Giáo dục

"Người dân cần giáo dục chất lượng chứ không phải tốn kém thi cử"

Bộ GD-ĐT vừa quyết định rút lại đề án đổi mới thi THPT quốc gia giai đoạn 2018-2020 với kinh phí gần 750 tỉ đồng với lý do một số nội dung tài chính trùng lắp, thiếu khả thi,v,v.. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là tinh thần "đổi mới căn bản, toàn diện, ổn định" thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Nhiều năm qua vẫn loay hoay, dò dẫm

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, ý tưởng về một kỳ thi duy nhất, thay cho 2 kỳ thi độc lập nhưng tương tự nhau là kỳ thi tốt nghiệp THPT (THPT) và kỳ thi tuyển sinh đại học đã có từ năm 2007, nhưng phải đến năm 2015 mới thành hiện thực. Liên tiếp trong 3 năm, từ năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia thay đổi từ khâu tổ chức thi, đề thi cho đến xét tuyển.

"Điều quan trọng là dường như Bộ GD-ĐT vẫn đang dò dẫm tìm hướng đổi mới, vì chưa ai thấy được một lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện và ổn định cho tầm nhìn 5 năm. Có lẽ, năm 2018 này là năm đầu tiên ít có sự thay đổi nhất trong các khâu thi và xét tuyển, ngoại trừ việc đề thi có thêm một phần chương trình lớp 11 đã được công bố từ năm trước" - ông Nghĩa cho biết.

Theo ông Nghĩa, về mặt kỹ thuật, việc tổ chức thi trên máy tính cần thận trọng, tính đến điều kiện hạ tầng mạng ở Việt Nam. Bởi năm 2015 khi Bộ GD- ĐT "độc quyền" công bố kết quả thi THPT quốc gia, mạng đã bị nghẽn liên tục đến mức sau đó phải giải cứu bằng cách chia sẻ thêm cổng truy cập xem kết quả ra nhiều nơi. Do vậy, nếu việc tổ chức thi THPT quốc gia trực tuyến trên máy tính với gần 1 triệu thí sinh trong cùng một thời điểm, dẫu rằng đề thi của từng thí sinh khác nhau, nhưng việc gián đoạn, trục trặc mạng toàn bộ và cục bộ sẽ ảnh hưởng lớn.

Cùng quan điểm, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng cho rằng, nhiều năm qua việc đánh giá, thi cử vẫn đang loay hoay, vì vậy có một đề án đổi mới thi cử đàng hoàng là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải tính toán kỹ lưỡng vì nếu đề án tổ chức thi trên máy và tổ chức các điểm thi không tập trung mới làm giảm hao phí cho xã hội.

"Với một đề án tốn cả đống tiền nhưng đóng góp thế nào cho phát triển giáo dục thì chưa thể biết được. Đã đến lúc Bộ chỉ nên làm công tác đề thi chứ không nên làm các điểm thi. Nếu làm điểm thi chỉ để tổ chức vài kỳ thi trong năm thì thật tốn kém, trong khi các trường đại học, sở giáo dục hiện nay đều có các trung tâm máy tính"- ông Sơn đề xuất.

Theo Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng Ban đào tạo ĐHQG Hà Nội về mặt lý thuyết, đổi mới kì thi THPT quốc gia là một chủ trương đúng đắn so với khoa học kiểm định giáo dục hiện đại, bởi cách thức thi này sẽ hạn chế được toàn bộ những bất cập hiện nay về mặt kỹ thuật như giờ giấc, phát đề, thu đề..., đồng thời ngăn chặn được tối đa tình trạng tiêu cực. Mặt khác trên thế giới, vấn đề thi trắc nghiệm triển khai trên máy tính đã được triển khai, còn thi trên giấy là cách thức của những năm 90 trở về trước.

Tuy nhiên, ông Thảo cũng cho rằng nếu triển khai ngay, sẽ một số băn khoăn như lộ trình có thực hiện được vào năm 2020 không, cơ sở vật chất có đáp ứng được không, trình độ tin học của đội ngũ cán bộ phục vụ được hay không.

"Theo kinh nghiệm tổ chức thi đánh giá năng lực trên máy tính của ĐHQG Hà Nội vào năm 2015, 2016, phần cơ sở vật chất rất là nặng, đội ngũ phục vụ phải chuyên nghiệp, trình độ cán bộ phải đồng đều. Những yếu tố đó ở các tỉnh như Yên Bái, Lào Cai sẽ khác nhiều so với Hà Nội, Hải Phòng. Mặt khác sự chênh lệch không chỉ ở phòng máy tính, mà cả ở hệ thống mạng, đội ngũ kỹ thuật phục vụ nữa" - ông Thảo nói.

Thay đổi thi cử tương thích thế nào với chương trình phổ thông mới?

Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, điều mà toàn xã hội quan tâm hiện nay là lộ trình đổi mới thi cử sắp tới sẽ thay đổi (nếu có) như thế nào? Những thay đổi này tương ứng như thế nào với chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể với môn tích hợp thì có đề thi tích hợp không? Việc xét tuyển có giao hẳn cho các trường đại học, cao đẳng theo tinh thần tự chủ tuyển sinh hay vẫn phải tuân theo các quy định rất chặt chẽ của Bộ GD- ĐT?

"Vỡ trận" xét tuyển đại học ĐH Kinh tế quốc dân

"Toàn xã hội, các trường đại học, cao đẳng, các trường trung học phổ thông, thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh rất mong muốn có một lộ trình đổi mới thi và tuyển sinh để đi đến ổn định, tránh gây ấn tượng những đề án trăm tỉ nghìn tỉ mà hiệu quả không thấy đâu, lại đẻ ra thêm nhiều đề án mới"- ông Nghĩa nhấn mạnh.

Còn ông Phạm Thái Sơn cho rằng, cần có lộ trình cho công tác thi cử và đánh giá học sinh, giáo viên bởi điều người dân cần là chất lượng giáo dục chứ không phải là sự tốn kém.

"Nhiều phụ huynh nói rằng, họ không an tâm nên mới tốn kém cho con em đi nước ngoài. Vì vậy cái cần thiết là phải lấy chất lượng đánh giá để làm thay đổi phương pháp giảng dạy và chương trình giảng dạy" - ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Lê Viết Khuyến, nguyên phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có một kiến nghị với Bộ GD-ĐT khá đầy đủ về công tác thi cử, nhưng việc tiếp thu không thật rõ ràng.

"Tôi không hiểu sao, trước đây Bộ GD-ĐT có giải thích là phải làm từ từ. Nếu làm từ từ cũng phải có lộ trình rõ ràng và phải mang tính chất kế thừa, chứ không phải là mỗi lần làm lại xóa sạch hết. Nếu đổi mới mà không kế thừa dẫn tới việc sử dụng ngân sách Nhà nước lãng phí và chưa hiệu quả. Thậm chí, có những việc mà các thế hệ trước đã làm được, sau đó bị bỏ, nhưng vài năm sau lại đặt câu hỏi sao lại bỏ nó đi"- ông Khuyến nêu vấn đề.

Theo ông Khuyến, Điều 34 Bộ Luật Giáo dục đã quy định rõ việc tuyển sinh là của các trường. Như vậy các trường có quyền tự chủ tuyển sinh vì vậy các trường lớn phải mạnh dạn thực thi quyền của mình để lựa chọn thí sinh phù hợp, chứ không chỉ dựa vào 1 kỳ thi quốc gia.

Ông Nguyễn Tiến Thảo cũng cho rằng với lộ trình chung, Bộ đã giao các trường đại học tự chủ, các trường hoàn toàn được tự quyết trong việc xác định phương thức xét tuyển của mình. Vì vậy về lâu dài các trường sẽ phải hướng đến đào tạo cá thể hóa, khi tiệm cận với thế giới sẽ có những cách xét tuyển khác nhau.

"Với quan điểm của một người tuyển sinh hay xét tuyển bậc đại học, chúng tôi cũng chỉ muốn nhận những học sinh giỏi, có chất lượng, đúng năng lực, chứ không phải chỉ dựa vào điểm thi hay học bạ của em. Việc duy trì riêng một mô hình thi không phải là mục tiêu của giáo dục hiện đại"- ông Thảo mong muốn.

Tác giả: Lê Huyền - Nguyễn Thảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: thi cử ,giáo dục

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP