Xã hội

Làn sóng vào Nam mưu sinh: Chính quyền địa phương cũng đau đầu

Tại huyện Quỳnh Lưu, thanh niên vào Nam làm ăn vẫn mang lại lợi ích kinh tế không cao cho. Thanh niên đi xuất khẩu lao động vẫn hiệu quả hơn.

Thanh niên bỏ xứ vào Nam mưu sinh: Những làng quê xơ xác

LTS: Nhiều năm trở lại đây, làn sóng di cư lao động từ các làng quê miền Trung ngày càng lan rộng. Người đi không hẹn ngày về, làng quê nghèo dường như càng nghèo hơn bởi vắng tiếng nam nữ dập dìu. Người ở lại và ra đi đã được gì và mất gì trong vòng xoáy cuộc đời vốn không bao giờ dễ dàng như họ tưởng. Báo Đời sống & Pháp luật mời bạn đọc theo dõi loạt phóng sự: "Làn sóng thanh niên vào Nam lập nghiệp: Được và mất?"

Chục năm về trước, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) là vùng quê nghèo khó, người dân quanh năm “nai lưng” trên những cánh đồng khô hạn, nứt nẻ. Đất chật, người đông, có hộ cả chục người nhưng chỉ được vài ba sào ruộng. Lũ lụt, hạn hán, mất mùa liên miên, có nhà phải lên rừng chặt củi mang bán đong gạo.

Nghĩ về những ngày đó, bà Nguyễn Thị Mai ở xóm 9 rùng mình: “Đói quay quắt, đến cơm độn ngô sắn cũng không có mà ăn. Sau này dân tình kéo nhau đi Nam làm ăn nên giờ đời sống đã khấm khá hơn, nhà tui cũng không còn cơ cực như trước nữa”.

thanh nien vao nam dspl
Sau khi tốt nghiệp, nhiều thanh niên đã bỏ làng quê vào các khu công nghiệp phía Nam.

Ông Hoàng Văn Hoàn, Trưởng phòng LĐTB&XH Quỳnh Lưu cho biết: Hiện nay thanh niên vào Nam làm ăn vẫn mang lại lợi ích kinh tế không cao cho các gia đình trong huyện. Thanh niên đi xuất khẩu lao động vẫn tốt hơn. Tại Quỳnh Lưu nhiều thanh niên vào Nam mưu sinh chỉ vì a dua phong trào. Thấy bạn bè đi làm ăn xa, mình cũng đi theo.

Ông Hoàn cho biết, cơ quan chính quyền địa phương đang tổ chức nhiều cuộc vận động, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên, giới thiệu đi làm công nhân ở các công ty Samsung, Canon ở khu vực Hà Nội, Bắc Ninh... Tuy nhiên đây là những công ty chủ yếu tuyển lao động nữ.

Theo bà Phan Thị Vỵ (Phó trưởng phòng LĐTB&XH thị xã Hoàng Mai, Nghệ An), Hoàng Mai cũng giống như các địa phương khác trong tỉnh, mỗi năm có hàng trăm lao động đã rời làng đi vào Nam và ra Bắc làm ăn. Tuy nhiên họ chỉ là làm công việc trong các công ty, khu chế xuất với mức lương cơ bản. Nếu chắt chiu thì mỗi tháng, thanh niên đi làm ăn xa cũng chỉ gửi về được 1 - 2 triệu đồng cho gia đình.

1
Lao động trẻ đi làm ăn xa, ở một số gia đình ở huyện miền núi Thanh Hóa chỉ có người già và trẻ nhỏ.

Theo thống kê, xã Thiệu Giao, Thiệu Hóa hay xã Quảng Thái (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) có đến 70 - 80% thanh niên đi Nam làm ăn. Cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng khấm khá hơn bởi tiền do người đi xa gửi về.

Còn ở Quảng Bình, theo khảo sát, hiện nay tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút lao động địa phương. Nhiều thanh niên đã từ miền Nam quay trở về quê hương làm ăn.

Bà Phan Thị Tố Hoa (Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: Chính sách thu hút nhân lực của tỉnh chưa có, hoặc có nhưng quá khó khăn. Một số dự án lớn thu hút lượng lao động không nhiều nhưng lại yêu cầu học nghề bài bản; điều này lại là khó với thanh niên nông thôn có kinh tế eo hẹp. Doanh nghiệp trên địa bàn cũng chưa có những chính sách thu hút được người lao động. Hầu hết thanh niên chưa được học hành chuyên nghiệp hoặc sinh viên mới ra trường đều chọn cách đi vào Nam, đến làm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc đi xuất khẩu lao động, với hy vọng sẽ có thu nhập cao hơn”.

“Sở cũng đang vận động các huyện xã phát triển kinh tế ở địa phương bằng việc mở trang trại, chăn nuôi... tiếp thu những kỹ thuật mới, bên cạnh đó có sự kêu gọi, tác động để các doanh nghiệp có chính sách thu hút nguồn lao động hơn”, bà Hoa cho hay.

Ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, cho rằng: “Những năm trước, thanh niên ở tỉnh vào Nam hay xuất khẩu lao động rất nhiều nhưng trong gần nửa năm 2016, con số này đã giảm nhiều. Thị trường việc làm ở địa bàn đã phát triển hơn, các khu công nghiệp đã mọc lên nhiều. Đầu năm nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị trên toàn tỉnh đã đăng ký với Sở LĐTB&XH là 37.000. Hiện, các doanh nghiệp, khu công nghiệp cũng đang tuyển lao động nhiều."

Tác giả bài viết: NHÓM PVMT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP