Xã hội

Khám phá tục bắt vợ của người Mông

“Theo quan niệm của người Mông, con gái phải được bắt về, cướp về nhà giai thì mới có giá, còn tự tìm đến nhà con trai thì không có giá trị gì cả. Nếu ưng rồi mà không được “bắt” thì con gái cũng chịu. Tục bắt vợ của người Mông đã có từ lâu lắm rồi, từ khi nào không ai còn nhớ nữa…”, già làng Và Bá Chả bảo vậy.

Tục xưa lệ cũ

Tục bắt vợ của người Mông đã có từ hàng nghìn đời. Xưa kia, những người con gái siêng năng, khỏe mạnh và giỏi giang, khéo léo thì sẽ có nhiều chàng trai bản để ý và muốn “bắt” về làm vợ. Đêm khuya, là lúc các chàng đến đứng ngoài buồng ngủ của cô gái, chọc que qua tấm gỗ thưng, rì rầm trò chuyện, “chứ không được ngủ với nhau”. Khi cô gái đã “ưng cái bụng”, thì họ trao nhau vật làm tin, rồi hẹn nhau bàn kế hoạch để nhà chàng trai tổ chức “cướp” về làm vợ. Sau khi “cướp”, đại diện nhà trai sẽ mang theo nén bạc, đến thông báo cho gia đình cô gái rằng cô không bị lạc, bị mất tích, mà đã được bắt vợ rồi!

kham pha tuc bat vo cua nguoi mong
Anh Lầu Bá Lì “bắt vợ” Và Y Rùa từ nước bạn Lào về

Già làng Và Bá Chá (bản Long Kèo, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn) Nghệ An cho biết: “Theo quan niệm của người Mông, con gái phải được bắt về, cướp về nhà con trai thì mới có giá, còn tự tìm đến nhà con trai thì không có giá trị gì cả. Nếu ưng rồi mà không “bắt” là cũng không đi mô”…

Phải “bắt vợ” thì người đàn ông mới chứng minh sự mưu trí, dũng cảm của mình và thật lòng với người yêu. Các chàng trai Mông sau khi tìm được cô gái mình yêu thương, người con trai sẽ nhờ đến anh em, bạn bè... giúp đỡ. Thời điểm bắt vợ thường là lúc các cô gái đang đi gánh nước dưới suối, hái lá trên nương hay chặt củi trong rừng và đã được “thỏa thuận ngầm” với nhau trước đó.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp mặc dù cô gái không thích chàng trai nhưng vẫn bị bắt làm vợ, trong vòng 3 ngày cô gái phải tìm cách trốn khỏi nhà chàng trai hoặc được chàng trai cố tình để cô gái trốn thoát. Lúc đó gia đình nhà chàng trai phải làm lễ vật sang nhà cô gái để “đền danh dự” cho cô gái. Còn sau 3 hôm bị bắt mà cô gái không trốn được thì gia đình nhà trai sẽ đến báo cho gia đình nhà gái biết và bàn việc cưới. Đám cưới của người Mông thường được tổ chức linh đình vào mùa xuân, bởi người ta cho rằng mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở mà con người không nằm ngoài quy luật đó của tạo hóa.

kham pha tuc bat vo cua nguoi mong
Chơi ném pao trong ngày xuân

Tục lệ đám cưới, cô gái được bắt về sẽ đứng ngoài cửa và được gia đình chàng trai mang gà ra làm lễ nhập nhà xong rồi mới được bước vào nhà. Nhà trai sẽ chuẩn bị một con gà trống và làm lễ xoay vòng trên đầu hai người với mong muốn những điều không tốt sẽ được xóa bỏ để hai vợ chồng được sống hạnh phúc, may mắn. Người con gái bị bắt thì được mọi người tôn trọng và nhà trai sẽ bị đòi lễ cao hơn bình thường. Thông thường, lễ vật được quy định là 1 con lợn khoảng 1 tạ, 10 lít rượu và khi báo tin trước lúc lấy vợ là 100 nghìn đồng. Có trường hợp nhà trai đưa 1 nén bạc cho nhà gái để làm tin, đến lúc cưới nhà gái sẽ dùng số tiền đó làm thịt 1 con lợn mừng.

Sang Lào bắt vợ

Đến nhà vợ chồng anh Lầu Bá Lì (1982) và chị Và Y Rùa ở bản Chạ Lạt, xã Mường Típ, Kỳ Sơn, Nghệ An, anh Lì vui mừng đón khách và tự hào kể về chiến tích “bắt” được chị Rùa ở đất nước triệu voi. “Nhà ta có anh em, họ hàng ở bên Lào. Tết năm đó, ta sang Lào chơi thì gặp Rùa, thấy Rùa đẹp, ta thích lắm. Hỏi Rùa có ưng làm vợ ta không thì Rùa chỉ đỏ mặt, sau đó gật đầu đồng ý. Ta về nói chuyện, xin phép bố mẹ 2 bên, rồi mấy ngày sau cùng với mấy người bạn nữa sang bắt Rùa. Phải đợi lúc Rùa đi hái rau trên rừng thì mình mới bắt, về nhà thì tổ chức làm vía và sau 3 ngày thì làm lễ cưới Rùa”.

Còn anh Hạ Bá Thái, Phó chủ tịch UBND xã Mường Típ cũng chia sẻ, anh sinh ra từ cuộc hôn nhân 2 quốc tịch Việt - Lào. Trước kia, bố của Hạ Bá Thái tham gia dân công hỏa tuyến, trong một lần gùi gạo, đã gặp cô gái chạy giặc từ Lào sang Kỳ Sơn, Nghệ An. Hai người đem lòng yêu thương nhau và làm đám cưới. 6 đứa con lần lượt ra đời, bây giờ đều đã có gia đình riêng. Những dịp lễ tết, các con, các cháu lại cùng sang Lào để thăm quê ngoại.

“Vì ở vùng sâu, vùng xa, nên những quy định về hôn nhân khác quốc tịch bà con cũng chưa nắm được hết. Cứ yêu nhau là bắt về làm vợ thôi. Nhưng hiện nay, chính quyền địa phương cũng đang tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật hôn nhân gia đình, để những mối tình được có kết quả tốt đẹp, vừa giữ được bản sắc dân tộc Mông”, ông Moong Thái Nhi, Trưởng phòng Văn hóa huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cho biết.

Giữ nét nhân văn trong tục bắt vợ

Ông Xồng Và Súa, Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết: Cách đây 3 năm, trong bản có ông Và Chồng Hờ có gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo sự việc anh Dềnh Bá Cả (bản Huồi Phả, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn) vì đã bắt con gái ông là Và Y Chùa về làm vợ.

Lúc ấy, Chùa mới học lớp 9, cũng trong dịp tết, thanh niên từ bản này sang bản khác đi chơi, ném pao, Cải thấy Chùa xinh gái, nên muốn bắt về làm vợ. Sau tết, lợi dụng lúc vợ chồng ông Hờ đi làm rẫy xa, chỉ có Chùa và cậu em nhỏ ở nhà, Cải cùng hai người nữa đến nhà nói thích Chùa và bắt em về làm vợ. Bố mẹ Chùa khi trở về nghe hàng xóm kể chuyện con gái mình đã bị bắt vợ đã rất tức giận, nhưng phong tục người Mông, sau 3 ngày bị bắt đi, thì con gái đã là ma của nhà chồng rồi. Gia đình Cải cũng hứa sau khi Chùa đủ 18 tuổi sẽ làm lễ cưới.

Nhưng chung sống với nhau ít lâu, Cải không thương Chùa nữa, mà hay đánh đập, chửi mắng. Cô gái không chịu được sự uất ức mới lấy hết can đảm bỏ trốn về nhà. Sự việc sau đó được báo lên chính quyền địa phương. Cải cũng đã bị công an huyện Kỳ Sơn bắt và xét xử theo pháp luật. Còn em Chùa đã đi học trở lại.

Tuy tục bắt vợ với nhiều quy định ngặt nghèo, ép buộc một cô gái về làm vợ “trở thành ma nhà chồng, tuyệt đối nghe lời chồng” khi cô không đồng ý hoặc chưa đến tuổi, nhưng đây vẫn là phong tục truyền thống không thể bỏ được của người Mông. Về bản chất, tục lệ này có nhiều ý nghĩa nhân văn, thấm đẫm tình người, khẳng định giá trị của người phụ nữ, mở đường cho tự do yêu đương của những đôi trai gái… Nó chính là nhân lõi để giữ gìn sự gắn bó của cộng đồng và bảo lưu các giá trị văn hóa của bà con người Mông.

Những năm gần đây, nhận thức của bà con đã có nhiều tiến bộ, phong tục này cũng đã được thay đổi dần để vừa dẫn đôi lứa đến được với nhau, cô gái cũng như tuân thủ đúng pháp luật của Nhà nước. Già làng Lầu Nềnh Chừ (71 tuổi, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn) nói: “Trước kia, nhiều người con gái không người ưng con trai mà bị bắt làm vợ, là hay ăn lá ngón tự tử lắm. Bây giờ thì khác rồi, con trai con gái gặp nhau, biết nhau từ trước, có thương nhau thì xin phép bố mẹ để tổ chức “bắt vợ”. Như rứa, cả 2 bên họ hàng mới cùng vui vẻ được…”.

Lại một mùa xuân nữa, đào, mận nở khắp thung lũng, trên những mái nhà thâm nâu thời gian. Người già ngồi bên bếp lửa, trẻ con chơi đùa, đàn ông đàn bà từ nương rẫy trở về và những cô gái ngồi thêu hoa bên bậu cửa… đang tận hưởng ngày vui năm mới. Ngày của tình yêu, của tiếng khèn, tiếng hát gọi bạn, ném pao, của đám cưới tưng bừng… hy vọng sẽ là hạnh phúc thực sự của một gia đình mới đầm ấm, vui vầy…

Tác giả bài viết: Hồ Lái

  Từ khóa: quan niệm ,khi nào ,giá trị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP