Anh Tiến với đống đơn kiện Bảo Minh.
Chuyển đổi bảo hiểm giữa chừng
Đã 4 tháng nay anh Trần Xuân Tiến (SN 1981), ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) đã gõ hết các cửa để đòi Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Quảng Bình bồi thường bảo hiểm cho chiếc tàu cá trị giá 2 tỷ đồng của mình, bị chìm ở ngư trường Hoàng Sa nhưng không cơ quan chức năng nào trả lời anh.
Anh Tiến nghẹn ngào kể: Anh đang tham gia mua bảo hiểm tại Công ty Bảo Việt Quảng Bình cho chiếc tàu cá QB 98535 – TS của mình, với mức 70 triệu đồng. Đến hạn đóng phí kỳ 3, khi anh đang loay hoay xoay tiền để đóng đủ phí, thì nhân viên Công ty Bảo Minh Quảng Bình xuất hiện.
Nhân viên bảo hiểm này nói với anh Tiến, Công ty Bảo Minh được Nhà nước cho phép độc quyền khai thác bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ, phí bảo hiểm rất rẻ, nhưng mức hỗ trợ của Nhà nước lại lên đến 90%, chứ không phải 50% như bên Bảo Việt mà anh đang tham gia. Thay vì phải đóng 35 triệu cho Bảo Việt để được bảo hiểm thêm 6 tháng còn lại, anh chỉ cần đóng cho Bảo Minh hơn 3 triệu đồng là có được bảo hiểm 1 năm.
Nhẹ dạ, cả tin, anh Tiến chấm dứt hợp đồng với Bảo Việt, quay sang mua bảo hiểm Bảo Minh cho chiếc tàu cá của mình. “Họ nói, là cứ đóng đủ phần hơn 3 triệu đồng của tui, phần Nhà nước hỗ trợ 90% là bên Bảo Minh tự lo. Khi tui đóng đủ tiền, họ cấp ngay cho tui một giấy chứng nhận bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 24/12/2015 – 24/12/2016. Nhận được giấy chứng nhận, tui mừng khấp khởi vì đã tiết kiệm được một số tiền rất lớn, nhưng ai ngờ, khi tai nạn xảy ra họ phủi tay không đền một đồng xu nào cả” - anh Tiến nói.
Theo đó, sáng sớm ngày 1/2/2016, khi tàu anh Tiến đang đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa thì gặp sóng to, gió lớn. Tàu anh bị chìm, nhưng rất may 6 thuyền viên đã được các tàu cá gần đó ứng cứu kịp thời. Về đến bờ, anh vội vã làm các thủ tục để được đền bù bảo hiểm, nhưng đã ngã ngửa khi Bảo Minh công bố tàu anh không được đền bù bảo hiểm. Lí do từ chối bảo hiểm mà Bảo Minh đưa ra, là căn cứ theo Công văn số 40 của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình.
Việc xảy ra ở Quảng Bình, TPHCM trả lời
Cứ nghĩ với tư cách nhà báo, chắc là giúp tìm hiểu được lí do vì sao tàu cá của anh Tiến không được bồi thường bảo hiểm, phóng viên Tiền Phong đã đăng ký làm việc với ông Lê Quang Trung, Giám đốc Bảo hiểm Bảo Minh Quảng Bình.
Qua điện thoại, ông Trung đồng ý với điều kiện phóng viên cung cấp câu hỏi để nhân viên của ông chuẩn bị. Tuy nhiên, sau khi nhận được câu hỏi, ông Trung nại lí do không có quyền phát ngôn, mà phải là lãnh đạo của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Minh ở TP Hồ Chí Minh.
Ông Trung cho phóng viên số điện thoại nhân viên trực tổng đài của Tổng Công ty Bảo Minh để đăng ký làm việc. Trực tổng đài là một giọng nữ, nói rằng sẽ liên hệ với lãnh đạo, lúc nào sắp xếp được lịch cô ấy sẽ thông tin. Tuy nhiên cho đến nay đã gần 1 tháng, nhưng phóng viên Tiền Phong vẫn không hề nhận được điện thoại thông báo sắp xếp lịch của cô nhân viên trực tổng đài của Bảo Minh.
Ông Lê Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình cho biết: Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Quảng Bình được Bộ Tài chính giao phụ trách thị phần bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ tại Quảng Bình. Thông thường thủ tục bảo hiểm tàu cá do Bảo Minh hoàn tất, chuyển sang Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sau đó chi cục này chuyển lên hội đồng do Sở NN&PTNT chủ trì xem xét. Nếu đủ điều kiện thì Sở NN&PTNT chuyển lên UBND tỉnh ra quyết định và Kho bạc Nhà nước chuyển tiền trực tiếp về cho Công ty Bảo Minh.
Đối với trường hợp tàu cá của anh Trần Xuân Tiến, Công văn số 40 nói rõ: Tàu cá anh Tiến không đủ điều kiện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm theo Nghị định 67 của Chính phủ, với lí do tàu này đã được hỗ trợ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ. Có nghĩa trong 1 năm anh Tiến không thể nhận 2 lần hỗ trợ phí bảo hiểm.
Ông Lợi cho rằng, đúng ra Công ty Bảo Minh phải hiểu rõ quy định này của Nhà nước và không bán bảo hiểm cho những tàu cá như trường hợp của anh Tiến, để tránh thiệt hại cho ngư dân. Còn đã lỡ bán rồi, khi nhận được công văn của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thông báo tàu cá A, B, C… không đủ điều kiện, thì phải trả ngay lại tiền cho ngư dân và hủy hợp đồng bảo hiểm để tránh gặp rắc rối.
Ông Lợi chia sẻ: “Việc các công ty bảo hiểm gây khó khăn cho ngư dân khi chi trả bảo hiểm chắc chắn là có. Tuy nhiên việc này chúng tôi không nắm rõ, chỉ đôi trường hợp liên quan, ngư dân đến hỏi, chúng tôi mới biết. Họ là doanh nghiệp kinh doanh mà, cái gì có lợi thì họ làm. Nhìn vào bảo hiểm ô tô là biết, khi bán thì chào mời, nhưng khi xảy ra tai nạn thì muôn vàn lí do khó dễ, thì tàu cá cũng vậy thôi”.
Anh Tiến cho biết, sau khi xảy ra tai nạn, mới đây Công ty Bảo Minh cho người mang 3.208.500 đồng tiền phí bảo hiểm anh đã mua ra trả lại nhưng anh không nhận. “Nếu họ không phỉnh phờ tui mua thì không có chuyện tui hủy hợp đồng bên Bảo Việt. Họ hứa là khoản hỗ trợ của Nhà nước là do họ lo liệu, giờ lo không được thì họ phải chịu trách nhiệm, chứ răng lại bắt tui chịu” - anh Tiến nói.
Theo thống kê, Quảng Bình hiện có hơn 3.000 tàu cá, trong đó gần 1.000 tàu từ 90 CV trở lên, thuộc diện bắt buộc mua bảo hiểm. Tuy nhiên, mỗi năm các công ty bảo hiểm chỉ chi trả vài vụ tàu cá lấy lệ, còn đa số bị từ chối với đủ lí do. |
Theo phản ánh của ngư dân, hầu hết ngư dân mua bảo hiểm tàu cá đều không nhận được hồ sơ bảo hiểm cũng như hợp đồng bảo hiểm, mà chỉ nhận được giấy chứng nhận bảo hiểm. Điều này gây bất lợi cho ngư dân, vì họ không hề nắm được các điều khoản trong hợp đồng để thực hiện. Khi tai nạn xảy ra, các công ty bảo hiểm nại ra trăm nghìn lý do ngư dân không thực hiện đúng hợp đồng để từ chối bảo hiểm. |
Tác giả bài viết: Hoàng Nam