Như một định mệnh, lịch sử mấy ngàn năm đã minh chứng Việt Nam ta trong những thời khắc binh lửa chiến tranh luôn xuất hiện những vị tướng tài, thậm chí nổi danh thế giới. Thế nhưng mấy chục năm hòa bình qua, đất nước vẫn chậm phát triển, thậm chí, nhiều ngành vẫn thua láng giềng và thế giới. Có nhiều nguyên nhân để giải thích hiện tượng trên, nhưng nguyên nhân cốt lõi nhất vẫn là yếu tố con người, những con người của một thời hòa bình.
Người tài chọn người tài
Chỉ cần click nhẹ trên trang tìm kiếm của Google, có thể nhìn thấy hàng loạt các phương pháp, dấu hiệu nhận biết “người tài” của các bậc hiền nhân thuở trước hay của các nhà khoa học, giáo sư nổi danh hàng đầu hiện nay.
Việt Nam đến bây giờ cứ mãi “thắp đuốc” đi tìm nhân tài. Ảnh minh họa: Newszing.
Nếu như ngày xưa, tiên sinh Gia Cát Lượng bên Trung Hoa có “07 cách để hiểu lòng người”, thì bây giờ, “lý thuyết nhân tài 3C” (3C Talent Formula) của giáo sư Dave Ulrich ở Hoa Kỳ cũng đang rất phổ biến, được nhiều tổ chức, quốc gia áp dụng. Điều đó cho thấy rằng, cách thức tìm ra “người tài” không thiếu, vấn đề còn lại là vận dụng cách thức đó như thế nào cho thực chất, hữu dụng nhất và ai, tổ chức nào sẽ đứng ra chọn lựa “người tài”?
Câu trả lời cũng thật đơn giản! Chỉ có người tài mới nhận ra người tài.
Chỉ có những tổ chức mà hoạt động thực tiễn của họ đạt hiệu quả cao, đem lại những giá trị đích thực cho xã hội, có những phát kiến đột phá khai sáng cho nhân loại mới có khả năng chọn ra được những cộng sự, những đồng nghiệp hữu dụng, xuất sắc. Một ông chủ giỏi, một doanh nghiệp thành đạt, phát triển bền vững bao giờ cũng muốn có một đội ngũ nhân viên, tầng lớp kế thừa giỏi hơn mình hoặc chí ít là… bằng mình.
Công tác nhân sự nước ta hiện nay, thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn phải tiếp tục đổi mới. Báo đài thường xuyên phản ánh hiện tượng tiêu cực liên quan đến nhân sự từ cơ sở địa phương lên tới tận cả trung ương. Việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh mới đây là một vụ nghiêm trọng điển hình, qua đó, dư luận có quyền lo lắng, hoài nghi rằng còn có bao nhiêu “ông Trịnh Xuân Thanh”… chưa bị lộ. Mà có những ông quan nếu thực chất chỉ là một nhân tài “dỏm” tìm cách chui lọt vào hệ thống, đồng nghĩa với việc một nhân tài thứ thiệt bị ra rìa. Đồng nghĩa với việc lãng phí, mà lãng phí nhân sự là thứ lãng phí lớn nhất, gây thiệt hại cho đất nước nhiều nhất.
Sự lỗi nhịp của cơ chế tuyển dụng
Từ lâu, các nhà phân tích đã chi rõ sự lỗi thời của cơ chế đánh giá, thẩm định, tuyển chọn nhân sự, quá thiên về lý lịch, lại thêm căn bệnh "con ông cháu cha", vấn nạn "đồng hương đồng khói", vì thế, Việt Nam đến bây giờ cứ mãi “thắp đuốc” đi tìm nhân tài. Nền kinh tế thị trường vẫn chưa hoàn thiện, luật còn quá nhiều khe hở tạo nên những nhóm lợi ích sân sau thao túng, chạy theo đồng tiền, chạy chức, chạy quyền diễn ra khắp nơi… khiến nhân tài vốn như “lá mùa thu” lại càng thêm rơi rụng.
Một chính quyền muốn có được những nhân tài thật sự phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, tiếp đó là môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ xứng đáng. Và một nhân tài chân chính cũng vậy, phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Người Việt ta không thiếu người tài, cả trong nước lẫn nước ngoài, có người đã nổi danh, có người thì “tàng long, ngọa hổ”, vấn đề là làm sao có cơ chế thích hợp nhất để họ không “tàng” không “ngọa” mà tỏa sáng.
Khi đã đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, khái niệm trong Đảng ngoài Đảng đối với một quan chức sẽ trở nên nhẹ nhàng, bình thường. Nhiều người đã “chặc lưỡi” cho là không tưởng khi đề cập đến ngôi vị Bộ trưởng hay những chức danh cao hơn mà không phải đảng viên. Sao không nhớ lại năm 1946, khi Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ yêu nước, một người ngoài Đảng được cử làm quyền Chủ tịch nước, và cụ đã hoàn thành rất tốt trọng trách công việc được giao.
Đất nước đang đối mặt với rất nhiều thách thức khó khăn, cả vấn đề đối nội lẫn đối ngoại, cải cách thể chế là cấp thiết, việc trọng dụng nhân tài để vực dậy, khai sáng, khai phóng bước đi của dân tộc là điều tối quan trọng, thiết thực nhất. Nhắc lại lời người xưa, nhà bác học Lê Quý Đôn từng nhận định rằng “nếu để xảy ra tình trạng trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt thì xã hội sẽ rối loạn, suyđồi, đổ vỡ”.
Lời cảnh báo đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Tác giả bài viết: Minh Phước