Số là anh em nhà chồng năm hết Tết đến hội ngộ đông đủ, đứa con dâu được giao nhiệm vụ đi mua sắm đồ ăn thức uống về nấu nướng phục vụ cả nhà.
Chuyện ấy cũng chẳng có gì đáng nói, cho đến khi người vợ hì hục dọn mâm cỗ xong xuôi, đến lúc đánh chén thì nghe một mệnh lệnh như sét đánh ngang tai: "Con bế con đi chơi cho mọi người ăn xong rồi con ăn".
Lẽ dĩ nhiên sau khi đã cất công nấu nướng mệt bở hơi tai lại trở thành kẻ ngoài lề, đứa con dâu ngỡ ngàng và vô cùng cay đắng.
Tức tưởi vì bị hắt hủi, cô ôm con sang nhà hàng xóm, thổ lộ sự việc trớ trêu rồi rớt giọt ngắn giọt dài, nhớ về cái thời con gái được cha mẹ đẻ chiều chuộng, nâng như nâng trứng.
Vậy mà giờ đây, sau khi mang nặng đẻ đau, cáng đáng hết mọi việc tề gia nội trợ bên chồng, cô lại bị xem như cái máy phục vụ không hơn không kém, khi đã xong việc thì bị đuổi đi không thương tiếc.
Ấy vậy mà vẫn chưa đủ tàn nhẫn. Cô con dâu tội nghiệp lại bị gọi về sau khi bà con họ hàng bên chồng đánh chén no nê.
Người ta lại tiếp tục giáng vào sự tự trọng của cô một đòn cực mạnh bằng mệnh lệnh lạnh lùng: "Bế con về mà ăn rồi chịu khó dọn luôn nhé".
Đến đây thì những nỗi tủi thân, phẫn uất của đứa con dâu lên đỉnh điểm. Không còn giữ được sự nhẫn nhục, cô lấy cớ bị tụt huyết áp vì đói rồi lên giường nằm, nuốt nước mắt vào trong, mặc kệ mọi sự.
Những dòng thổ lộ ấy khi được chia sẻ trên một diễn đàn mạng ngay lập tức tạo nên một cơn sóng lòng mạnh mẽ. Nhiều người (nhất là những người đã làm vợ) lên án kịch liệt thái độ của nhà chồng, của mẹ chồng người phụ nữ.
Sao lại có kẻ "dày mặt" đến độ nhẫn tâm để người đầu ấp tay gối với con mình phục vụ mình rồi đẩy ra ngoài lề khi không còn "giá trị lợi dụng". Rõ ràng trong trường hợp này, đứa con dâu như một người ở không công.
Không phụ con dâu đã đành, nhưng khi tất cả mọi thứ đã được bày trước mặt, đến một tiếng cảm ơn, trân trọng công sức của người đã bỏ sức lực ra nấu nướng vì mình cũng không có.
Cái kiểu ăn trên ngồi trước, xem việc được con dâu phục vụ như một quy luật hiển nhiên như vậy, thật không thể tin nổi vẫn còn tồn tại giữa một xã hội được cho là hiện đại.
Cô con dâu chia sẻ chuyện của mình không phải để kể công. Cô chỉ cần nhà chồng hiểu chuyện, mời mình một tiếng cho mát lòng mát dạ. Lời chào cao hơn mâm cỗ, nói một câu chiều chuộng, nhẹ nhàng với người đã sanh cho mình một đứa cháu kháu khỉnh lẽ nào khó khăn quá vậy sao.
Chẳng biết khi hành xác con dâu, cháu dâu như vậy, những người mẹ chồng, thím chồng, bác chồng có nhớ lại ngày xưa, cái thời hủ tục bao cấp mình cũng từng bị hạch sách đủ điều. Khi ấy, chẳng biết họ có đau khổ, chua xót cho thân phận "mười hai bến nước" của mình không.
Nhiều người thắc mắc lúc cô vợ chịu uất ức như vậy, anh chồng đã ở đâu? Tôi cũng mang câu hỏi này, và không thể tin được có người chồng nào lại để vợ mình chịu khổ như vậy.
Là anh ta thương cha mẹ ruột, nể nang đám anh em, chú bác bà con mà thành nhu nhược, hay cũng mang sẵn tính trưởng thượng, xem việc "chồng chúa vợ tôi" là thành quả sau khi kết hôn.
Nếu vậy, tôi tiếc cho người vợ trong câu chuyện trên, đã không may chọn nhầm bến đỗ, đã tự vứt bỏ tấm thân ngà ngọc để khoác lên mình chiếc áo nô tì.
Câu chuyện giữa mẹ chồng, nhà chồng với nàng dâu luôn là vấn đề muôn thuở. Tâm sự cay đắng ấy của đứa con dâu tôi nghiệp cho thấy cuộc sống gia đình nếu thiếu đi sự rộng lượng, thấu hiểu thì khó mà bền chặt.
Không biết cứ ôm nỗi uất ức vì phải làm lụng vất vả mà toàn ăn cơm thừa canh cặn, liệu rằng người phụ nữ ấy sẽ nhẫn nhịn, cam chịu được bao lâu.
Chẳng may gia đình tan vỡ, nhìn thấy con trai mình phòng không chiếc bóng, học, những bậc trưởng thượng có thấy áy náy, mang cảm giác tội lỗi vì những hành động của mình?
Đã là thế kỷ 21 rồi, cha mẹ chồng ơi, sao còn coi rẻ con dâu đến như vậy?
Tác giả bài viết: Thiên Kim
Nguồn tin: