Hơn một năm qua, lúc nào vợ chồng chị Huỳnh Thị Nhung Lụa (35 tuổi, xã Ba Động, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) cũng đầu bù tóc rối vì chăm cậu con trai vừa tròn một tuổi hôm 6/1 vừa qua. Thế nhưng, họ vô cùng hạnh phúc, mãn nguyện và biết ơn vì điều đó. Chị cho biết, bé Kem là kết tinh của tình yêu, cộng với sự hy sinh vô bờ bến của em gái mình, chị Huỳnh Thị Sang (32 tuổi), giáo viên cấp hai ở xã Ba Động.
Sau đám cưới vào năm 2002, vợ chồng chị Lụa anh Bảy rất mong con nhưng tin vui mãi chẳng đến. Họ đưa nhau đi khám nhiều nơi. Biết kết quả khó có con là do mình, chị Lụa thất thần, chân không đứng vững, nước mắt cứ thế rơi. Thương vợ, anh Bảy ôm chị vào lòng động viên: “Con cái là duyên, chỉ cần em khỏe mạnh, chúng ta hạnh phúc là niềm vui lớn nhất với anh”. Song song đó, anh cố gắng chèo lái công ty để vợ yên tâm cùng mình trên hành trình tìm con.
Suốt 13 năm liền, họ ngược xuôi mong tìm phép màu nhưng chẳng được. Lần nào cũng bồn chồn lo lắng, mong ngóng rồi lại thất vọng. Đã thế, sau 7 lần thực hiện chu trình tiêm thuốc, chọc trứng, cấy phôi cùng hai lần phẫu thuật để tách u lạc nội mạc và thắt ống dẫn trứng, sức khỏe chị Lụa giảm sút nhiều, bệnh cũng trở nên nặng hơn. Nhìn cơ thể héo úa, thất thần của vợ, anh Bảy xót xa, nhưng chị Lụa vẫn quyết tâm sinh cho chồng một đứa con.
Cô giáo Sang (váy trắng) hạnh phúc bên hai con gái của mình, chị gái và cậu bé Kem - con của chị gái anh rể, nhưng do cô sinh ra. Ảnh: NVCC |
Lần cuối cùng, họ đưa nhau vào Sài Gòn cấy phôi là một ngày đầu năm 2015. Các bác sĩ cho biết, họ đã có 9 phôi thai, nhưng phải tìm người mang thai hộ mới thành công. Chẳng phải nói, hai vợ chồng mừng khôn xiết. Một mặt họ báo tin vui đến gia đình, mặt khác tự nhủ sẽ làm kinh tế tốt để tìm người giúp thực hiện ước nguyện.
Nhận được tin vui của chị gái, cô giáo Sang, khi đó đang một mình nuôi hai con gái nhỏ, nửa đùa nửa thật: “Chị chuyển bớt qua đây mấy phôi, em mang thai hộ cho”. Nào ngờ, câu nói ấy làm anh Bảy và vợ dấy lên hy vọng. Họ nhanh chóng cùng em gái đến ủy ban xã làm các giấy tờ và những xác nhận để gửi cho bệnh viện làm hồ sơ.
Biết tin, mẹ Sang kịch liệt phản đối. Bà sợ con gái mang điều tiếng vì không chồng mà chửa. Hàng xóm ai cũng xì xào, bàn tán. Các bác sĩ ban đầu cũng một mực từ chối. Họ cho rằng Sang đã hai lần sinh mổ, nếu tiếp tục sẽ vô cùng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Cuối cùng, sự quyết tâm, sẵn sàng đánh cược tính mạng của mình để đổi lấy hạnh phúc cho chị gái của Sang đã thuyết phục được mọi người.
“Nếu phải sinh con cho một người đàn ông nào đó thì sao tôi không sinh cho chị gái mình. Lúc trước, nhà tôi nghèo, chị ấy bị bệnh, ba mẹ không có tiền phải chữa theo dân gian, vì thế mới có ngày hôm nay”, chị Sang nói thêm về quyết định của mình.
Xin nghỉ việc được một năm, Sang gửi con cho nhà ngoại rồi cùng chị gái vào Sài Gòn "chiến đấu" với hành trình mang thai hộ. Mỗi quy trình diễn ra với họ là vô cùng cam go, đầy hồi hộp, lo âu, thất vọng rồi vỡ òa trong hạnh phúc.
“Tôi phải uống thuốc nội tiết, đặt thuốc âm đạo để niêm mạc tử cung dày lên mới cấy phôi được. Hai tuần chờ đợi, tôi chỉ nhận được thất vọng vì niêm mạc bị thoái hóa. Bốn lần tiếp theo cũng như thế. Các bác sĩ nói, cơ thể tôi không thích ứng với thuốc, phải tìm người khác. Tôi nghe mà thẫn thờ. Đi cầu thang bộ từ tầng bảy của bệnh viện, tôi chẳng biết mình xuống đất lúc nào”, Sang kể.
Nghĩ đến chuyện đã nghỉ việc một năm, con nhỏ ở nhà nheo nhóc rồi làm sao ăn nói với vợ chồng chị gái, Sang tự nhủ mình phải bản lĩnh, nói được phải làm được. Cô nói dối người thân rằng lần cuối sẽ có kết quả tốt. Bước tiếp theo, cô quay lại năn nỉ bác sĩ cho mình thêm cơ hội nữa, dù biết gần như chẳng còn phần trăm nào thành công.
Không phụ công chăm sóc của ba mẹ, những khó khăn vất vả của dì Sang, bé Kem khỏe mạnh, bụ bẫm, lúc nào cũng ngoan ngoãn. Ảnh: NVCC. |
Ngày 12/5/2015 đó Sang chẳng bao giờ quên. Thay đồ xong, cô một mình đứng chờ trước phòng chuyển phôi mà tim hồi hộp như gõ trống. Trên màn hình, 3 phôi trong ống nghiệm được đưa vào tử cung của cô. “Nhìn 3 cái chấm nhỏ, tôi chỉ ước tất cả sẽ trọn vẹn. Xong, tôi cứ thế nằm bất động một chỗ, không dám đi vệ sinh nặng và tắm suốt 10 ngày liền”, Sang kể.
Nghe người ta khuyên ăn lòng trắng trứng gà cho tăng độ bám của niêm mạc tử cung, ngày nào Sang cũng ăn đến 10 quả trứng, cùng bơ và sầu riêng. Ăn nhiều quá, ngán đến tận cổ, cơn đau sỏi mật từng có tiền sử cũng vì thế mà bùng phát, nhưng nghĩ đến một cơ thể cựa quậy trong bụng mình, Sang lại thêm quyết tâm.
Bước qua ngày thứ 11, ngồi một mình trong phòng vệ sinh, nhìn que thử lên một vạch đậm, Sang buồn bã vứt vào sọt rác, bỏ đi nằm mà cảm giác trống trải ùa đến, chua xót bao quanh. Chưa đầy 30 phút sau, cô nghĩ, sao mình không kiên nhẫn chờ thêm một chút nữa. Cuối cùng, cô mạnh dạn bước vào, lục lọi thùng rác và không tin vào mắt mình, que thử cho kết quả hai vạch. Chẳng phải nói, chị Lụa nhận tin mừng đến trào nước mắt. Đêm đó, chị em họ thức trắng, mong trời sáng thật nhanh để đến bệnh viện làm các xét nghiệm cho chắc chắn.
Cầm tờ kết quả đã có tim thai, chị Lụa ôm em gái vào lòng, nước mắt rơi vì hạnh phúc. Ở nhà, anh Bảy cũng reo lên vì mình sắp được làm cha. Người vui nhất ngày hôm đó là mẹ chị Sang. Bà không ăn cơm, đi khoe chuyện vui của gia đình khắp xóm. Gặp ai bà cũng hớn hở: “Con Sang thật giỏi. Nhà tôi thật có phước!”.
Thương em gái vất vả, anh Bảy và vợ chỉ biết ngày đêm ở bên động viên, khích lệ tinh thần, thay phiên chăm sóc các cháu. Họ dự tính, ngày Sang bước vào phòng sinh sẽ thuê người quay lại toàn bộ quá trình, dựng thành phim, cất cẩn thận làm kỷ niệm cho con sau này. Việc đó cũng giúp họ tỏ lòng biết ơn em gái. Thế nhưng, điều đó đã không thực hiện được.
Suốt thai kỳ, Sang phải được nằm một chỗ, vì thế đã tăng hơn 32 kg dẫn đến bụng bị chèn ép, thở, đi lại và nằm rất khó. Điều đó làm ảnh hưởng nhiều đến em bé. Trước ngày ấn định mổ lấy thai, họ phải nhập viện khẩn cấp để can thiệp kịp thời, nếu không tính mạng em bé bị đe dọa.
"Trong phòng mổ, tôi cứ run lập cập vì lạnh. Vừa lo em bé có vấn đề gì xấu, vừa sợ mình có chuyện gì, hai con gái sẽ ra sao. Tôi chỉ biết cầu mong an lành sẽ đến với hai dì cháu. Cho đến khi nghe tiếng bé Kem khóc lần thứ hai, tôi mới yên tâm thiếp đi vì mệt”, Sang nhớ lại.
Gia đình chị Lụa, anh Bảy bên cậu con trai kháu khỉnh. |
Không phụ công chăm sóc của ba mẹ, những khó khăn vất vả của dì Sang, cậu bé Kem khỏe mạnh, bụ bẫm, lúc nào cũng ăn ngoan, ngủ ngoan. Các con chị Sang cũng rất yêu anh Kem. Hai bé còn đạt thành tích cao trong học tập và biết tự lập, tự chăm sóc nhau khi mẹ đi vắng.
Nhìn con trai bập bẹ tập nói, tập đi, tíu tít khi đón ba đi làm về, anh Bảy vui lắm. Trong căn nhà rộng lớn của họ đâu đâu cũng đầy ắp đồ dùng trẻ em, những hình ảnh của bé Kem và cả gia đình cười hạnh phúc bên nhau. “Suốt đời này tôi sẽ chỉ hát bài 'Anh còn nợ em' để không quên món quà đã nhận được từ em vợ”, anh Bảy tâm sự.
Tác giả: Phan Thân
Nguồn tin: Báo VnExpress