Trong tỉnh

Gặp trưởng phà cảm tử vừa được phong Anh hùng

Bị Mỹ thả bom từ trường phong tỏa, phà Bến Thủy là huyết mạch giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam tắc suốt 5 ngày đêm khiến xe, người chật kín các điểm tập kết.

Ông Nguyễn Đăng Chế (phải) kể lại một thời mưa bom, bão đạn ở phà Bến Thủy với phóng viên Báo Giao thông

Trước tình hình đó, Trưởng phà Nguyễn Đăng Chế (SN 1942, trú thôn Đông Tháp, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) đã xung phong lái chuyến phà cảm tử, phá bom từ trường để thông đường cho xe qua.

“Túi bom” bên bờ Bến Thủy

Tháng 8, tôi có dịp ghé thăm nhà ông Nguyễn Đăng Chế, nguyên Trưởng phà Bến Thủy giai đoạn năm 1969 -1974. Trong ngôi nhà cấp bốn khang trang, rất đông anh em, bạn bè, đồng đội ở khắp mọi miền Tổ quốc đã về đây chia vui với ông và gia đình. Ông vừa vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (anh hùng LLVTND) bởi đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nhâm nhi ly chè xanh, ông Chế kể: Năm 1964 sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được phân công về công tác tại Ty GTVT Nghệ An (nay là Sở GTVT Nghệ An), tham gia vào đội khảo sát thiết kế đường bộ, với nhiệm vụ đi tìm và mở các con đường lên vùng biên giới Việt - Lào, kiêm Đội trưởng Đội Khảo sát đường sông. Năm 1968, ông được cử làm Đại đội trưởng Đại đội Rà phá bom từ trường dọc sông Lam, từ Bến Thủy lên đến Nam Đàn. “Giữa năm 1969, tôi được lãnh đạo Ty cử làm Trưởng phà Bến Thủy, kiêm Đại đội trưởng Đại đội Tự vệ phà Bến Thủy (Liên quân giữa ngành GTVT và quân đội) - nơi “túi bom” của tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam”, ông cho hay.

Ngày 26/4/2018, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Nguyễn Đăng Chế. Biết tin, bạn bè, đồng đội năm xưa ở khắp nơi về chia vui với ông Chế và cùng ôn lại những năm tháng oanh liệt bên phà Bến Thủy:

“Lầm lũi bao năm vượt sông sâu/Đạn bom hủy diệt chẳng cúi đầu/ Chiến công hiển hách còn ghi tạc/ Cầu đã bắc rồi, phà ở đâu?”.

“Lúc nhận nhiệm vụ Trưởng phà Bến Thủy, tôi mới 27 tuổi, còn trẻ và thiếu kinh nghiệm, lại không xuất thân từ quân đội. Trong khi đó, phà Bến Thủy vừa được phong đơn vị Anh hùng. Lực lượng cốt cán cũng toàn những người lão luyện, thậm chí có cả những người đã được phong anh hùng LLVTND. Vì thế, khi về đây phải làm sao để mọi người chấp nhận và đoàn kết để cùng làm việc là một vấn đề nan giải. Trong khi nhiệm vụ cấp trên giao thì không thể không hoàn thành, vì vậy tôi nghĩ rằng, mình phải dũng cảm đi đầu thì người khác mới phục, mới làm theo”, ông Chế chia sẻ.

Phà Bến Thủy ngày đó có khoảng 200 người chủ yếu là người Nghệ An, những lúc máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, đơn vị được tăng cường thêm khoảng 100 người nữa để bổ sung, thay thế cho những người bị thương và hy sinh. Năm 1972, Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2, phà Bến Thủy tiếp tục trở thành “túi bom” trên sông Lam. Bởi chúng biết chặn phà Bến Thủy, con đường chi viện vào miền Nam sẽ bị cắt đứt. Vậy nên, chỉ 9 tháng năm 1972, không quân Mỹ đã dội xuống phà Bến Thủy 13.253 quả bom, pháo. “Bến Thủy ngày ấy bị máy bay Mỹ cày xới suốt ngày đêm, anh em trong đội rà phá bom, mìn phải khoét hầm vào núi Quyết ẩn mình. Cuộc sống kham khổ, thiếu thốn nhưng 300 anh em đều một ý chí, một lòng”, ông Chế nhớ lại.

Ngọn núi Quyết lừng lững sát bờ sông, bên trong có hệ thống địa đạo quân sự, hệ thống công sự để xe, người di chuyển ra phà. Trên đỉnh núi là trận địa pháo cao xạ được ẩn mình trong những tán cây. Để bảo vệ những con phà to lớn, anh em phải kéo phà về dọc bờ sông, lấy các cây tre nứa, kết lại thành bè rồi rải cỏ lên giống như bờ sông để ngụy trang. Màn đêm buông xuống, anh em lại hối hả kéo phà ra để chở xe và những đoàn quân lương vượt sông. Tất cả công việc ở mọi vị trí đều luôn cận kề nguy hiểm.

