Nghệ An ra văn bản tăng cường hoạt động quản lý đấu giá đất |
UBND tỉnh Nghệ An vừa ra Công văn số 2318 chỉ đạo tăng cường quản lý hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ).
Theo văn bản, thời gian qua, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động đấu giá QSDĐ tại một số UBND cấp huyện chưa lựa chọn hình thức đấu giá gián tiếp hoặc đã lựa chọn nhưng việc tổ chức triển khai chưa quyết liệt, chặt chẽ nên vẫn còn tình trạng thông đồng, dìm giá, tình hình an ninh, trật tự chưa đảm bảo… dẫn đến hiệu quả đấu giá chưa cao.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu giá QSDĐ trong thời gian tới, tại công văn 2318, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở Tư pháp tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những nội dung của Luật đấu giá tài sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Công an Nam Đàn làm việc với đối tượng cò đất. Đối tượng này nhận 100 triệu để dàn xếp kết quả đấu giá đất cho một khách hàng. Ảnh tư liệu công an cung cấp. |
Sở Tư pháp tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước, quan hệ phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động đấu giá QSDĐ để có sự chấn chỉnh kịp thời; phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vụ tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên, người tham gia đấu giá và những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá tài sản.
Chỉ đạo, giám sát các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh; đăng tải thông tin cuộc đấu giá lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của Bộ Tư pháp để cho các cá nhân, tổ chức có thêm thông tin đăng ký tham gia đấu giá…
UBND tỉnh Nghệ An cũng Giao Sở Tài chính tham mưu đấu giá chuyển nhượng QSDĐ, bán đấu giá tài sản trên đất đối với đất thuộc phạm vi sắp xếp lại cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định của Luật quản lý sử dụng tài sản công năm 2017.
Đối với Sở Tài nguyên và môi trường tổ chức thực hiện việc đấu giá QSDĐ khi được UBND tỉnh giao đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách, trình tự thủ tục tạo quỹ đất sạch và quản lý khai thác quỹ đất công để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh…
Một phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Nghệ An |
Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chức năng, Công an cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác nắm tình hình, đảm bảo an ninh, trật tự tại các cuộc đấu giá QSDĐ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá QSDĐ theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã áp dụng hình thức đấu giá gián tiếp để đấu giá QSDĐ ở thuộc thẩm quyền đấu giá của UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh từ thời điểm Công văn này ban hành.
UBND các huyện, thành phố, thị xã yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản dừng việc đấu giá khi có căn cứ cho rằng tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá, người tham gia đấu giá có hành vi vi phạm quy định của Luật đấu giá tài sản. UBND cấp huyện không chỉ đạo dừng việc tổ chức đấu giá mà để xảy ra vi phạm thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Yêu cầu các đơn vị tổ chức đấu giá lắp đặt toàn bộ hệ thống camera an ninh trước khi tổ chức các cuộc đấu giá nhằm công khai, minh bạch trong quá trình đấu giá, đồng thời có căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm các quy định pháp luật.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả thực hiện đấu giá QSDĐ thuộc thẩm quyền quản lý của mình; tổ chức đấu giá QSDĐ, quản lý việc đầu tư xây dựng của các tổ chức, cá nhân sau khi trúng đấu giá QSDĐ theo đúng quy định của pháp luật.
Công văn này cũng hướng dẫn UBND cấp huyện lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; giám sát đấu giá QSDĐ; bảo đảm an ninh, trật tự tại cuộc đấu giá; công khai thông tin đấu giá, thu nhận, lưu trữ hồ sơ tham gia đấu giá.
Trước đó, để ngăn chặn tình trạng nạn “cò đất" hoành hành, Nghệ An đã triển khai nhiều phương án như: Lắp camera giám sát; dừng việc tổ chức đấu giá khi có căn cứ cho cho rằng có các hành vi vi phạm Luật Đấu giá tài sản; Theo dõi, có biện pháp ngăn chặn các băng nhóm bảo kê gây mất trật tự hoặc thông đồng dàn xếp kết quả đấu giá đất.…
Ngoài ra, đấu giá đất bằng bỏ phiếu kín được một số địa phương sử dụng như một phương án hiệu quả nhằm hạn chế “cò đất”. Các khách hàng tham gia đấu giá đất điền thông tin cá nhân, số lô đất, số tiền đấu giá bỏ vào phong bì, kí tên lên mép dán để niêm phong và bỏ vào thùng phiếu. Các thông tin được giữ bí mật và công khai khi mở niêm phong, người đặt số tiền mua cao nhất sẽ thắng.
Tác giả: Hồ Lài
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại