Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) và một số chuyên gia.
PV: Thời gian gần đây trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra những vụ tự tử đối với người trưởng thành. Thực tế đó nói lên điều gì?
PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm khoa các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội): Các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là lo âu trầm cảm và qua đó có các ý tưởng tự sát là một vấn đề y tế công cộng.
Gia tăng số vụ người lớn tự tử trong thời gian gần đây (Ảnh minh họa) |
Vấn đề này có xu hướng tăng lên, giống như hệ quả của đại dịch.
Các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới đều cho thấy tỷ lệ về lo âu, trầm cảm, ý tưởng tự sát và toan tự sát qua 2 năm giãn cách tăng lên gấp từ 4 đến 5 lần.
Đối với Việt Nam thì đây cũng là một vấn đề khá nghiêm trọng, vì từ trước đến nay hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa chú ý nhiều đến chăm sóc về sức khỏe tinh thần, vẫn còn một số quan niệm, một sự kỳ thị, coi như rằng đó là bệnh điên hoặc là về ma ám hay quỷ ám…
Do không có nhận thức tốt, cho nên có rất nhiều cách thức ứng xử không phù hợp.
Điều đáng lo là số vụ tự tử thực tế có lẽ còn phải cao hơn từ 25 đến 30% so với những gì mà được ghi nhận trong hệ thống.
PV: Theo ông cần có biện pháp nào để có thể phát hiện sớm và can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn tình trạng này?
PGS.TS Trần Thành Nam: Khi vấn đề tự tử đang trở thành một vấn nạn thì cần coi là một vấn đề của y tế công cộng. Nhưng chúng ta chưa xây dựng được hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần thích ứng với những giai đoạn khủng hoảng và tư vấn được một cách trực tiếp cho những vấn đề về tự sát.
Thực tế là khi nói chuyện với họ, họ sắp xếp lại, giải tỏa những cảm xúc để họ có thể vượt qua những giai đoạn điểm sôi cảm xúc hoặc giai đoạn tuyệt vọng nhất.
Chúng ta cũng cần phải thành lập một đường dây nóng chuyên để ngăn ngừa những vấn đề về tự sát. Đường dây nóng này phải được phổ biến, thậm chí là cần phải được đưa vào trong nhà trường, thành các thông tin phổ biến trên các bản tin ở những nơi dễ thấy, những khu vực hay xảy ra những vụ tự sát.
Ví dụ như là trên cầu chẳng hạn cũng phải có những số điện thoại như vậy, để có thể là mọi người đều có khả năng tiếp cận biết và có thể gọi điện được, làm cho cá nhân an dịu và sau đó đã thúc đẩy các nguồn lực hỗ trợ và phản ứng với những tình huống khẩn cấp.
Trao đổi với VOV Giao thông, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản là do người ta đã rơi vào bế tắc hoàn toàn, cả về vật chất, về tinh thần:
"Tôi cũng đã phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, là khi chúng ta phải đối mặt với dịch COVID và sau COVID thì việc quan tâm đến sức khỏe tâm thần của con người là cực kỳ quan trọng, bởi đại dịch COVID đã làm đảo lộn cuộc sống theo hướng rất tiêu cực và không phải ai cũng thích nghi được ngay.
Vì vậy, nếu không vững vàng vượt qua, nếu chúng ta không quan tâm đến sức khỏe tinh thần của con người thì rất dễ sa vào bế tắc, bi kịch".
Còn theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội, đã đến lúc cần có một chiến lược chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân:
"Thứ nhất là những áp lực trong cuộc sống trong thời gian gần đây gia tăng, một phần và rất đáng kể đấy là do dịch COVID, có thể là vấn đề áp lực về kinh tế, không có thu nhập, rồi nợ nần hoặc là những áp lực liên quan đến những câu chuyện mâu thuẫn tình cảm, xung đột trong gia đình, những mối quan hệ cá nhân mà người ta không giải quyết được.
Nếu có một chiến lược chăm sóc sức khỏe tâm thần tốt và có những dịch vụ tư vấn về hỗ trợ tâm lý xã hội thì có lẽ cũng sẽ giảm đi số người tự tử"./.
Tác giả: Quách Đồng
Nguồn tin: vov.vn