Các tỉnh khác như thế nào?
Năm 2018, cả nước có 901.806 thí sinh dự thi môn Ngữ văn THPT Quốc gia, điểm trung bình là 5,45. Có 32,3% thí sinh điểm dưới trung bình, trong đó 783 em bị điểm liệt (từ 0 đến dưới 1).
Riêng tại hội đồng thi sở GD&ĐT Thái Nguyên, điểm trung bình thi môn Ngữ văn là 6,1. Với điểm số này, Thái Nguyên là địa phương có điểm trung bình môn Ngữ văn cao thứ 6 cả nước.
Thái Nguyên có số thí sinh có điểm trên 9 là 164 thí sinh, tổng thí sinh tham dự kỳ thi là 14.265; chiếm tỉ lệ: 1,149%. Như vậy, tỉ lệ thí sinh có điểm trên 9 của Thái Nguyên cao xấp xỉ 4,4 lần tỉ lệ trung bình cả nước.
So với số thí sinh chung của cả nước có điểm trên 9, Thái Nguyên có số thí sinh có điểm Văn trên 9 chiếm 7,03%.
Nhìn ra các địa phương khác, Hà Tĩnh là địa phương có tỉ lệ thí sinh đạt điểm 9 trở lên so với toàn tỉnh cao nhất, 1,6%. Địa phương này chiếm 11,1% điểm số điểm từ 9 trở lên so với cả nước.
Xếp sau Hà Tĩnh là Hậu Giang, có tỉ lệ điểm 9 trở lên so với học sinh toàn tỉnh là 1,45%.
Số lượng điểm 9 trở lên của Hậu Giang cũng nhiều hơn Hà Nội 17 thí sinh, dù số thí sinh dự thi ít hơn Hà Nội 68.878 em.
Còn nếu so với Nam Định số thí sinh đạt 9 trở lên của Hậu Giang gấp 1,16 lần trong khi số thí sinh dự thi kém 2,2 lần.
Tỉnh Hậu Giang cũng là địa phương dẫn đầu về điểm trung bình môn Văn với 6,49, phổ điểm do đó rất đẹp, lệch hẳn về bên phải. Trong hơn 6.000 thí sinh dự thi của tỉnh, có 89 em đạt từ 9 trở lên, chỉ 3 em bị điểm liệt.
TP.Hồ Chí Minh là địa phương có tỉ lệ điểm 9 trở lên môn Ngữ văn rất thấp, chỉ với 0,006% so với số thí sinh dự thi của tỉnh.
Hà Nam, Hà Tĩnh, An Giang, Bạc Liêu... nằm trong top 10 địa phương có điểm trung bình Văn cao nhất. Điểm số nhiều thí sinh đạt được nhất là 6.
“Chấm Ngữ văn nhiều phần do quan điểm cá nhân”?
Để làm rõ việc điểm Ngữ văn của Thái Nguyên năm nay có bất thường hay không? PV đã liên hệ với ông Phạm Văn Khanh, Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, đồng thời là Tổ trưởng tổ chấm văn tỉnh Hải Dương. Theo ông Khanh, việc chấm môn Ngữ văn ngoài việc căn cứ vào barem của bộ GD&ĐT thì cũng phụ thuộc nhiều vào quan điểm của người chấm.
Ông Khanh nói: “Chấm văn bây giờ khẳng định có bất thường hay không là rất khó, đặc biệt nếu như người chấm và thư ký thống nhất được với nhau về quan điểm. Bài mà cố tình nâng điểm từ 4 lên 8 thì rất dễ để khẳng định có tiêu cực. Nhưng nếu bài trong khoảng 8,5 đến 9 thì việc cho thí sinh được 9 điểm thì cũng là điều rất bình thường. Như tại Hải Dương, những cháu được 8,5 đến 8,75 khá nhiều, việc Thái Nguyên có nhiều bài được 9 thì có lẽ không có gì bất thường”.
“Hơn nữa so với Sơn La, Hà Giang hay Hòa Bình thì Thái Nguyên cũng là một trung tâm giáo dục lớn. Có nhiều lợi thế về học tập. Chênh lệch trong văn chương khoảng nửa điểm đến một điểm thì lâu nay vẫn thường có những tranh cãi, nhưng chưa bao giờ ngã ngũ cả”, ông Khanh nói.
“Ví dụ như điểm Ngữ văn giữa TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, cả 2 địa phương có lượng thí sinh khá tương đồng, nhưng có lẽ trong đó quan điểm của người chấm chặt chẽ hơn một chút nên TP. Hồ Chí Minh có ít điểm cao hơn Hà Nội”, ông Khanh nói thêm
Cuối cùng, để cho việc chấm Văn những năm tiếp theo bám sát hơn so với barem của bộ GD&ĐT ông Khanh đề xuất: “Bộ GD&ĐT cần đưa hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết hơn nữa để các địa phương có căn cứ chấm chuẩn hơn. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định việc chấm Văn có chênh lệnh thì sẽ không bao giờ hết tranh cãi, vì bản chất của Văn là vậy. Có người cảm nhận thấy hay, nhưng có người lại thấy bài đó không thực sự hay thì như vậy đã tạo ra sự chênh lệch rồi”.
Tác giả: Hoàng Thanh
Nguồn tin: Báo Infonet