Ảnh minh hoạ |
Tâm lý học là ngành khoa học nghiên cứu hành vi, tinh thần và tư tưởng của con người cụ thể đó là cảm xúc, ý chí và hành động của mỗi người. Ngoài ra, tâm lý học cũng quan tâm đến sự ảnh hưởng của hoạt động thể chất, trạng thái tâm lý, các yếu tố bên ngoài hành vi và tinh thần của con người.
Sự phát triển của xã hội kéo theo nhiều áp lực, âm thầm tác động đến cảm xúc, hành vi của con người. Nhiều vụ tự tử ở thanh thiếu niên những năm gần đây đều dẫn về một nhận định chung: “nạn nhân có dấu hiệu trầm cảm”. Những dấu hiệu như lo âu, căng thẳng, tâm trạng bất ổn hay luôn mệt mỏi về tinh thần là những dấu hiệu cần sự trợ giúp.
Khi nhắc đến những vấn đề về tâm lý của con người, một bộ phận lớn người Việt sẽ có xu hướng đánh đồng chúng với “bệnh”. Từ lối suy nghĩ này, cơ hội nghề nghiệp của ngành tâm lý học trở thành một mối lo ngại. Ít ai dám theo đuổi ngành này vì vẫn còn nghĩ hướng đi duy nhất cho những ai theo học là trở thành một “bác sĩ tâm lý”.
Trái với những suy nghĩ ngày trước, đây là ngành học gắn liền với sự phát triển của xã hội Việt Nam dù người học có muốn đi theo hướng lâm sàng, tham vấn hay ứng dụng vào những ngành nghề khác nhau trong cuộc sống.
Ngày nay, sự phát triển của văn hóa - xã hội và công nghệ cho phép chúng ta tiếp cận những thông tin đúng mực hơn về ngành tâm lý học. Người Việt dần dà phân biệt được các công việc khác nhau như bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, chuyên gia tham vấn - trị liệu… Điều này không chỉ kích thích sự phát triển của ngành mà còn gây sức hút với người trẻ hơn khi hiểu được tầm quan trọng của tâm lý học trong cuộc sống.
Đi từ nền tảng nghiên cứu và hiểu về suy nghĩ, hành vi, Tâm lý học không chỉ giải quyết vấn đề, mà còn thúc đẩy yếu tố con người ở nhiều lĩnh vực. Cụ thể như Tâm lý học đường, Tâm lý học nghề nghiệp - tổ chức; Tâm lý học marketing; Tâm lý học pháp y; Tâm lý học thể thao; Tâm lý học cố vấn.
Trong vài năm trở lại đây, Tâm lý học đang là một ngành thu hút giới trẻ bởi tính ứng dụng cao trong nhiều lĩnh vực và cơ hội việc làm hấp dẫn hiện nay như: Cố vấn việc làm; Chuyên gia tâm tư vấn tâm lý; Chuyên viên nghiên cứu thị trường; Bác sĩ tâm lý; Giảng viên ngành tâm lý học; làm trong các dự án nghiên cứu, ứng dụng tâm lý của chính phủ hay phi chính phủ; nhân viên phòng nhân sự, marketing, nghiên cứu thị trường,…
Với chuyên ngành này thường yêu cầu các chuyên gia có bằng thạc sĩ trở lên. Hiện mức lương trung bình của chuyên gia tâm lý sẽ dao động từ 58.000 USD – 60.000 USD/năm.
Tác giả: Trang Ly
Nguồn tin: baophapluat.vn