Lúa vụ đông xuân ngoài đồng ngát xanh, những rẫy bầu, bí cũng bắt đầu đơm hoa, kết quả. Những ao đìa gần nhà đã bắt đầu vào vụ tát nước bắt cá. Tập quán của người miền quê hay làm khô cá để tết nướng lai rai. Đó đây, ven tỉnh lộ, hương lộ người ta không khó nhận ra những phên tre đầy ắp những con cá sặc rằn, cá chạch, cá lóc được bà con trải ra phơi nắng.
Đầu cá lóc đã làm sạch.
Khô nào cũng ngon và có vị đặc trưng của riêng nó. Cá lóc khá phổ biến ở xứ này nên việc người miền quê chọn nó làm khô cũng làm nhiều hơn. Khô cá lóc thường được làm sạch rồi cắt đầu, xẻ đôi ướp muối và gia vị cho thấm mới phơi. Thú vị hơn nữa là phần đầu và ruột cá vừa cắt đi đó lại được dùng chế biến thành nhiều món ăn ngon, như món đầu cá lóc nhúng cơm mẻ, ... để lai rai mà không món nào bì kịp.
Nồi nước cơm mẻ đang sôi để nhúng đầu cá lóc.
Đầu cá cắt ra đem ngâm qua nước muối loãng rồi cạo sạch nhớt, để ráo. Bắc nồi nước sôi lên bếp, cho cơm mẻ vào, lược bỏ xác. Một số loại rau xanh được chuẩn bị để nhúng kèm như đậu bắp, bạc hà, ngò gài, ngò tàu, ... lặt rửa sạch và dọn ra dĩa. Khi nồi nước sôi, vớt bọt, nêm nếm vừa ăn, có người cho thêm vào đó ít sả, ớt bằm nhuyễn để có mùi đặc trưng. Nhúng đầu, ruột cá vào. Chờ cá chín thì nhúng thêm rau, ... Đầu cá, nhất là ruột cá chấm với nước mắm mặn cùng ít lát thì ngon ngọt không mòn nào qua được.
Chiều tối, khi những sề khô đã phơi ráo, cũng là lúc cả nhà quây quần bên bữa cơm chiều với món đầu cá lóc nhúng cơm mẻ thơm ngon tận dụng từ đầu cá mà hết sức độc đáo, thú vị này.
Có khi vài ba anh em trong xóm rủ nhau ngồi bên món đầu cá lóc nhúng cơm mẻ để lai rai bàn chuyện tâm tình. Thú vui miền quê chỉ vậy, nhưng lại là nét đặc trưng văn hóa dân gian miền sông nước.
Tác giả bài viết: Hồng Khuyên