Vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An đã kiểm tra và tạm giữ một số mặt hàng không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, có dấu hiệu làm giả hay giả mạo các thương hiệu nổi tiếng của một Trung tâm phân phối VLXD Xuân Hòa Nghĩa Thuận tại thị xã Thái Hòa, Nghệ An.
Hiện nay, trên thị trường, các thương hiệu nổi tiếng như các mặt hàng nhãn hiệu Viglacera của Tổng Công ty Viglacera, gạch ốp lát với nhãn hiệu ROYAL, sơn của Tập đoàn sơn Kova, vòi nước gật gù CAFSAR, v.v… Hàng ngày, chúng ta thường hay nghe các cụm từ như hàng giả, hàng nhái, trong các vụ việc bị các cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật, đó là các hành vi vi phạm pháp luật có bản chất khác nhau và chế tài tương ứng cũng khác nhau khi tiến hành xử lý.
|
Như thế nào là hàng giả?
Để xem xét như thế nào được gọi là hàng giả cần căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi bổ sung 2009, Nghị định 185/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cụ thể, tại Khoản 8, Điều 3, Nghị định 185/2013/NĐ-CP không đưa ra một khái niệm tổng quát nhất cho hàng giả mà nêu ra trong các trường hợp cụ thể. Đối với thị trường VLXD, chỉ cần nắm rõ các quy định tại các điểm đ, e, g và h như sau:
“Hàng giả” gồm:
đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;
e) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; g) Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005: Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ:
1). Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hoá sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này;
2). Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý;
3). Hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan".
Và tương ứng với hành vi trên là các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 13, Nghị định 185/2013/NĐCP bao gồm hình phạt chính là phạt tiền từ mức 200 ngàn đồng đến 30 triệu đồng (và có thể gấp đôi nếu rơi vào khoản 2, Điều 13), hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật và các biện pháp khắc phục hậu quả (nộp lại khoản thu nhập bât hợp pháp, v.v…). Tuy nhiên, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 156 Bộ Luật hình sự 1999 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2009 (có hiệu lực đến hết ngày 30/12/2017):
1). Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm;
2 ). Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; g) Thu lợi bất chính lớn; h) Gây hậu quả rất nghiêm trọng;
3). Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
4). Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Như vậy, có thể hiểu ranh giới giữa xử phạt lý vi phạm hành chính với truy cứu trách nhiệm hình sự là con số hàng hóa trị giá 30 triệu. Tuy nhiên, điều luật cũng xác định rõ trong trường hợp khác dù trị giá hàng hóa dưới 30 triệu thì vẫn có thể bị truy cứu tránh nhiệm hình sự.
Thế nào là hàng nhái?
Các quy định trong các văn bản hiện hành không đưa ra khái niệm hàng nhái. Tuy nhiên, theo cách hiểu thông thường, hàng nhái là hàng làm cho khách hàng lầm tưởng hàng mình đang mua là một nhãn hiệu khác (thường là cao cấp, sang trọng) trên cơ sở nhái theo về một số tiêu chí, bộ phận, hay cấu thành trong nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của hàng hóa.
Với cách hiểu này, đó chính là các hành vi vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 129, Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ và bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 99/2013/NĐCP, Thông tư 11/2015/TT-BKHCN và có thể bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 171 Bộ Luật Hình sự hiện hành.
Cụ thể như sau: Về xử lý hành chính, theo các quy định tại Điều 11, Nghị định 99/2013/NĐ-CP đối với hành vi vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa hay chỉ dẫn địa lý sẽ bị phạt tiền từ mức 500 ngàn đồng đến 500 triệu đồng tùy mức độ vi phạm và hình phạt bổ sung có thể là tiêu hủy hàng hóa nếu không khắc phục được lỗi. Về trách nhiệm hình sự, “Điều 171. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp 1). Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm; 2). Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; 3). Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được hướng dẫn cụ thể trong Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 29/2/2008. Theo quy định tại mục 2 của Thông tư này, chỉ cần thu lợi nhuận từ 10 triệu đồng trở lên đã bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên thực tế, cần phân biệt rõ sự khác biệt giữa tên thương mại và nhãn hiệu hàng hóa nhằm mục đích phân biệt giữa hành vi làm hàng giả và hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Trong khí đó, nhãn hiệu hàng hóa là những dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hóa có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Một doanh nghiệp có thể sản xuất nhiều loại sản phẩm hoặc có thể kinh doanh nhiều dịch vụ, như thế một doanh nghiệp có thể có nhiều nhãn hiệu hàng hóa.
Với các hành vi đã được phản ánh cho thấy các đối tượng gian lận đã có dâu hiệu vi phạm pháp luật về làm hàng giả, hàng giả mạo và với quy mô đã có thể đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Các hành vi mua bán các sản phẩm nhãn hiệu Royal, Viglacera, Cafsar với số lượng thể hiện trong biên bản tạm giữ của lực lượng QLTT cho thấy quy mô thương mại, và phản ánh của các nhà sản xuất đã cho thấy có dấu hiệu rõ rệt sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Tác giả: Nguyễn Hân - Văn Thành
Nguồn tin: Gia đình và Pháp luật