Tự tổ chức truy điệu sống cho mình

“Thời điểm đó, chúng tôi lập năm bến phà dã chiến, mỗi bến cách nhau vài trăm mét, để bến này bị đánh hỏng có bến kia dự phòng. Thế nhưng, quân địch tinh quái, chúng chuyển sang dùng bom từ trường dải khắp lòng sông để ngăn ta đưa hàng vượt sông”, ông Chế nói.

Đầu tháng 11/1972, thời điểm cam go nhất ở phà Bến Thủy. Xe vào chiến trường nhiều hơn. Bom đạn giặc bắn xuống tăng gấp bội. Lực lượng lại giảm đi vì bị thương và hy sinh. “Tôi nhớ như in ngày 9/11/1972, 8 chiến sĩ, công nhân phà Bến Thủy hy sinh, trong đó có 2 chiến sĩ lái ca nô và 6 chiến sỹ đi làm nhiệm vụ về gần đến cửa hầm thì trúng bom. Máu của đồng đội nhuộm đỏ cả nước sông Lam. Đau thương đến nghẹn lời nhưng huyệt vừa đào xong thì bom lại dội xuống, anh em phải nép bên áo quan tránh bom”, ông Chế nhớ lại.

Giữa tháng 11/1972, phà không thể qua sông Lam do quá nhiều bom từ trường. Phương án dùng ca nô và dây thép để phá bom từ trường đều thất bại. Phà Bến Thủy bị tắc 5 ngày, đoàn xe, người chật kín các điểm tập kết. Lúc này, chiến trường miền Nam đang khốc liệt. Nhu cầu chi viện từ Bắc vào trở nên cấp thiết. Cấp trên lo lắng, không thể ngồi yên.

Trước tình hình đó, trong cuộc họp, Trưởng phà Nguyễn Đăng Chế đưa ra phương án dùng ca nô kéo phà lớn lướt qua vùng bom, với từ trường lớn buộc bom nổ. Nghe xong, Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An Nguyễn Sỹ Hoà chấp nhận phương án và kèm theo một câu hỏi: “Ai sẽ trực tiếp chỉ huy trên chuyến phà cảm tử này”. “Tôi”! Ông Chế đã trả lời không một chút do dự. “Là thủ trưởng, tôi không thể đẩy sự hy sinh này cho người khác”, ông Chế nói tiếp.

Biết sẽ phải mất đi những người đồng chí, đồng đội ngay trên chuyến phà cảm tử ấy, nhưng vì vận mệnh đất nước nên lãnh đạo Nghệ An đành phải gạt nước mắt, gật đầu đồng ý. Đúng 15h ngày 23/11/1972, đơn vị tập trung tại bến bờ Bắc làm lễ xuất quân và truy điệu sống cho 5 người đi làm nhiệm vụ đặc biệt, bao gồm Đại đội trưởng Nguyễn Đăng Chế và 4 thợ lái, thủy thủ. Ông thay mặt anh em tổ cảm tử, đứng trước dòng sông Lam, thề rằng: “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, chúng tôi sẵn sàng hy sinh để mở đường thông tuyến”.

Phà xuất phát, mọi người đứng trên bờ nín thở dõi theo. Ông Chế đứng đầu mũi phà làm hoa tiêu. Hai bên phà là 2 ca nô mã lực lớn, rẽ sóng lao với tốc độ cao trên sông Lam để kích nổ các loại bom từ trường. “Chúng tôi cho phà vòng qua rồi vòng lại để mở rộng vùng rà phá, mục đích là để phà chở quân lương, đạn dược đi qua có lệch luồng vẫn an toàn. Phà đi đến vòng thứ 3 thì một loạt bom phát nổ, hất tung phà lên khỏi mặt nước, ca nô bật ra khỏi phà và vỡ nát. Phà chìm ngay. Cả 5 chúng tôi bất tỉnh, nổi bềnh trên mặt nước. Đồng đội phải đi thuyền khử từ ra vớt rồi đưa đi cấp cứu”, ông Chế kể.

Tin báo về gia đình Đại đội trưởng Nguyễn Đăng Chế hy sinh, mọi người chuẩn bị làm lễ mai táng, mẹ và vợ ngất lịm. Tuy nhiên, đến 1h sáng, ông Chế tỉnh lại. Ông được chuyển tuyến điều trị, với chế độ chăm sóc đặc biệt, sau một năm mới bình phục, trở lại vị trí trưởng phà.

Sau trận đánh “mở đường máu” ấy, Trưởng phà Nguyễn Đăng Chế được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Ngày 31/12/1973, Đơn vị tự vệ phà Bến Thủy được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND lần thứ hai. Khi được UBND tỉnh làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng, ông Chế từ chối vì nghĩ rằng: “Sự hy sinh, cống hiến của tôi chưa thể bằng những người đồng đội, đồng nghiệp đã ngã xuống nơi phà Bến Thủy. Họ mới xứng đáng là Anh hùng”.

Năm 2002, sau khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Đăng Chế cùng vợ về sống an nhàn bên con cháu ở quê lúa Yên Thành. Ông sống lặng lẽ với “rơm rạ một thời”, sống trọn vẹn với niềm đam mê thi ca của mình.

Tác giả: Văn Thanh - Thủy Tiên

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP