GS Lâm Quang Thiệp nói: Khi đọc bản dự thảo, có bốn vấn đề tôi thấy đáng quan tâm. Thứ nhất, bộ tiêu chuẩn quá rối vì nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí. Trước chỉ có 10 tiêu chuẩn, giờ lên 25 tiêu chuẩn. Ấn tượng chung của tôi là có quá nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn, do đó sẽ khó hơn trong thực thực hiện.
Thứ hai, với mức đánh giá là 7 thang, tôi nghĩ không cần thiết, không khả thi. Thường chỉ hai, ba thang đánh giá là được. Vì đánh giá này không cần thật chính xác. Việc đánh giá, kiểm định các trường mà đưa chính xác hóa vào là không có ý nghĩa. Nó giống như đi mua vải may áo quần mà đo đến hàng milimet. Với quy định 7 bậc xếp loại, lại điểm nguyên, điểm lẻ , theo tôi là không có ý nghĩa và không thực chất. Điểm chấm cho sinh viên, học sinh có thể chấm theo thang 10, thang 100 nhưng cuối cùng cũng quy về mức A, B, C, D... Tức là phân chia thang đó đó rộng hơn, ít tầng bậc hơn. Chính vì vậy, yêu cầu đánh giá các trường ĐH độ chính xác còn thấp hơn điểm của học sinh nên không cần thiết phải phân ra quá nhiều bậc.
Thứ ba, trong dự thảo này hợp nhất nhiều văn bản cũ. Nhưng không thấy nói đến yêu cầu đối với tổ chức kiểm định. Dự thảo nói quyền lực của tổ chức kiểm định, chế tài đối với các cơ sở giáo dục nhiều, nhưng không thấy nói về chế tài đối với tổ chức kiểm định. Tổ chức kiểm định cũng quan trọng như tổ chức kiểm toán. Vì tiếng nói của nó rất quyết định. Vì vậy phải có chế tài thế nào cho chặt chẽ, nghiêm khắc với tổ chức kiểm định. Trong dự thảo hoàn toàn không thấy chế tài với tổ chức kiểm định. Không hiểu Bộ GD&ĐT sẽ quy định ở đâu. Nếu không có chế tài, tổ chức kiểm định không khách quan, trung thực thì sao.
Thứ tư, trong dự thảo có quy định, cơ sở giáo dục phải có hợp đồng kinh tế với các tổ chức kiểm định. Tôi thấy không ổn. Hợp đồng kinh tế là thuận mua vừa bán. Tức là có thể trường tôi có nhiều tiền, anh phải làm tốt cho trường tôi. Còn trường khác ít tiền thì sao? Tôi khẳng định không thể dùng hợp đồng kinh tế để nhà trường trả tiền cho tổ chức kiểm định. Nhà nước, Bộ GD&ĐT phải quy định mức chi phí trung bình để các cơ sở đào tạo trả cho tổ chức kiểm định. Tất cả các trường phải làm như vậy. Đây là văn hóa chất lượng nên không thể có hợp đồng kinh tế.
Liên quan tới việc bộ tiêu chuẩn cũ có tiêu chí 50% sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường, nhưng trong dự thảo tiêu chuẩn mới lại không có, GS Lâm Quang Thiệp cho rằng, sinh viên có việc làm là vấn đề quan trọng. Nó đánh giá chất lượng của một trường ĐH. Nó cũng đòi hỏi nhà trường phải theo dõi một cách khách quan. Lần này đưa vào nhiều tiêu chí thế, theo tôi lẽ ra tiêu chí này nên giữ lại.
PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng: Bộ tiêu chuẩn cũ có một số bất cập trong tình hình hiện nay như chưa có tính hội nhập đối với khu vực Cộng đồng kinh tế ASEAN mà hiện nay Việt Nam đang là một thành viên tích cực; Chỉ mới đánh giá được 2 mức đạt và chưa đạt, chưa đánh giá được mức độ mạnh yếu của từng tiêu chí. Ngoài ra cách đánh giá này còn hạn chế trong việc giúp cho các cơ sở giáo dục phấn đấu, nâng cao chất lượng giáo dục; Còn thiếu nhiều vấn đề mà thế giới hoặc khu vực quan tâm ví dụ như sở hữu trí tuệ, hệ thống quản lý thông tin... |
Tác giả bài viết: Nghiêm Huê
Nguồn tin: