Xã hội

Hồi ức xúc động về giây phút hy sinh của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc

Khi tiếng bom vừa dứt, đồng đội lao đến bới từng mảng đất đá để tìm kiếm 10 nữ đội viên Tiểu đội 4. Những nữ thanh niên xung phong đã hy sinh chỉ như ngủ thiếp đi trên tay những người đồng chí.

Những ngày tháng Bảy này, mỗi ngày có hàng ngàn người tìm về Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Khu di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Đồng Lộc đón từng dòng người từ khắp mọi miền đất nước, họ cùng dâng nén hương thành kính tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Hồi ức về giây phút hy sinh của 10 cô gái anh hùng

Hòa trong dòng người tri ân, ông Nguyễn Thanh Bính, tác giả bài thơ “Cúc ơi” cùng kính cẩn dâng nén hương thơm trước vong linh 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Trái tim ông Bính bồi hồi xúc động. Trong miên man ký ức, nước mắt ông giàn giụa như chính giây phút của 49 năm về trước khi tận mắt chứng kiến sự hy sinh anh dũng của 10 nữ TNXP.

Ông Nguyễn Thanh Bính (bên trái) cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm thời chiến tranh

Tác giả Yến Thanh bồi hồi kể: Ngày 20/4/1965, quốc lộ 1A qua Nghệ An - Hà Tĩnh bị cắt đứt, địch tập trung đánh vào ngã ba Đồng Lộc với mật độ bom đạn tăng dần. Mãi đến thời kỳ địch gọi là "ném bom hạn chế" từ tháng 4 đến tháng 10/1968 thì toàn bộ lực lượng của Tổng đội thanh niên xung phong N55-P18 của được điều về đảm bảo giao thông ở “túi bom chảo lửa” này.

Bảy đại đội TNXP với gần một nghìn cán bộ, đội viên rải trên các trọng điểm ác liệt đoạn từ cống 19 đến Địa Lợi. Riêng đại đội 552 được chốt chặn đoạn từ Cầu Tối trở vào Truông Kén khoảng 2km, đặc biệt là 300 mét từ Cầu Tối đến Trường Thành.

“Từ cuối tháng 4/1968, đoạn 300m này chỉ còn là đống bùn nhão, đêm xe bò qua vệt bùn quánh quanh miệng hố bom. Dưới những vệt bùn bị đào lên lật xuống ấy là bổi, vọt, đá, đất tre, phên và ... bùn nhão bùng nhùng, xe qua như đưa võng. Đây chính là địa bàn chốt giữ của đại đội của chị Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc và 13 đội viên nữ suốt gần ba tháng trời”, tác giả Yến Thanh kể lại với chất giọng tự hào.

Trải qua những năm tháng chiến tranh, ông Bính luôn tự hào về cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc của nhân dân Việt Nam

Ngày 24/7/1968 các tiểu đội tại tuyến đường lửa này vẫn làm việc trong 300m này để ban đêm kịp thông xe. Riêng tiểu đội 4 của Tần và Cúc được phân công đi đào công sự và hố hầm chữ A tại eo núi Trọ Voi (cách trọng điểm cũ khoảng 300m). Từ trưa, địch chỉ tập trung đánh ở toạ độ lửa ngoài Trường Thành.

Đến khoảng 16h thì tốp cuối cùng 3 chiếc máy bay phản lực tiêm kích rút ra biển. Bất ngờ một chiếc quay lại trút bom xuống đúng vị trí Tiểu đội 4. Một quả bom tấn dội đúng hầm của 10 nữ đội viên đang ẩn nấp.

“Cả văn phòng Tổng đội, cán bộ Ty Giao thông, toàn bộ C552, C557 đổ dồn về vị trí của 10 nữ đội viên để tìm kiếm. Sau hai giờ tìm kiếm, chúng tôi tìm thấy 9 cô gái đã hy sinh với thân thể vẫn còn nguyên vẹn như đang nằm ngủ. Cả 9 cô gái này đều ẩn nấp ở cái hào dài vừa đào xong nên bị đất vùi lấp, riêng Hồ Thị Cúc thì không thấy đâu. Nhiều người trong số chúng tôi nghi là Cúc ở vị trí xa hơn nên vừa khóc vừa đào bới để tìm kiếm nhưng vô vọng. Sau khi đưa 9 cô gái đã hi sinh về sau eo núi Bãi Địa (thuộc xã Xuân Lộc) cách đó chừng 2km, chúng tôi tiếp tục tìm Cúc suốt chiều, đêm 24 và sáng ngày 25 vẫn bặt vô âm tín…”, tác giả bài thơ “Cúc ơi” xúc động kể lại.

Xót xa trước cảnh tượng đau thương, trong nước mắt ngẹn ngào, Yến Thanh đã sáng tác bài thơ “Cúc ơi” như một tiếng nấc, xót thương tiễn biệt những người bạn, người em thân thương của mình. Tiểu đội đã xếp một hàng ngang/ Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp/ Chín bạn đã quây quần đủ hết/ Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh/ A trưởng Võ Thị Tần điểm danh/ Chỉ thiếu mình em, chín bỏ làm mười răng được!....

Khi viết bài thơ "Cúc ơi!" Yến Thanh không phải là nhà thơ đã thành danh - ông là cán bộ kỹ thuật của ngành giao thông vận tải. Dù vậy thi phẩm đã sống trong lòng bạn đọc đến nay đã hơn 49 năm.

Dòng người kính cẩn tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc

Hướng về Đồng Lộc

Trong chuyến hành hương về với Ngã ba Đồng Lộc, đi cùng Yến Thanh còn có anh hùng Lao động Nguyễn Trí Ân, người từng có những năm tháng gắn bó trong Tổng đội TNXP Ty Giao thông Nghệ Tĩnh.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Ân cho biết: “Ngày đó với sức trẻ, khát vọng cống hiến cho đất nước, quê hương dù chiến tranh tàn khốc nhưng không một ai nao núng tinh thần. Tất cả các lực lượng đều dũng cảm xông pha nơi tuyến lửa. Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, nhiều lần đối mặt với hiểm nguy khi cắm tiêu, rà phá bom mìn. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn vượt qua tất cả, lập nên nhiều chiến công vang dội ở Ngã ba Đồng Lộc”.

Ông Trần Đình Ước - Trưởng Ban Quản lý Khu di tích ngã ba Đồng Lộc - cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, đã có gần 150 nghìn lượt khách từ khắp mọi miền đất nước và du khách quốc tế đã về Khu di tích thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ.

“Kỷ niệm 49 năm chiến thắng Đồng Lộc, 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, Ban Quản lý Khu di tích đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ đón tiếp, hướng dẫn và chỉnh trang tổng thể trong khuôn viên khu di tích để đón tiếp khách. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn tự hào nêu bật những chiến công oanh liệt của các anh hùng liệt sĩ, các lực lượng thanh niên xung phong để mọi người hiểu hơn về Ngã ba Đồng Lộc. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang cho thế hệ hôm nay và mai sau”, ông Ước nói.

Giờ đây, Ngã ba Đồng Lộc đã tràn ngập màu xanh. Cuộc sống đã hồi sinh nơi "tọa độ chết". Vì thế, chúng ta càng không thể quên những người đã mãi mãi nằm lại mảnh đất thiêng liêng này, cống hiến tuổi thanh xuân cho hạnh phúc của dân tộc và tương lai của đất nước.

Tác giả: Huy Hùng

Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP