Phạm Khiêm sinh năm 1982. Khi chào đời, anh bụ bẫm, thông minh và được mẹ tập cho nói từ rất sớm, khả năng nghe của anh cũng phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.
Bà Phạm Cao Phương Thảo, mẹ Khiêm ngậm ngùi kể lại: “Năm 2 tuổi, trước khi cháu bị bệnh, cháu ngủ mình làm gì lớn tiếng cháu cũng giật mình. Nhưng sau này, rớt cái ly mà cháu cũng không giật mình thì bấy giờ có lẽ cháu điếc thật rồi”.
Anh Đoàn Phạm Khiêm bị điếc câm từ năm 2 tuổi.
Năm 2 tuổi, Khiêm bị tiêu chảy nặng, ảnh hưởng từ thuốc kháng sinh trong quá trình chữa trị khiến anh bị điếc. Không còn khả năng nghe khiến anh không thể bắt chước phát âm, dẫn đến bị câm.
Không đầu hàng số phận, bà Thảo bế con chạy chữa khắp nơi, ai chỉ đâu bà cũng tìm đến, với đủ mọi phương cách… nhưng số phận vẫn không mỉm cười với anh. Kinh tế gia đình kiệt quệ, người chồng chối bỏ, bà một thân một mình bươn chải nuôi con.
Ước mong về một mái ấm gia đình hạnh phúc với hai tiếng gọi “mẹ ơi” của người phụ nữ bé nhỏ đã tan thành mây khói. Không còn hy vọng vào thực tế, chỉ còn hy vọng vào niềm tin, “tôi lớn bằng này tuổi đầu rồi, đã được hưởng mọi thứ, nghe mọi thứ ở đời rồi. Nên hàng ngày cứ tới nửa đêm, tôi xin trời phật cho tôi điếc câm thay cho cháu”, bà Thảo kể trong nghẹn ngào nước mắt.
Bà Thảo ngậm ngùi kể lại những ký ức đau buồn xảy ra với Lâm.
Bằng ngôn ngữ cử chỉ, anh Khiêm nhớ lại: “Tôi nhớ mẹ đã khóc rất nhiều vì mình. Tôi muốn an ủi mẹ nhưng không biết phải làm gì, chỉ biết yêu và ôm mẹ thật nhiều. Và cố gắng thật ngoan, học thật giỏi để cho mẹ vui”.
Quá trình Khiêm hội nhập với cuộc sống đầy khó khăn và thử thách. Ngày bé, Khiêm thường xuyên bị bạn bè trêu chọc khiến thế giới của anh cô đơn. Theo đó, anh tìm cách thể hiện cảm xúc qua những nét vẽ.
“Ban đầu cháu vẽ nguệch ngoạc ra đất, ở nhà thì vẽ lên nền nhà. Sau đó tôi mua phấn về cho cháu vẽ lên tường, mà cháu toàn vẽ mẹ. Có lẽ, đây cũng là một cái tia sáng lóe lên trong cuộc đời của cháu”, bà Thảo cho biết.
Suốt bao nhiêu năm, hai mẹ con đùm bọc, che chở và nỗ lực phấn đấu vì nhau. Tuy bị điếc câm, Khiêm vẫn cùng mẹ thực hiện những dự định lớn lao và đầy tính nhân văn mà người khác khó lòng làm được.
Anh cùng mẹ thực hiện nhiều dự định ý nghĩa.
Là người hiếm hoi tại Việt Nam nhận được chứng chỉ giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu dành cho người câm điếc, anh thực hiện những dự định còn ấp ủ. Ước mong chia sẻ, giúp đỡ những người điếc câm tại Việt Nam bắt đầu nhen nhóm trong Khiêm và người mẹ già.
Sau bao nỗ lực của hai mẹ con, đến năm 2009, Tổ chức cộng đồng Điếc câm TP.HCM (DCOH) ra đời. Tính đến nay, có trên 230 hội viên để giúp người câm điếc hòa nhập với cộng đồng và phấn đấu, nỗ lực vươn lên khỏi nghịch cảnh của cuộc sống.
“Mẹ đã hy sinh rất nhiều để tôi học xong đại học. Bây giờ, mẹ cùng tôi mở CLB Điếc câm để giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh như tôi học tập và hòa nhập với xã hội. Tôi đã trải qua 34 năm ở bên mẹ, và suốt 34 năm đó, tôi luôn nợ mẹ một lời xin lỗi”, Khiêm chia sẻ.
Hành động xin lỗi đầy xúc động của Lâm thu hút sự chú ý của nhiều người.
Trong dịp năm mới, với sự hỗ trợ từ chương trình “Lời xin lỗi” và của các học viên của Tổ chức cộng đồng Điếc câm TP.HCM, Khiêm đã gửi lời xin lỗi ngọt ngào và chân thành nhất tới người mẹ kính yêu của mình trước sự chứng kiến của hàng trăm người tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và hàng triệu khán giả qua màn ảnh nhỏ.
Khuôn mặt tươi như trẻ thơ của Khiêm và sự hiền hậu của người mẹ cùng những ngôn ngữ ký hiệu đẹp như múa từ trái tim đã để lại ấn tượng sâu đậm và cảm xúc nghẹn ngào nơi người xem.
“Lời xin lỗi” là chương trình truyền hình thực tế đang tạo ấn tượng mạnh với khán giả cả nước qua câu chuyện của những số phận, những hoàn cảnh khác nhau trên khắp đất nước gửi lời xin lỗi chân thành đến cha mẹ, con cái, người thân vì những thiếu sót mà mình đã gây ra, với mong muốn một năm mới tốt đẹp hơn.
Trào lưu nói lời xin lỗi đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng khởi nguồn từ câu chuyện một doanh nhân nổi tiếng xin lỗi người tiêu dùng cả nước. Thông điệp xin lỗi được hàng chục ngàn người hưởng ứng và gửi tới người thân, gia đình, bạn bè của mình trong những ngày giáp tết Đinh Dậu.
Nhận định về xu hướng tích cực này, ông Trần Nhật Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông và Phát triển cho biết: "Những giá trị truyền thống mang tính dân tộc như yêu thương, đùm bọc, cảm thông và bỏ qua cho nhau gần đây vốn bị lu mờ nhưng đang được đánh thức lại với trào lưu xin lỗi đầy tính nhân văn hiện nay. Hy vọng, nét tươi mới và độ lan tỏa mà trào lưu xin lỗi đang tạo ra sẽ trở thành nét văn hóa ứng xử lâu dài của người Việt chúng ta".
Tác giả bài viết: Giang Thư Quân
Nguồn tin: