Lấy đất của dân làm bãi rác, cạnh khu di tích
Cách đây 6 năm, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định phê duyệt “Dự án đầu tư xây dựng công trình: “Bãi xử lý rác thải thị trấn Quỳ Hợp và các xã phụ cận huyện Quỳ Hợp”. Hai năm sau đó, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng ký quyết định thu hồi đất tại các xã Châu Lộc, Thọ Hợp, Tam Hợp… thuộc địa bàn huyện Quỳ Hợp để thực hiện các dự án, trong đó có dự án bãi rác.
Trong quyết định thu hồi, lãnh đạo tỉnh Nghệ An không chỉ rõ địa điểm thực hiện dự án, chỉ ghi chung là thu hồi diện tích 40,3 ha tại xã Thọ Hợp. Sau đó, UBND huyện Quỳ Hợp thống nhất xây dựng bãi rác xóm 7 thuộc Thung Khẳng, xã Thọ Hợp. Vị trí bãi rác nằm cạnh một hang động từng là Khu di tích căn cứ cách mạng quan trọng của Tỉnh uỷ Nghệ An (nơi này là cơ sở bí mật để các lãnh đạo tỉnh uỷ Nghệ An lưu trú, thảo luận đưa ra những quyết sách quan trọng thời kỳ kháng chiến). Do cùng nằm trong một thung lũng nhỏ, việc ảnh hưởng của bãi rác đến địa chỉ lịch sử này là không tránh khỏi.
Ngoài ra, dự án thu hồi những diện tích đất nhỏ lẻ từ các hộ dân đã được nông lâm trường giao khoán lâu năm; họ sống dựa vào rừng nên không chấp nhận giao đất. Ông Ngô Sỹ Toản, hộ dân thuộc diện bị giải phóng mặt bằng của dự án này nói: “Chúng tôi nhận khoán của Lâm trường Quỳ Hợp hơn 20 năm nay, cuộc sống nhờ hết vào rừng. Bây giờ, chính quyền muốn lấy đất, chỉ đền bù ít công cải tạo đất, chúng tôi không biết sinh sống ra sao. Trong khi đó nhiều diện tích rộng của các lãnh đạo, có người không trực tiếp sản xuất, sao không chọn làm bãi rác?” - ông Toản nói. Như phản ánh của người dân, ngay tại Thung Khẳng này, có một số gia đình cựu lãnh đạo huyện Quỳ Hợp đang sử dụng cùng lúc nhiều ha đất rừng không thuộc diện bị thu hồi.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp (người dân phản ánh ông Tùng thường xuyên thăm nom nhiều khu trang trại, đất rừng trên địa bàn huyện) cho rằng: Việc lựa chọn địa điểm triển khai bãi rác “đã có sự nghiên cứu kỹ của sở xây dựng và các sở ban ngành”.
Và cho là dự án bãi rác hình thành từ nhiều năm, nhưng người dân không tài nào tìm thấy biển giới thiệu (Theo Luật Xây dựng hiện hành, biển bảng là một trong những cách công bố quy hoạch). Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp nói: “Chưa cắm biển bảng công khai dự án là do thiếu kinh phí”.
“Thả cửa” cho doanh nghiệp xây hỗn hợp đền chùa?
Trong khi đất đai sản xuất nông nghiệp của người dân đứng trước nguy cơ bị thu hồi, nhiều héc ta trên một ngọn đồi lớn cạnh thị trấn Quỳ Hợp đã được một doanh nghiệp lớn trên địa bàn (Cty Toàn Thắng) xây dựng thành một quần thể tâm linh quy mô lớn.
Hệ thống công trình gồm nhiều tòa nhà mái ngói theo kiến trúc đền, chùa đã được xây dựng kiên cố; cạnh đó khu vực tạc tượng, linh vật cũng được tổ chức quy mô cho thấy quá trình xây dựng diễn ra lâu dài, bài bản. Một lãnh đạo huyện Quỳ Hợp nói đang xin UBND tỉnh Nghệ An hợp thức hoá để công trình này tồn tại dưới dạng một khu du lịch sinh thái - tâm linh.
Ông Hồ Mậu Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An, cho hay, sau khi nắm bắt được thông tin, các ngành chức năng đã cho dừng ngay công trình này vì chưa được các cơ quan chức năng cấp phép. “Hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn đang xem xét, chưa thể đưa ra phương án thống nhất về công trình này”.
Ông Lê Sỹ Hào, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp cho biết: Khu đất xây chùa vốn là đất nông nghiệp và đã được chuyển đổi một phần sang đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, chỉ mới một phần nhỏ diện tích dành cho xây dựng nhà được chuyển đổi, còn lại DN Toàn Thắng vẫn chưa làm thủ tục, nộp tiền chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp. Toàn Thắng là DN khai thác đá lớn nhất huyện Quỳ Hợp.
“Chính quyền muốn lấy đất, chỉ đền bù công cải tạo đất, hoa màu, cây cối trên đất, chúng tôi không biết sinh sống ra sao. Trong khi, nhiều diện tích rộng của các lãnh đạo, có người không trực tiếp sản xuất sao không lấy?”. Ông Ngô Sỹ Toản (cư dân huyện miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An) |
Tác giả bài viết: Đức Anh - Bảo An