Trong tỉnh

Nghệ An: Sao nỡ “hắt hủi” người tài?

Hàng chục năm nay với rất nhiều chính sách để thu hút nhưng người tài về Nghệ An lại rất “nhỏ giọt”. Điều đáng nói là khi đã “hút” được về thì người tài lại đang bị… “hắt hủi”?

Nghệ An là một tỉnh đất rộng, người đông. Người Nghệ là thủ khoa đại học, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ... nhiều như “khoai”. Nhưng phần lớn nhân tài người Nghệ lại không chọn quê hương làm "bến đỗ", không trở về phục vụ cho sự phát triển của quê hương mà chọn những nơi khác để thể hiện tài năng. Tại sao vậy?

Thực tế để giải quyết câu hỏi này hàng chục năm trước, trải qua rất nhiều đời Chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã hơn một lần ban hành nhiều chính sách, chế độ với mục tiêu thu hút tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài tỉnh.

Theo đó người tài khi về Nghệ An công tác sẽ được hưởng một số kinh phí như: Giáo sư là 40 triệu đồng; Phó giáo sư, Tiến sĩ 30 triệu đồng; Thạc sĩ 20 triệu đồng; sinh viên tốt nghiệp loại giỏi 15 triệu đồng. Đặc biệt, các đối tượng trên nếu về nhận công tác tại các huyện miền núi cao được UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ thêm 8 triệu đồng/người, công tác tại các huyện miền núi thấp được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/người…

Ngoài những hỗ trợ trọn gói ban đầu, người tài khi chọn về Nghệ An lập nghiệp còn được hưởng những chính sách thu hút cực kỳ hấp dẫn của các địa phương nơi họ đến công tác…

Có thể nói trong điều kiện kinh tế, xã hội chưa phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, khí hậu khắc nghiệt... thì việc ban hành các chính sách trên thực sự là sự nỗ lực của Nghệ An và hứa hẹn một sự hấp dẫn, mở rộng phạm vi thu hút đối với tất cả mọi người có tài năng “cập bến” về tỉnh này.

“Tham vọng” là thế nhưng hơn 1 thập kỷ qua số người tài đến với Nghệ An vẫn rất “khiêm tốn” hay nói cách khác là chưa tương xứng với tiềm năng con người xứ Nghệ. Vì sao ư? Chính sách thu hút nhân tài của Nghệ An có thể nói là được dư luận đồng tình rất cao, nhưng thực tế đối với người tài thì tiền không phải là tất cả. Mà điều quan trọng là cái cách Nghệ An đối xử với người tài như thế nào?

Ông Thanh cho rằng đơn vị mình đang rà soát lại số lượng người thuộc diện thu hút nhân tài của tỉnh Nghệ An hàng chục năm qua chưa được biên chế.

Thu hút được đã khó và hiếm nhưng “hút” được người tài về thì phải có thái độ trọng dụng họ như thế nào mới là điều quan trọng. Tại cuộc họp gần đây, ông Đậu Văn Thanh, Giám đốc sở Nội vụ tỉnh Nghệ An tiết lộ một thông tin mà khi nghe người ta không hề bất ngờ rằng tại sao người tài (mà là người tài gốc Nghệ An) lại “xa lánh” Nghệ An đến vậy. Theo đó, ông Thanh cho rằng đơn vị mình đang rà soát lại số lượng người thuộc diện thu hút nhân tài của tỉnh Nghệ An hàng chục năm qua chưa được biên chế. Nghĩa là người tài được Nghệ An thu hút về nhưng họ bị cho “ra rìa”, chỉ là nhân viên hợp đồng. Không nói thì quyền lợi của một nhân viên hợp đồng sẽ khác “một trời một vực” với nhân viên đã vào biên chế. Ít ra khi quy hoạch chức vụ lãnh đạo thì anh nhân viên hợp đồng cũng sẽ “bất” lợi rất nhiều, thậm chí là đừng “mơ” lên làm lãnh đạo.

Đơn cử như tại sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An từ nhiều năm nay đã thu hút hơn 70 cử nhân giỏi, song 2 năm qua mới chỉ có 20 người được vào biên chế. Đồng nghĩa với việc hơn 50 người tài mà Nghệ An thu hút về cho sở này đang bị “hắt hủi”?

Phân tích về nghịch lý trên, một cán bộ sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho rằng, bản chất của câu chuyện không phải là Nghệ An thu hút được bao nhiêu người tài và bao nhiêu người tài chưa vào biên chế. Vấn đề đặt ra là rất nhiều năm Nghệ An thu hút người tài về, hàng năm vẫn có những chỉ tiêu biên chế, vậy lí do gì không đưa họ vào mà lại tuyển dụng lấy người khác? Phải chăng “suất” biên chế của người tài ở Nghệ An đã và đang bị thay thế bởi những người có tài… “chạy chọt”?

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả!

Tác giả: Đặng Trọng Đức

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: người tài ,biên chế

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP