Giáo dục

Nghỉ học 4 kỳ/năm: "Không mang tính khả thi, không thể “phủ sóng” toàn ngành"

Những ngày qua, đề nghị đề xuất xây dựng 4 kỳ nghỉ/năm cho học sinh của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội vẫn là đề tài tranh luận của nhiều phụ huynh, giáo viên và các chuyên gia.

Không mang tính khả thi

Tại cuộc họp ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, của TP.Hà Nội ngày 14/2, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã đề nghị sở GD&ĐT đề xuất bộ GD&ĐT xây dựng kế hoạch và tổ chức 4 kỳ nghỉ trong một năm như nhiều quốc gia khác.

Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, nếu có 4 kỳ nghỉ thì tổng thời gian các kỳ nghỉ vẫn là 3 tháng, trong đó, kỳ nghỉ hè chỉ kéo dài 35 ngày, nghỉ Tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ nghỉ còn lại mỗi kỳ kéo dài 2 tuần.

Không đồng thuận với đề xuất trên, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) bày tỏ: “Với chủ trương đó, sẽ “cướp đi” kỳ nghỉ hè của học trò. Hiện tại, chương trình học không còn giống ngày trước, căng thẳng hơn rất nhiều. Học sinh vốn trông chờ vào kỳ nghỉ hè để được thư giãn, “xả hơi” sau một năm học căng thẳng.

Theo quan điểm của tôi, kiến thức là nền tảng nhưng không quyết định hoàn toàn sự thành đạt trong cuộc sống. Chính vì vậy, học sinh cũng cần có kỳ nghỉ hè để có thêm những trải nghiệm. Nếu vô tình “cướp đi” kỳ nghỉ hè thì học sinh sẽ gặp rất nhiều áp lực...”.

Đề nghị đề xuất cho học sinh được nghỉ 4 kỳ nghỉ mỗi năm đang được dư luận quan tâm.

“Đối với đề xuất một năm có 4 kỳ nghỉ, đứng trên cả hai vị thế vừa là một người thầy, vừa là một phụ huynh, tôi không ủng hộ phương án này.

Theo tôi, vẫn nên duy trì hai kỳ nghỉ truyền thống là nghỉ Tết và nghỉ hè. Ngày Tết là dịp để các em hướng về gia đình, hướng về quê hương, hướng về cội nguồn, là dịp để đoàn viên, sum vầy bên người thân. Còn hè là dịp cho học sinh “xả hơi” sau một năm học tập, thi cử. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng cần được nghỉ ngơi, mà thực ra đó là thời gian để các thầy cô tập huấn chuyên môn, nhuần nhuyễn các kỹ năng.

Đặc biệt, mùa hè của các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ rất nóng, học sinh không thể tập trung học tập được”, thầy Hiếu phân tích.

Cuối cùng, thầy Trần Trung Hiếu nhấn mạnh: “Tổng thời lượng nghỉ trong một năm học là cố định, nếu bây giờ xé lẻ ra 4 kỳ nghỉ, tức là sẽ bị hụt thời gian kỳ nghỉ Tết và kỳ nghỉ hè. Theo tôi, nếu đây là đề xuất từ phía Hà Nội thì chỉ có thể thực hiện ở Hà Nội. Hà Nội là Thủ đô, nhưng không thể đại diện tiếng nói cho cả nước. Đề xuất này không có tính khả thi!”.

Thầy Trần Trung Hiếu đánh giá 4 kỳ nghỉ/năm là đề xuất không mang tính khả thi.

Không thể “phủ sóng” toàn bộ các cấp

Mặc dù đồng tình với đề xuất xây dựng kế hoạch và tổ chức 4 kỳ nghỉ trong một năm của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho rằng vẫn còn nhiều điểm phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng.

TS. Vũ Thu Hương khẳng định: “Tôi ủng hộ đề xuất này, bởi vì, thứ nhất, có thể xử lý được vấn nạn học thêm. Khi học sinh nghỉ dài, phụ huynh sẽ “sốt ruột” nên tìm các lớp học thêm. Đồng thời, giáo viên có thể nhân việc chia nhiều kỳ nghỉ, giao kèm các hoạt động trải nghiệm như một bài tập để học sinh thực hiện.

Đối với việc chia nhỏ nhiều kỳ nghỉ, sẽ tạo hứng thú học tập hơn cho học sinh, tâm lý “chỉ cần học 2-3 tháng là lại có một kỳ nghỉ”, rút ngắn thời gian, sẽ tạo động lực cho học sinh hơn...”.

“Tuy nhiên, để thực hiện được như vậy, bộ GD&ĐT sẽ phải cân nhắc, tính toán thật kỹ. Theo tôi, nếu chia 4 kỳ nghỉ trong năm, đối với trẻ mầm non thì hoàn toàn không thể áp dụng được, mà trẻ vẫn phải đi học đều đặn, vì bố mẹ không thể trông được.

Theo TS. Vũ Thu Hương, đề xuất này không thể áp dụng với lứa tuổi mầm non.

Bên cạnh đó, đối với các khối lớp học sinh cuối cấp, Bộ phải tính toán, sắp xếp lại kế hoạch thi cử cho phù hợp, bởi, sau thời gian thi, còn có thời gian để giáo viên chấm thi và các trường tổ chức tuyển sinh...

Chính vì vậy, ngành giáo dục phải tính toán lại nội dung, chương trình; phải phân bổ lại chương trình; nghiên cứu cụ thể từng khối lớp để viết lại chương trình, thay đổi để có thể tiếp nối các nội dung kiến thức. Học sinh đi học cần có sự tiếp nối kiến thức liền mạch. Nếu giữa các kỳ nghỉ mà kiến thức đang bỏ dở thì không thể thực hiện được”, bà phân tích.

Tác giả: Cẩm Mịch

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP