ sĩ Hoài Linh về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Do đó, Công an TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Quyết định trên cũng được Viện KSND cùng cấp thông qua.
Liên quan đến tình huống pháp lý, vậy trong trường hợp này, người tố giác có quyền khiếu nại quyết định trên hay không?
TS. luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn luật sư TP. Hà Nội) phân tích, dưới góc độ pháp lý, theo quy định tại Điều 145, 146, 147 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Nghệ sĩ Hoài Linh vướng phải lùm xùm liên quan đến số tiền gần 14 tỷ đồng làm từ thiện miền Trung |
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trong vụ việc này, sau quá trình xác minh tin báo, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì xác định không có sự việc phạm tội. Quyết định này cũng đã được gửi đến người trình báo, tố giác.
Tuy nhiên trong trường hợp những người này không đồng ý với Quyết định giải quyết của Cơ quan điều tra thì vẫn có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 158 Bộ luật này.
Cụ thể, người tố cáo có thể khiếu nại quyết định không khởi tố này đến thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát cùng cấp theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình xem xét giải quyết khiếu nại, người tố cáo có quyền cung cấp các thông tin tài liệu chứng cứ mà mình có được để chứng minh hành vi cấu thành tội phạm.
Bộ luật tố tụng hình sự và thông tư liên tịch năm 2017 quy định, người tố cáo, tố giác tội phạm được khiếu nại 2 lần nếu như kết quả giải quyết tin báo là không khởi tố vụ án hình sự.
Trong quá trình giải quyết khiếu nại về việc không khởi tố vụ án hình sự mà có căn cứ cho thấy, quyết định không khởi tố vụ án hình sự là thiếu căn cứ, vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có thể hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Qua đó, yêu cầu cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.
Khi nào sẽ phạm tội vu khống?
Về tình huống đưa ra là, hành vi tố giác của các cá nhân này có phải hành vi vu khống không thì theo quy định Bộ luật hình sự năm 2015 thì hành vi vu khống được xác định là hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Luật sư Đặng Văn Cường |
Hành vi vu khống chỉ thỏa mãn dấu hiệu hình sự khi người vi phạm biết rõ thông tin là sai sự thật nhưng vẫn thêu dệt, bịa đặt, loan truyền thông tin đó hoặc bịa đặt để tố giác người khác trước cơ quan chức năng.
Do đó, cần làm rõ nội dung tố cáo là gì, nếu nội dung đó hoàn toàn sai sự thật và họ biết rõ điều đó thì mới thỏa mãn tội Vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự. Còn nếu có sự việc xảy ra nhưng hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì không thể xác định hành vi tố giác của họ là hành vi vu khống.
Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội vu khống như sau: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. |
Tác giả: Đặng Thuỷ
Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị