Trong lần sang Mỹ đầu tiên, chúng tôi ở nhà người dân và được chủ nhà đưa đi thăm bảo tàng. Lần đó người đưa đi cũng đã có tuổi. Đang đi thì chúng tôi bị một xe đi sau tông nhẹ, nhưng cũng đủ để va đầu vào nhau và giật thót.
Nhà báo Trần Đăng Tuấn
Ông chủ nhà xuống xe. Nhìn ra, thấy từ xe dưới lần lượt chui ra có đến 4-5 thanh niên xăm trổ. Chúng tôi đã lo lắng và giục nhau cùng xuống xe để nếu có gì xảy ra thì bảo vệ ông già.
Ông già đi vòng ra sau, mở cửa xe, hỏi chúng tôi có bị sao không, kiểm tra từng người trong chúng tôi. Lúc đó các thanh niên đứng đợi và cũng chăm chú xem có ai bị thương không.
Sau khi thấy không ai bị sao cả, ông chủ nhà mới quay ra. Các thanh niên kia cùng ông chào hỏi nhau thân thiện. Họ kiểm tra và thấy phần sau xe chở chúng tôi bị móp rất nặng. Nhưng chỉ một phút thấy chào nhau rồi lên xe đi tiếp.
Nghe câu chuyện trao đổi thì những thanh niên nọ muốn đền tiền, nhưng để làm thế phải cùng ghé qua gara đánh giá thiệt hại. Ông chủ nhà nói là cần đưa chúng tôi đến bảo tàng và cho điện thoại để "bàn chuyện đó sau".
Khi chúng tôi đến bảo tàng, thấy xe của mấy thanh niên vẫn đi theo. Họ cười bảo: Cũng không vội, nên họ sẽ đợi để xong việc này mới đi tiếp. Vì họ đang đi tận sang phía Nam nước Mỹ, thời gian sẽ rất lâu.
Ông chủ nhà vẫn đưa chúng tôi vào bảo tàng, cùng đi vài gian, rồi thấy chúng tôi tự tham quan tiếp được, mới ngỏ lời " Xin vắng mặt nửa giờ", vì các thanh niên nọ đợi bên ngoài.
Chiếc xe móp méo đó còn chở chúng tôi đi nhiều ngày sau, vì có vẻ chăm chút "con xe" không là quan tâm của người Mỹ.
Cậu chuyện tôi kể không nói ở họ cái gì cũng hay, nhưng cái gì họ hay thì nên học.
Bài viết đăng tải đã có hơn 3.300 người thích và hơn 80 lượt chia sẻ.
Một số ý kiến cho rằng, đọc bài này xong rồi lại đọc lại những bài viết về nạn tranh cướp hoa, giẫm đạp lên nhau tranh cướp lộc ở chùa... thì thấy thất vọng tràn trề. Ý kiến khác bày tỏ, rất đáng để học tập. Nhưng ở Việt Nam lại có nhiều trường hợp, người đi đúng luật bị người khác (ô tô xe máy khác) va vào, vì tinh thần trách nhiệm, nhân đạo dừng xe lại để xem xét hỏi han thì lại bị bên đi sai bắt vạ. Công an đến phải đi lên đồn giải quyết rất lôi thôi mất rất nhiều thời gian... Nên nhiều người muốn tốt cũng không thể tốt nổi.
Cũng có ý kiến bình luận: Điều này phụ thuộc vào nền giáo dục và kỹ năng sống. Khi mà giáo dục ở Việt Nam lấy thu nhập từ việc dạy thêm làm thu nhập chính thì nhiều điều bất cập xảy ra. Chương trình đào tạo mới chỉ hướng đến đào tạo một cỗ máy chứ không phải con người nhân văn. Cuộc sống từ nhỏ đến lớn là bon chen, chụp giật nên việc ra đường chèn ép, chen lấn dẫn đến mâu thuẫn... Ở xã hội văn minh, điều đầu tiên người học lái xe được dạy và được nhắc nhở nhiều lần là văn hóa giao thông.
Ở Đức đường sá nhỏ hơn Việt Nam và Mỹ nhiều. Nhiều con đường ở vùng quê vừa vặn cho 2 chiếc xe chạy ngược chiều nhau nhưng người ta chạy xe rất nhanh và rất tuân thủ luật pháp hay bảng chỉ dẫn.
Vậy nên lái xe rất nhẹ nhàng. Cứ đường nhỏ sang đường lớn thì tài xế dừng lại quan sát rồi mới xin đường cho xe chuyển làn đường vào đường lớn. Xe lớn thấy xe nhỏ là nhường ngay.
Người lái xe hơi luôn nhường đường cho người đi bộ tại nơi có vạch kẻ đường cho băng qua nhưng không có tín hiệu đường. Họ rất từ tốn, chậm rãi và tôn trọng nhau.
Tác giả bài viết: Nhà báo Trần Đăng Tuấn