Khu xử lý rác tên "rất kêu" nhưng xử lý kiểu lạc hậu từ những năm 1970-1980
Trong Chương trình Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Khóa XVIII vào ngày 5/7, thảo luận tại tổ số 2, theo ông Nguyễn Công Văn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nghi Lộc, Nghệ An, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh - trong quá trình tiếp xúc cử tri, ông nhận được nhiều ý kiến phản ánh về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (huyện Nghi Lộc).
Khu xử lý rác này đang quá tải, gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xung quanh khu vực. Nước thải từ khu xử lý rác đang "bức tử" kênh nhà Lê chảy qua địa bàn huyện.
"Cử tri rất bức xúc, kiến nghị nhiều lần mà chưa được xử lý. Khu liên hợp xử lý chất thải, nghe tên thì rất oách, rất kêu nhưng lại xử lý kiểu chôn lấp theo công nghệ những năm 1970-1980 của thế kỷ trước", ông Nguyễn Công Văn nói.
Ông Phạm Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An, cho biết Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên vận hành theo hình thức chôn lấp. Tại đây có 8 ô thì hiện 4 ô đã đầy rác, 2 ô chứa đang tiếp tục được chôn lấp.
"Xử lý nước thải rỉ từ các ô chứa ra ngoài môi trường rất khó và nan giải", ông Toàn nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An, để giải quyết được vấn đề này cần có giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Vinh và Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam Nghệ An yêu cầu Công ty CP môi trường và công trình đô thị Nghệ An chấp hành nghiêm đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Ông Toàn cũng cho rằng, việc phân loại rác đầu nguồn đã được thực hiện nhưng chưa triệt để. Tình trạng phân loại rác xong "để nhèo một đống" đang diễn ra do chưa có nhà máy xử lý rác thải sau phân loại.
Về lâu dài, ông Toàn cho biết UBND tỉnh đang chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam thu hút dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công nghệ phù hợp để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây.
Một góc bãi rác thải Nghi Yên, Nghi Lộc (Nghệ An). |
Còn nhiều tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường
Cũng tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Phó trưởng Đoàn giám sát của HĐND tỉnh nêu 8 tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh báo cáo về hoạt động giám sát chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật bảo môi trường của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An” được HĐND tỉnh triển khai từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2023. Thông qua giám sát trực tiếp tại một số địa phương, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và một số sở, ngành cấp tỉnh liên quan cùng UBND tỉnh, đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã có báo cáo kết quả giám sát tại kỳ họp.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân quan tâm, ông Cao Tiến Trung nhấn mạnh.
Theo đó, công tác bảo vệ môi trường ngày càng hiệu quả và chất lượng trên địa bàn tỉnh ngày càng cải thiện. Minh chứng, theo chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường: Năm 2020 tỉnh Nghệ An đạt mức trung bình; năm 2021 tỉnh xếp thứ 10 trên cả nước và được Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Bằng khen; năm 2022, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm định.
Bên cạnh chuyển biến tích cực, Phó trưởng Đoàn giám sát của HĐND tỉnh cũng nêu 8 tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh:
Chậm xây dựng, ban hành một số văn bản để triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật về môi trường ở một số nơi chưa thường xuyên, chưa liên tục, hiệu quả chấp hành quy định về bảo vệ môi trường chưa cao.
Quang cảnh Kỳ họp lần thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An. |
Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn một số bất cập. Như bãi rác chưa đảm bảo khoảng cách; công nghệ chôn lấp lạc hậu; nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường; thu gom, xử lý rác thải tại vùng nông thôn, miền núi chưa có giải pháp hữu hiệu; việc thu hút các dự án nhà máy, công nghệ xử lý chất thải rắn trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại địa phương; một số dự án vận hành không hiệu quả hoặc không đủ kinh phí để hoạt động; thu gom chất thải tại nhiều điểm du lịch, các cơ sở dịch vụ lưu trú còn gây ô nhiễm môi trường cục bộ.
Hiện còn 17 đô thị loại V ở các huyện, 5/6 khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung ngoài Khu kinh tế Đông Nam, 12/24 cụm công nghiệp, 182 làng nghề đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Công tác nạo, vét lòng hồ, kênh, mương cũng như quản lý chất thải, nước thải chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng ô nhiễm tại một số ao, hồ, kênh, sông vẫn còn.
Việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, vận hành hạ tầng kỹ thuật về môi trường còn thiếu đồng bộ nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số nơi vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Công tác kiểm soát, thu gom, xử lý các điểm ô nhiễm môi trường do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật đạt tỷ lệ chưa cao; việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn chậm.
Công tác thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời.
Đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất
Để khắc phục 8 tồn tại, hạn chế; đồng thời nâng cao hiệu quả chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Phó trưởng Đoàn giám sát Cao Tiến Trung cũng nêu 7 kiến nghị của HĐND tỉnh đối với UBND tỉnh nhằm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục, nâng cao nhận thức, gắn với vận động các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng.
UBND tỉnh cần sớm xây dựng, ban hành các quyết định quy định chi tiết, hướng dẫn các nội dung thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh được giao trong Luật Bảo vệ môi trường để thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường.
Tổ chức tốt việc kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý các nguồn thải, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Trong đó, quan tâm xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; có phương án xử lý rác thải xây dựng; hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại đô thị, khu dân cư, cụm dân cư nông thôn, các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề, cụm công nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận; có kế hoạch, phương án thay thế Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nghi Yên sau khi nơi này hoạt động hết công suất. Tập trung xử lý dứt điểm các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tồn đọng kéo dài như tại bãi rác Đông Vinh, Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 1) và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường khác…
Tổ chức tốt việc theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường, thực hiện chương trình quan trắc môi trường định kỳ; đôn đốc, yêu cầu các đơn vị lắp đặt, hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động và truyền dẫn dữ liệu quan trắc theo đúng quy định của pháp luật về môi trường; cập nhật hệ thống, hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ cho việc vận hành, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu về môi trường.
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường; ưu tiên bố trí tăng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm cho các cấp, các đơn vị; khuyến khích, huy động, tổ chức thực hiện xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường theo quy định; thành lập các đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường để kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm và chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình hoạt động,...
Tác giả: PV
Nguồn tin: moitruong.net.vn