Tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi tháng 9” do HĐND TP HCM và Đài Truyền hình TP phối hợp tổ chức ngày 11-9 với chủ đề dạy thêm - học thêm, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM, nhìn nhận vấn đề dạy thêm, học thêm cần được bàn luận trên cơ sở khoa học. Với góc nhìn của các chuyên gia, sẽ đi sâu phân tích nguyên nhân, tìm ra giải pháp để việc chấm dứt dạy thêm, học thêm trong trường học; đã làm là làm nghiêm túc, tránh hình thức, mất công bằng; tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong xã hội.
Đi học chứ không phải trả nợ
GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), nhìn nhận dạy thêm, học thêm là nhu cầu xác đáng nhưng cũng có những nhu cầu ảo khiến học sinh (HS) căng thẳng. Có thể kể đến các nguyên nhân dạy thêm, học thêm như để bồi dưỡng HS yếu kém, đồng thời phát triển năng khiếu, tư duy của HS; giải quyết chương trình quá căng, học thêm để đáp ứng nhu cầu của tuyển sinh đầu cấp; nhu cầu của phụ huynh. Mặt khác, cũng phát sinh tiêu cực là nhiều thầy cô không dạy hết chương trình nhằm kéo HS của chính mình ra ngoài học riêng.
Học sinh ở TP HCM ăn vội để kịp đến lớp học khác sau giờ học chính khóa Ảnh: TẤN THẠNH
Theo TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, dạy thêm, học thêm phải nhìn nhận ở các cấp khác nhau, các bộ môn khác nhau, tránh việc có những thầy cô dạy học đàng hoàng cũng bị ảnh hưởng. Hậu quả của học thêm khiến trẻ mất tuổi thơ, dẫn đến sợ học, sợ tự học.
“Chúng ta xây dựng một nền giáo dục học tập suốt đời thì không thể để đứa trẻ sợ học. Mình làm cho đứa nhỏ sợ thì các cháu sẽ có tư tưởng đi học chỉ để trả nợ. Thi xong ĐH xem như trả nợ xong cho gia đình”- TS Hùng nói.
Lấy ví dụ từ thực tế, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm kể lại một ý kiến cử tri khiến bà day dứt mãi. Đó là giáo dục ngày nay sao thụ động quá, bậc mẫu giáo thì chỉ cần vào lớp khoanh tay, dạ vâng là được phiếu bé ngoan; các bậc học khác thì thầy bảo sao, trò học theo như thế, học theo những bài văn mẫu. “Phải chăng giáo dục đang đào tạo những HS thụ động, ít tranh cãi, phản biện, đề xuất” - bà Tâm đặt vấn đề.
Nhiều ý kiến tại chương trình thẳng thắn cho rằng ngày nay, HS đi học rất vất vả. Lấy ví dụ từ hình ảnh một đứa trẻ vừa ngồi trên xe vừa ăn bánh mì cho kịp giờ học, TS Hồ Thiệu Hùng trăn trở làm sao để bớt thời gian học cho HS. Trong khi đó, theo GS-TS Trần Hồng Quân, một đứa trẻ đi học nhưng không cảm thấy hạnh phúc sẽ tạo ra thói quen không hay. HS đi học đã phải mang những balô rất nặng, đến trường gần như ngồi im trong lớp, thiếu sân chơi. Giáo dục nên làm sao dạy cho HS phương pháp và ý chí, làm sao để HS đi học là cảm thấy hạnh phúc chứ không phải đi trả nợ.
Giao quyền tự chủ cho các trường
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, cho hay qua các lần khảo sát, nhiều ý kiến của các thầy cô, phụ huynh, HS đều cho rằng chương trình học hiện nay quá nặng, thiên về lý thuyết hơn thực hành. Trong khi đó, thực tế sĩ số các lớp học tại TP rất cao. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết thêm ngoài chương trình nặng, cách kiểm tra, thi cử hiện nay, một bộ phận phụ huynh chưa thật sự dành thời gian cho con, ỷ lại vào nhà trường, thầy cô giáo.
GS-TS Trần Hồng Quân cho rằng giải pháp thay đổi chương trình, nội dung là những giải pháp nằm ở tầng trung. Khi quy định thời gian cho môn học, thầy cô nào cũng muốn tăng thời lượng môn mình lên dù những bài học không cần thiết. Trước đây, chúng ta quá coi trọng kiến thức, xem nhẹ kỹ năng, thái độ. Thế nên hiện nay, nhà trường cần tập trung giải quyết vấn đề này. Nếu các em có phương pháp, kỹ năng thực hành thì đi đâu, môi trường nào cũng thích nghi được.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung đề xuất tăng cường học 2 buổi/ngày cho HS các cấp, tăng kỹ năng thực hành, đổi mới đồng bộ chương trình, giáo án, giải pháp thi cử. Phân cấp mạnh cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Xây dựng ý thức trách nhiệm cho HS, tự học là tốt nhất, tiến tới giảm sĩ số HS.
Lắng nghe những ý kiến tại buổi trao đổi, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPCM, bày tỏ UBND TP luôn chia sẻ khó khăn với các thầy cô giáo. Chủ trương là vậy nhưng TP vẫn lắng nghe ý kiến các thầy cô và các chuyên gia, giải pháp nào triển khai được thì UBND sẽ chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện ngay như việc sẽ giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường. Đồng thời, TP sẽ đẩy mạnh đầu tư dạy 2 buổi/ngày, biên soạn bộ sách giáo khoa mới, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, xây dựng nhiều trường để giảm sĩ số HS…
3 giải pháp chấm dứt học thêm |
Tác giả bài viết: Đặng Trinh