Không quá khó để bắt gặp cảnh những chiếc xe máy "cà tàng" chở hàng cồng kềnh trên đường. Vì cuộc sống mưu sinh, họ bất chấp sự an toàn của bản thân và những người tham gia giao thông xung quanh.
Để rồi, khi những vụ va chạm xảy ra, người ta chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm, tự hỏi: tại sao những chiếc xe đó vẫn "phi ầm ầm" trên đường? Nếu chẳng may đâm phải phương tiện giao thông khác, chuyện gì sẽ xảy ra?
Và mới đây, một câu chuyện tương tự đã được chia sẻ trên một diễn đàn mạng nổi tiếng. Trong lúc chờ đèn đỏ, một chiếc xe máy chuyên dùng để chở đậu phụ đã đâm phải chiếc xe ô tô đỗ ngay trước đó.
Người phụ nữ điều khiển xe máy vội vàng "dọn hàng tháo chạy" vì sợ phải bồi thường, trong khi người bị đâm phải (chủ chiếc ô tô) lại nhanh chóng xuống xe để xem chị ấy có bị thương không.
Xe máy đâm vào ô tô đang đứng chờ đèn đỏ
Cũng chính bởi cách cư xử trái ngược của hai người đã khiến câu chuyện rất nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt quan tâm, hàng trăm lượt bình luận của các bạn trẻ. Nội dung câu chuyện được tóm gọn lại như sau:
"Khoảng 17h10, em đang lưu thông trên đường Nguyễn Hoàng, đến ngã tư đèn đỏ Nguyễn Hoàng giao Trần Bình, trong khi đang nhấp phanh dừng đèn, nhìn qua gương chiếu hậu, em thấy có một chị điều khiển xe máy đang lao tới.
Khoảng cách cũng phải 20m nhưng thấy chị tay lái chao đảo gần như không làm chủ được tốc độ và phanh, cứ ù ù lao tới phía đuôi xe em.
Đúng như biết trước được sự việc, em chỉ kịp kêu lên rồi bật ngồi thẳng lưng, đón trọn cú va tự do lấy đuôi xe em làm điểm dừng đấy. Sau đấy em xuống xe.
Thấy chị cùng chiếc xe chở mấy thùng xốp và xô đựng toàn đậu hũ, đổ lênh láng trên đường. Chưa ngó tới xe em thế nào, mà hỏi xem chị có làm sao không, rồi dựng xe cho chị. Chị xếp hàng vội vào thùng rồi bảo em giữ hộ xe, xong lao vù lên, đạp nổ máy.
Giật mình, em hỏi: Chị đi đâu đây?
Chị nói: Tôi đi giao hàng, muộn rồi.
Em vừa bực vừa buồn cười, em hỏi: Thế chị đâm vào xe em như thế này thì chị kệ, bỏ đi thôi à?
Chị ý ngồi trên xe buông vài câu: Thế bây giờ anh muốn như thế nào nữa? Tôi đổ hàng cũng hỏng hết rồi. Tôi cũng thiệt hại…
Nói một hồi chị bảo bây giờ chị không có tiền, em thích làm gì thì làm. Các bác bảo em làm gì bây giờ? Vì chị là phụ nữ nên em cũng chẳng dùng từ ngữ gì quá.
Em bảo: Chị đi kiếm tiền và em cũng vậy. Nếu hôm nay chị đâm vào xe em, lăn ra đấy, có mệnh hệ gì thì con cái chị mất mẹ, chồng mất vợ, ông bà mất con. Chị thấy may mắn chưa khi hôm nay người chị còn lành lặn.
Em chỉ nói chị, đầu tiên khi va chạm em thì lao xuống xem chị thế nào còn chị không nói nửa câu, vội vàng lo cho đống hàng coi như mình không làm gì sai vậy. Xe hỏng thì sửa chứ người hỏng sửa như thế nào hả chị?
Lúc đấy chị mới buông được vài câu: Tôi xin lỗi, tôi cuống quá, cũng lo hàng hóa của tôi, tôi đi sai rồi.
Đến cuối, em chỉ nói với chị: Hôm nay chị may mắn không sao là phúc rồi, còn xe em bị như vậy, chị không có tiền đền thì em mang đi sửa. Chị xem lại phương tiện chị lưu thông kiếm tiền đi. Hôm nay là em, nếu mai là một người nào đó không đủ bình tĩnh, chị sẽ như thế nào?
Nói đến đây, em thấy chị đã rơm rớm nước mắt. Vì đường cũng giờ tan tầm nên em bảo chị đi đi. Chị vội vã cảm ơn rồi nói: Tôi sẽ ghi nhớ lời anh nói. Cảm ơn anh".
Theo dõi câu chuyện trên diễn đàn, rất nhiều người tỏ thái độ thán phục trước cách ứng xử của chàng trai.
Facebook Khánh Sơn bình luận: "Quá hay. Em thật cảm phục bác…Em xin phép được chia sẻ câu chuyện và chúc bác an toàn tay lái trên mọi nẻo đường".
Một bạn khác có nick Đại Nguyễn tỏ ra ngưỡng mộ: "Bác ứng xử rất văn minh".
Hay Facebooker Hoàng Sơnn khen ngợi: "Rất hay! Rất nhân văn! Đọc những lời này rất là cảm phục con người chú."
Câu chuyện thu hút sự quan tâm của nhiều người
Liên hệ với nhân vật trong câu chuyện, chúng tôi được biết anh là Nguyễn Anh Tú (28 tuổi, Hà Nội). Tú hiện đang làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu của một doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Khi được hỏi về câu chuyện, Tú chia sẻ: "Điều may mắn nhất là cả mình và chị ấy đều lành lặn, bình an. Còn những thiệt hại về xe, mình cũng chỉ nghĩ theo hướng tích cực, coi như của đi thay người.
Qua đây, mình cũng muốn nhắc nhở một bộ phận người tham gia giao thông cần phải nâng cao ý thức khi sử dụng các phương tiện không đảm bảo an toàn".
Chàng trai 28 tuổi nhưng cách cư xử chẳng khác gì một "ông cụ non" từng trải. Không bắt chị kia bồi thường vì nghĩ "chị cũng chỉ là mưu sinh" nhưng Tú cũng không quên nhắc nhở chị về cách ứng xử khi xảy ra va chạm.
Và đúng như lời Tú nói, cần phải "xem lại phương tiện lưu thông kiếm tiền kia" để không xảy ra những trường hợp đáng tiếc đến từ những chiếc xe "không đạt chuẩn".
Tác giả bài viết: Bích Ngọc
Nguồn tin: