Kinh tế

Bài 1: Uống cà phê hay “bắp + đậu nành pha nước mắm”?

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam vừa công bố, sau 3 đợt khảo sát (từ tháng 5-7/ 2016) trên các mẫu cà phê bột và cà phê pha tại Lâm Đồng và các thành phố tiêu thụ mặt hàng này nhiều nhất cho thấy có gần chục mẫu cà phê hoàn toàn không phát hiện hàm lượng caffeine.

Thấp hơn 100.000 đồng/kg thì không thể là cà phê nguyên chất

Không mới, nhưng sự “đột kích” một số cơ sở chuyên sản xuất cà phê tại Quận Bình Tân và huyện Bình Chánh vào ngày cuối tuần qua (15/7) của đoàn thanh tra liên ngành TP.HCM một lần nữa báo động về thực trạng làm ăn gian dối, thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm của không ít cơ sở sản xuất cà phê.

Tại hiện trường, tổ công tác phát hiện nhiều công nhân đang vận hành hệ thống rang xay cà phê trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh như công nhân đi dép nhựa trên sàn nhà dơ bẩn, dụng cụ trộn cà phê đặt gần dụng cụ lau sàn nhà.

Từ đợt kiểm tra thực tế, tổ công tác đã phát hiện một lượng lớn sản phẩm cà phê qua sơ chế đóng gói có “độn” đậu nành. Ngoài ra, tại cơ sở này còn chứa khối lượng lớn đậu nành chưa qua rang xay và loại hương liệu là... nước mắm dùng để pha chế “tăng độ ngon” cho cà phê.

"Dây chuyền" sản xuất cà phê bột ở một cơ sở chuyên sản xuất cà phê bẩn (Ảnh: T.L)


Theo lời “phân bua” của chủ cơ sở này thì ngoài kinh doanh cà phê “nguyên chất” như vậy, ông còn nhận gia công sản phẩm cà phê “độn” cho nhiều mối hàng, phí gia công cho mỗi ký cà phê thành phẩm dao động từ 1.500 – 15.000 đồng/kg. Còn phần công thức, tỷ lệ cà phê trong thành phần sẽ tùy thuộc vào “gu” và “lương tâm” của người chủ thuê gia công.

Thông thường, cà phê “độn” đậu nành được thực hiện theo yêu cầu của khách với các tỷ lệ 40/60 hoặc 50/50 hoặc 30/70 giữa cà phê và đậu nành. Với công thức này, chủ thuê gia công đã có thể “bỏ túi” cả trăm ngàn đồng mỗi ký mà chưa cần phải bán ly cà phê nào...

Trao đổi với PV, một chủ sản xuất cà phê có cơ sở tại Bình Tân khẳng định: Với giá cà phê như hiện nay, để sản xuất ra một ký cà phê bột thành phẩm (gồm nhân công sấy, xay, đóng gói, bao bì…), ít nhất phải có giá thành từ 100.000 đồng/kg. Do đó, nếu giá cà phê bột bán với giá 55.000 - 60.000 đồng/kg được giới thiệu “hà rầm” như trên thị trường hiện nay chỉ có thể là “tạp chất” cộng hóa chất, phẩm màu, mùi hương… mà thôi.

Theo “chia sẻ trong nghề” của một chủ cơ sở sản xuất tại Quận Phú Nhuận mà PV đã trao đổi thì: “Còn có nhiều điều “khuất mắt trông coi” trong công nghệ pha chế cà phê là trộn cả chục loại hoá chất, phụ liệu để sản phẩm giống y chang cà phê thiệt, trong đó có nhiều loại độc hại như: bột CNC (chất làm keo), chất tạo bọt trắng, caramen tạo mùi, tinh sữa, tinh ca cao, tinh cà phê, bơ công nghiệp, đường hoá học, bột vani… Một điểm đáng chú ý là toàn bộ những hoá chất này, người ta đều có thể dễ dàng mua ở “chợ hoá chất” Kim Biên… Và nếu không có những chất đó thì không bao giờ bột bắp, bột đậu nành có thể “hô biến” thành cà phê được!” .

Lợi nhuận từ cà phê “đen” quá hấp dẫn!

Một chủ quán cà phê tại Quận Phú Nhuận, chuyên kinh doanh sản phẩm nông nghiệp xanh cho hay: “Công nghệ chế biến cà phê bột ở những cơ sở nhỏ lẻ cũng chẳng khác nào công nghệ “cuốc xẻng” trong sản xuất phân bón rởm, kém chất lượng. Chỉ cần đầu tư 10 triệu đồng là có ngay một cái bồn để sấy bắp, đậu nành, sau đó mua thêm 1 chiếc cối xay là có ngay một quy trình chế biến cà phê. Trong khi đó, giá một chiếc cối xay cũng chỉ từ 1,5- 7 triệu đồng (tuỳ loại 1 ngày có thể xay được trên dưới 200 kg) nên thực tế việc đầu tư làm thương hiệu cà phê “cỏn con” là không tốn kém bao nhiêu, trong khi lợi nhuận từ mặt hàng này là rất lớn”.

Có thể nói, theo nhiều điều tra đã được cơ quan chức năng phanh phui trước đây, đã không ít cơ sở sản xuất cà phê trên khắp cả nước đang chế biến cà phê “giả” theo một quy trình công phu, nhằm qua mắt người mua và các lực lượng chức năng.

Kết quả khảo sát của một đơn vị cho thấy cà phê bán trong các quán có hàm lượng caffeine rất thấp


Theo đó, cái gọi là cà phê thực chất chỉ là một hỗn hợp bột đậu nành, bột bắp được sấy cháy rồi trải qua các công đoạn tẩm ướp nhiều loại hóa chất khác nhau, xay và trộn, cuối cùng cho ra thành phẩm là một loại bột đen có màu sắc và mùi vị như cà phê thật. Ở những cơ sở này, hạt cà phê nguyên liệu được cho vào rất ít (khoảng 6-7%), hoặc có nơi không hề có cà phê mà chỉ thuần là đậu, bắp…

Trong khi đó, ghi nhận mặt hàng này trên thị trường dưới dạng “đóng gói thành phẩm” thì hầu hết trên bao bì này luôn khẳng định là “cà phê nguyên chất”. Tuy nhiên, thông tin hầu như chỉ chung chung mà trong mục thành phần sản phẩm trên bao bì hầu như “thiếu vắng” thông tin về thành phần, hóa chất đã được sử dụng để trộn vào sản phẩm này, và đặc biệt không hề công khai về liều lượng và nguồn gốc của các loại “tạp chất”, hóa chất ấy.

Những ghi nhận của PV từ chia sẻ của người người kinh doanh lẫn “nhà sản xuất” cà phê khá tương thích với kết quả khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam vừa công bố mới đây thì sau 3 đợt khảo sát từ tháng 5 đến tháng 7/2016, trên các mẫu cà phê bột và cà phê nước tại Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Sóc Trăng và Lâm Đồng, kết quả cho thấy tổng cộng có tới 9 mẫu cà phê hoàn toàn không phát hiện hàm lượng caffeine.

Theo đó, chỉ riêng trong đợt khảo sát 253 mẫu của tháng 6 và 7/2016, tại 4 tỉnh thành phố gồm Hà Nội, TPHCM, Bình Dương và Sóc Trăng, cho thấy tới 1/3 tổng số mẫu khảo sát có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/lít).

Khảo sát của Hội dựa căn cứ trên các mẫu chọn ngẫu nhiên từ gần một nửa (47,54%) từ các quán nhỏ, xe đẩy, vỉa hè, và căng tin bệnh viện… thì hàm lượng caffeine rất thấp. Cũng khảo sát này cho biết, thậm chí các mẫu tại các địa điểm cà phê bệt, xe đẩy theo kiểu hàng rong thì hoàn toàn không có hàm lượng caffeine. Điều này đồng nghĩa với việc những ly cà phê được pha chế từ hóa chất và những “tạp chất” khác chứ không phải cà phê (!).

Tác giả bài viết: Việt Khuê – Mai Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP